Rèn luyện kỹ năng lắng nghe tích cực như thế nào cho hiệu quả?

Chủ nhật, 22/09/2024 11:52 (GMT+7)

Đã bao giờ bạn tự hỏi: “Tại sao mỗi người chỉ có một cái miệng mà có tận hai cái tai?” Có phải vì chúng ta cần lắng nghe nhiều hơn nói không?

Rèn luyện kỹ năng lắng nghe tích cực như thế nào cho hiệu  quả?- Ảnh 1.

Ngồi quay mặt về hướng người nói chuyện nhé! - Tranh minh họa được thực hiện bằng AI

Quả thật, khi nói, bạn chỉ nói ra những gì bạn đã biết, còn khi bạn chú ý lắng nghe, bạn có thể học được rất nhiều điều. Trong một cuộc nói chuyện, nếu như bạn chỉ nói mà không biết lắng nghe, người đối diện sẽ không muốn nói chuyện với bạn lần tiếp theo.

Lắng nghe tích cực không chỉ giúp bạn hiểu rõ được nội dung người nói muốn truyền tải mà còn giúp bạn hiểu được cảm xúc ẩn sau từng lời nói, cử chỉ, thái độ của người nói.

Để lắng nghe tích cực, bạn không chỉ cần mỗi cơ quan thính giác (tai) mà còn cần lắng nghe bằng cả ánh mắt, trái tim với thái độ chân thành, cởi mở.

8 đều nên làm khi lắng nghe:

1. Ngồi đối diện người nói.

2. Mắt nhìn về phía người nói.

3. Chăm chú lắng nghe, không nói chuyện riêng hay làm việc riêng khi người khác đang nói.

4. Thể hiện sự động viên, khích lệ người nói bằng ánh mắt, nét mặt, cử chỉ, điệu bộ, động tác phù hợp. Bạn có thể gật đầu, nói “à, ừ, dạ, vâng…”, mỉm cười, vỗ tay, giơ ngón tay tỏ ý yêu thích (like) hoặc thả tim...

5. Ghi nhớ và tóm tắt thông tin chính đã nghe được.

6. Đặt câu hỏi cho người nói một cách phù hợp, đặc biệt là khi chưa hiểu rõ điều họ vừa trình bày.

7. Đưa ra những nhận xét, góp ý tích cực, mang tính xây dựng.

8. Kiềm chế cảm xúc, hành động tiêu cực, bất lịch sự trong quá trình nghe như: không tỏ ý sốt ruột, ngáp vặt, liên tục nhìn đồng hồ, ngắt lời người nói mà không xin lỗi trước.

Rèn luyện kỹ năng lắng nghe tích cực như thế nào cho hiệu  quả?- Ảnh 5.

Động viên, khích lệ người nói bằng ánh mắt, nét mặt… - Tranh minh họa được thực hiện bằng AI

8 điều không nên làm khi lắng nghe:

1. Nói leo, chen ngang, ngắt lời người nói.

Rèn luyện kỹ năng lắng nghe tích cực như thế nào cho hiệu  quả?- Ảnh 6.

Bạn bè mới phát biểu, bạn đã tỏ thái độ gay gắt -không nên nha! - Tranh minh họa được thực hiện bằng AI

2. Phản ứng gay gắt, thể hiện rõ sự phản đối quan điểm của người nói.

3. Đưa những lời phán xét, khuyên bảo một cách vội vã khi mình chưa hiểu rõ vấn đề.

4. Đưa ra kết luận thay cho người nói.

5. Giả vờ hiểu khi mình thực sự không hiểu.

6. Gây ồn ào quá mức, nói chuyện riêng, sử dụng điện thoại khi người nói đang trình bày.

7. Có những cử chỉ “kém duyên” như: ngồi rung đùi, gác chân lên ghế, đứng chống nạnh, quay ngang quay ngửa, dùng tay chỉ trỏ, thì thầm với người bên cạnh…

8. Biểu cảm thái quá như: trố mắt, nhăn mũi, giật mình, co rúm người lại, lè lưỡi, bĩu môi, lắc đầu quầy quậy, thở dài sườn sượt…

“Người ta chỉ mất 3 năm để học nói, nhưng cần cả một đời để học cách lắng nghe”. Bởi vậy, bạn hãy chú ý rèn luyện cho mình kỹ năng lắng nghe tích cực nhé!

Ths. NGUYỄN HẢI ANH - Chuyên gia về bảo vệ trẻ em, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD)

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: