Thanh thiếu niên cũng có thể mắc hội chứng rối loạn tăng động giảm chú ý

Thứ ba, 29/10/2024 19:00 (GMT+7)

Không chỉ trẻ em, thanh thiếu niên và người trưởng thành cũng có thể mắc phải hội chứng ADHD - rối loạn tăng động giảm chú ý.

Thanh thiếu niên cũng có thể mắc hội chứng rối loạn tăng động giảm chú ý- Ảnh 1.

Hội chứng rối loạn tăng động giảm chú ý khiến teen dễ mất tập trung - Ảnh minh họa tạo bởi AI

Nếu bạn hoặc một người bạn nào đó luôn bị nhắc nhở vì không tập trung, nói quá nhiều hoặc lúc nào cũng cảm thấy muốn vận động. Đây không đơn thuần chỉ là đặc điểm tính cách. Tình trạng này có tên gọi là rối loạn tăng động giảm chú ý hay ADHD (Attention Deficit Hyperactivity Disorder).

Đây là một rối loạn phổ biến ở thanh thiếu niên gây nên những hành vi khó kiểm soát.

Tất tần tật về ADHD - hội chứng rối loạn tăng động giảm chú ý

1. ADHD là gì?

ADHD - rối loạn tăng động giảm chú ý - là một rối loạn sức khỏe tâm thần, biểu hiện ở 3 đặc điểm chính: khó chú ý, tăng động và bốc đồng.

Một học sinh mắc ADHD có thể gặp khó khăn trong việc hoàn thành bài tập, tập trung nghe giảng hoặc ngồi yên một chỗ. 

ADHD có thể xuất hiện từ thời thơ ấu và kéo dài đến tuổi trưởng thành nếu không được phát hiện và hỗ trợ đúng cách.

2. Dấu hiệu nhận biết ADHD

"Các triệu chứng của ADHD ở người lớn bao gồm sự mất tập trung như hay quên, khó duy trì sự chú ý và thường xuyên làm mất đồ. 

Mặc dù người lớn cũng có thể biểu hiện các triệu chứng của tính hiếu động như cựa quậy hoặc nói quá nhiều, nhưng các triệu chứng này thường giảm dần khi trưởng thành và thường được thay thế bằng cảm giác bồn chồn bên trong" -  nhà tâm lý học Justin Barterian (tiến sĩ, trợ lý giáo sư lâm sàng về tâm thần học và sức khỏe hành vi tại Trung tâm Y tế Wexner tại Đại học bang Ohio) cho biết.

Như vậy, không phải lúc nào chúng ta cũng dễ dàng nhận ra ADHD vì triệu chứng có thể thay đổi tùy theo độ tuổi và môi trường. 

Tuy nhiên, dưới đây là một số dấu hiệu phổ biến mà teen có thể gặp phải ở trường lớp:

- Khó tập trung: hay bỏ lỡ thông tin, dễ bị phân tâm và khó hoàn thành các nhiệm vụ đòi hỏi sự chú ý lâu dài.

- Hành vi tăng động: luôn cảm thấy cần vận động, nói nhiều, hoặc không thể ngồi yên lâu.

- Bốc đồng: hành động mà không suy nghĩ kỹ, ví dụ như trả lời ngay khi chưa hết câu hỏi hoặc chen ngang cuộc trò chuyện.

Nếu teen nhận thấy bản thân mình hoặc bạn bè có các dấu hiệu trên, có thể cân nhắc nói chuyện với người thân hoặc giáo viên tìm kiếm sự giúp đỡ. 

Việc phát hiện sớm ADHD sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về bản thân, tìm cách phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu và có hướng điều trị phù hợp.

"Lo âu, trầm cảm và ADHD có thể trông rất giống nhau. Việc điều trị sai có thể khiến tình trạng trở nên tồi tệ hơn", tiến sĩ Barterian nói.

Theo ông Barterian, ADHD ở người trưởng thành đã xuất hiện từ thời thơ ấu. Cụ thể, để chẩn đoán ADHD ở người lớn, các triệu chứng phải bắt đầu trước năm 12 tuổi.

Điều này giúp phân biệt rối loạn tăng động giảm chú ý với các vấn đề do căng thẳng trong cuộc sống.

3. ADHD ảnh hưởng đến teen như thế nào?

Với nhiều bạn trẻ, ADHD có thể gây khó khăn trong học tập và các mối quan hệ xã hội. 

- Tác động đến học tập: ADHD có thể khiến bạn gặp khó khăn khi cần tập trung lâu trong lớp học, dễ dẫn đến việc bị bỏ lỡ nội dung quan trọng hoặc không hoàn thành bài tập.

- Tác động đến cảm xúc: thanh thiếu niên mắc ADHD dễ bị căng thẳng, lo âu bởi cảm giác khác biệt, hoặc thất vọng khi không thể hoàn thành công việc như các bạn khác. Đôi khi, họ còn bị người khác đánh giá sai về mình, bị giáo viên phê bình vì không biết rằng các hành vi này là do ADHD gây ra.

- Mối quan hệ xã hội: bạn có thể gặp khó khăn trong việc giữ mối quan hệ bạn bè vì hội chứng ADHD khiến bạn khó kiểm soát hành vi. Ví dụ, teen có thể làm bạn bè khó chịu do thường xuyên chen ngang hoặc không nghe người khác nói hết, dẫn đến hiểu lầm không đáng có.

4. Làm gì để hỗ trợ người mắc chứng ADHD?

Nếu chính bạn hoặc bạn bè mắc rối loạn tăng động giảm chú ý, cân nhắc các gợi ý sau để mọi thứ trở nên dễ dàng hơn:

- Lên kế hoạch: lập danh sách việc cần làm hoặc ghi chú để tập trung vào các nhiệm vụ chính.

- Giảm xao nhãng: chủ động chọn không gian học tập yên tĩnh, tránh các yếu tố gây mất tập trung như âm thanh lớn hoặc các thiết bị điện tử.

- Chia nhỏ công việc: đừng cố gắng làm quá nhiều việc một lúc. Chia nhỏ công việc sẽ giúp bạn kiểm soát tốt hơn và không cảm thấy bị quá tải.

- Luyện tập thư giãn: các bài tập thở, thiền hoặc yoga có thể giúp giảm căng thẳng và tăng khả năng tập trung.

Hiểu đúng về rối loạn tăng động giảm chú ý

+ ADHD không phải là "thiếu tự giác" hay "quậy phá"

Thanh thiếu niên mắc ADHD có thể gặp khó khăn trong việc điều chỉnh hành vi theo cách mà các bạn khác làm dễ dàng. Chính vì thế, người mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý cần sự kiên nhẫn, thông cảm và hỗ trợ từ những người xung quanh.

+ ADHD cũng có điểm mạnh riêng

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người mắc ADHD thường rất sáng tạo và linh hoạt. Họ thường có óc quan sát nhanh nhạy và tư duy nhạy bén.

Điều này có thể là lợi thế trong các lĩnh vực yêu cầu sự sáng tạo cao hoặc khả năng giải quyết vấn đề nhanh chóng.


Nguồn: www.everydayhealth.com.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: