Khi bị tấn công, các loài cây tự vệ như thế nào?

avatar ThS. LÊ THANH QUANG

Chủ nhật, 26/11/2023 07:53 (GMT+7)

Khi bị mầm bệnh, côn trùng hay động vật tấn công, cây không "đứng im chịu trận" mà sẽ phản đòn đó nha!

Tuyệt chiêu... đáp trả từ xa

Kẻ nào tấn công cây, cây sẽ “ghim” rồi phân loại các hình thức tấn công đó. Tiếp theo, cây sẽ ra hiệu cho hệ thống miễn dịch của mình sinh ra chất tương ứng có thể kích hoạt gen miễn dịch, tạo ra “sức mạnh” tên là protein giúp cây “tiếp chiêu” những kẻ tấn công cây.

Khi bị tấn công, các loài cây tự vệ như thế nào?- Ảnh 1.

Ảnh minh họa: FREEPIK

Các bạn có để ý là lớp vỏ của cây rất cứng không? Vì cây chứa nhiều Lignin làm cứng như vậy để mấy bạn động vật không thể “nhai đầu” cây được, đồng thời cũng để tránh mầm bệnh xuyên qua cây. Đó là cách phòng vệ vật lý của cây, đỉnh chưa?

Có nhiều loài cây có gai, kim, móc trên người là để cây bớt “đẹp”, bớt “quyến rũ” lại, các loài ăn thực vật sẽ bớt “để ý” tới chúng. Quả nhiên là kế hay!

Một vài cây còn “trang bị” chất độc trong lông nữa, ai mà đụng vô tụi nó là bảo đảm ngứa, đau và bỏng “xỉu up xỉu down” luôn.

Có một chị cây tên là “Mắc Cỡ”, các bạn mà đụng vào thì lá của chị ấy đóng lại liền. Hễ bị “đụng chạm”, phiến lá của chị liền “méc” cuống lá, cuống lá thấy vậy mới giải phóng các ion để các tế bào mất nước mà “héo queo” rồi đóng lá lại luôn. Chị làm vậy để đuổi côn trùng và để các động vật cỡ lớn thấy chị kì lạ, không thèm “ăn” chị. Đừng đùa với chị à nha!

Khả năng tự vệ tại chỗ của cây

Có chỗ nào trên người xui rủi bị sâu bệnh tấn công, cây ngay lập tức tiết ra chất để tự vệ hoặc làm chết các tế bào mà cây đã bị tấn công bằng biện pháp vật lý và hóa học. Ví dụ như các chất nhựa mủ trong cây chảy ra để có thể tự làm liền vết thương bị tấn công mà không cần bôi thuốc.

Hoặc trường hợp tệ nhất là phải làm chết tế bào ở chỗ bị tấn công. Cây cũng không nỡ đâu, nhưng cây phải làm vậy để sâu bệnh không lây lan đến các bộ phận khác được, đồng thời cũng làm cho tụi sâu bệnh “chết đói”.

Dễ thấy nhất là những cành cây khô rơi rụng, đó chính là những nơi tế bào bị tấn công, cây làm chết những vị trí đó khiến cành cây hết sức sống và mau rụng đi.

Cây không có răng hay móng để “đáp trả” kẻ thù, nhưng cây có “vũ khí xịn xò” khác và có cả hóa chất đặc biệt nữa.

Ngoài ra, cây rất đoàn kết. Khi một bộ phận của cây bị “ăn hiếp”, bộ phận đó sẽ dùng hormon và tín hiệu điện để “cấp báo” các bộ phận khác, sau đó các bộ phận khác “ứng cứu” ngay và luôn.

Chưa hết đâu, cây còn có “siêu năng lực” đặc biệt là tiết ra các hợp chất để kêu gọi các bạn cây “hàng xóm” phòng vệ sớm hơn nữa. Đặc biệt, trong các loại cây có cây bông biết “phản đòn” bằng cách kêu gọi “đồng minh”. Mỗi lần sâu bướm tấn công cô ấy, các chú ong ký sinh sẽ đẻ trứng vào sâu bướm để “giải cứu” cây bông. Thật vi diệu!

Công tắc Khoa học sẽ giúp bạn tiếp cận kiến thức khoa học khó nhằn với góc nhìn gần gũi, sinh động và hài hước, khiến mọi thứ trở nên dễ hiểu bất ngờ.

Dự án Công tắc Khoa học được thực hiện bởi Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford - OUCRU; Công ty Bayer Việt Nam và Ấn phẩm Khăn Quàng Đỏ của báo Tuổi Trẻ.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: