Ở đây có chiêu trị da dầu, tay thô ráp...

Thứ năm, 16/01/2025 16:27 (GMT+7)

Da dầu nhờn rít, tay chân thô ráp, mắt gỉ ghèn thường xuyên… khiến tụi mình khó chịu, dẫn đến mất tự tin, ảnh hưởng đến giao tiếp, sinh hoạt. Làm thế nào để cải thiện?

Ở đây có chiêu trị da dầu, tay thô ráp...- Ảnh 1.

Minh họa do AI thực hiện

* Hỏi: Nốt ruồi của mình nằm ngay giữa má, lại to nữa, trông rất mất thẩm mỹ và thiếu tự tin. Mình có nên phá không?

Khả Tú (quận 3, TP.HCM)

Đáp: Phá nốt ruồi dễ như trở bàn tay, chỉ là có khá nhiều điều phải cân nhắc đằng sau việc này, trong đó có nguy cơ nốt ruồi chuyển từ u lành sang u ác. Thật ra nốt ruồi kích động, dẫn đến “giở chứng” là thấp nếu chúng ta chắc chắn chúng lành tính. Do đó bạn nên đến các cơ sở y tế có đủ điều kiện nhằm giảm thiểu rủi ro ở mức thấp nhất, trong đó có việc kiểm nghiệm nốt ruồi đó là lành hay ác.

Tuyệt đối không tự phá nốt ruồi tại nhà. Ngoài ra, bạn cũng nên cân nhắc những yếu tố khác như: độ trưởng thành da, sẹo xấu... khi quyết định.

* Hỏi: Gần đây lưỡi mình trắng bệch, trông bẩn bẩn thế nào. Nghe bảo đây là dấu hiệu của cơ thể nhiễm độc?

Ngọc Thủy (Tân Bình, TP.HCM)

Đáp: Lưỡi trắng bẩn đa phần do lưỡi bị... bẩn (mảnh thức ăn, tế bào chết, vi khuẩn kẹt trong các gai lưỡi trên mặt lưỡi).

Lưỡi bẩn còn do vệ sinh răng miệng kém hoặc sai cách (lười chải lưỡi), ăn uống (đồ ngọt, cay nóng, đồ uống có gas, cà phê, thuốc lá), ít nước, khô miệng, tưa lưỡi, thiếu chất (thiếu vitamin B, kẽm), căng thẳng và tác dụng phụ của thuốc (kháng sinh, kháng viêm).

Cách giúp lưỡi sạch sẽ đã lồng sẵn trong nguyên do, cứ làm ngược lại. Lưỡi bẩn thường không phải là tín hiệu nhiễm độc, “tội tình” hầu hết do lưỡi “ở dơ”, ngoại trừ đó có thể là dấu hiệu của một nhiễm trùng toàn thân hay viêm dạ dày ở xa.

Cẩn thận nếu tình hình xấu dần, kèm đau rát, cạo lưỡi khó khăn, xuất hiện vết loét, sưng đau, hơi thở nặng mùi thì nên đến gặp bác sĩ.

* Hỏi: Tay mình thô ráp chứ không mềm mại như các bạn nữ khác, tự ti kinh khủng. Có cách nào cải thiện không ạ?

Minh Thùy (Bình Dương)

Đáp: Đôi tay thô ráp là tác phẩm của khô da (hàng đầu), dày sừng nang lông, dị ứng hoặc kích ứng (thi thoảng là chút “quạu quọ” của xáo trộn nội tiết hay bữa ăn).

Theo đó, để tìm lại sự mềm mại cho cánh tay, bí quyết đơn giản là làm mềm da (dưỡng ẩm, tẩy tế bào da chết, tránh xà phòng và nước tắm mạnh), uống đủ nước (2-3 lít/ngày), bổ sung vitamin A (cà rốt, bí đỏ, rau xanh), vitamin E (dầu thực vật, óc chó, hạnh nhân), omega-3 (cá hồi, cá thu, hạt chia), tránh kích ứng (hóa chất, quần áo vải cotton) và kiểm soát thời tiết (thêm độ ẩm trong thời tiết lạnh khô).

* Hỏi: Da mình dầu, nhờn rít khá khó chịu. Có cách nào xử lý lớp dầu này không?

Bảo Thiên (TP.HCM)

- Đáp: Da nhờn phần lớn là “định mệnh” của tuổi dậy thì bởi nó là sản phẩm của hormone androgen. Ngoài ra, còn do di truyền, chế độ ăn, thời tiết, chăm sóc da (skincare) sai cách. Không có cách nào trị khỏi da nhờn mà thay vào đó là kiểm soát cho tốt, bằng cách:

+ Rửa mặt: 2 lần/ngày là đủ, đừng quá tham. Ngoài rửa cần kết hợp sữa rửa mặt nhẹ, dùng dưỡng ẩm (da dầu vẫn có thể bị thiếu ẩm), tẩy tế bào da chết (1-2 lần/tuần), toner da (niacinamide, witch hazel).

Bạn cũng có thể “chữa cháy” với giấy thấm dầu, kiêng dầu mỡ, đồ ngọt, thức ăn nhanh, bổ sung kẽm (hạt bí, đậu xanh), omega-3 (cá hồi, hạt lanh), vitamin A, E, chống stress, thể dục đều...

Nhắc lại, đừng cố “tiêu diệt” da nhờn, vừa vô ích vừa rước thêm tác dụng phụ.

* Hỏi: Cơ địa mình dễ bị sẹo lâu lành. Chỉ một vết xước hay ghẻ thì sẹo rất lâu mới hết. Có cách nào cho nó nhanh khỏi hơn không?

Khánh Tường (Tiền Giang)

Đáp: Vết thương lâu lành thì sẹo cũng vì thế mà dằng dai, nhất là sẹo lồi, sẹo phì đại. Ngoài ra sẹo chậm lành còn do gen, dinh dưỡng, nội tiết, tuần hóa kém. Để rút ngắn lành sẹo đồng nghĩa với rút ngắn quá trình lành vết thương.

* Chăm sóc vết thương đúng cách (nước sạch, sát khuẩn nhẹ ngay sau khi bị thương, tránh cồn, oxy già), khô thoáng (băng gạc sạch vừa đủ, thay băng thường xuyên), không bóp nặn (nhất là bằng tay bẩn), tránh nắng vết thương (băng che, kem chống nắng).

* Trợ tá giúp nhanh lành sẹo: Protein, kẽm, vitamin C. Một số kem thoa chuyên dụng có thể thúc sẹo lành khẩn trương hơn, nhưng thường chỉ dùng cho ca nặng.

Ở đây có chiêu trị da dầu, tay thô ráp...- Ảnh 2.

Minh họa do AI thực hiện

* Hỏi: Mắt mình dạo gần đây thường có ghèn che khá khó chịu, phải lấy ra. Mình không bị mắt đỏ hay gì cả!

Quang Minh (TP.HCM)

Đáp: Mắt đỏ thường sinh ghèn ồ ạt, nhưng nhiễm trùng nhẹ, dị ứng, khô mắt, tắc tuyến lệ cũng có thể sinh ghèn.

Trị gỉ ghèn trước tiên bằng cách làm sạch ghèn cẩn thận (nhẹ tay, khăn sạch, mềm, thấm nước ấm, không dùng tay trần), kiêng dụi mắt, rửa tay (nhất là sau khi chạm vào mắt), nước mắt nhân tạo (dễ chịu, giúp trôi ghèn), không dán mắt vào màn hình, chữa dị ứng nếu có.

Gỉ ghèn là hộ vệ của mắt, nếu chỉ vừa phải thì không lo, trừ khi đám ghèn bắt đầu làm dữ, đổi màu, kèm mắt sưng đau, ngứa, nhìn mờ thì phải đến gặp bác sĩ ngay.


Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: