Trường học chúng mình, trường học hạnh phúc - Bài 3: Xây dựng trường học hạnh phúc, tay đâu, tay đâu!

Thứ bảy, 09/12/2023 06:15 (GMT+7)

Để có trường học hạnh phúc, rất cần những cánh tay cùng chung sức xây dựng. Bạn đã góp cánh tay của mình chưa?

Mời bạn đọc tiếp tục theo bài 3 loạt bài Trường học chúng mình - trường học hạnh phúc do ấn phẩm Khăn Quàng Đỏ thực hiện.

Bài 3: Xây dựng trường học hạnh phúc, tay đâu, tay đâu!

Theo bạn Lê Hoàng Anh (lớp 9/1 Trường THCS Phan Tây Hồ, quận Gò Vấp), mỗi học sinh chính là một mảnh ghép để xây dựng nên môi trường học đường lành mạnh và hạnh phúc.

Khi học sinh là người truyền cảm hứng

Vì thế, Hoàng Anh và các thành viên trong liên Đội đang cố gắng từng ngày, cống hiến hết mình cho các phong trào của trường và đưa hoạt động Đội đến gần hơn với các bạn học sinh.

Trường học chúng mình, trường học hạnh phúc - Bài 3: Xây dựng trường học hạnh phúc, tay đâu, tay đâu!- Ảnh 1.

Học sinh chính là một mảnh ghép để xây dựngtrường học hạnh phúc - Ảnh: NGUYỄN HƯNG

Cụ thể, các bạn ấy đã giúp “tía” - nickname thân thương học trò Phan Tây Hồ gọi thầy tổng phụ trách của mình - thực hiện nhiều hoạt động thú vị cho “thần dân” của trường như hội thao, vẽ nón lá, làm thiệp…

Bù đắp lại cho sự vất vả của các bạn, “tía” thường “chiêu đãi” những buổi liên hoan hoành tráng. Đó cũng là lúc các “thần dân” có cơ hội chuyện trò, tỉ tê tâm sự để hiểu nhau hơn.

Hoàng Anh chia sẻ, trong quá trình phát triển và xây dựng các CLB đội nhóm, các thành viên gặp không ít khó khăn. Có thời điểm lịch học dày đặc, không có thời gian tập luyện, CLB Trống kèn trở nên xuống dốc, các bạn dần nản chí, nhiều lúc muốn buông xuôi.

“Mỗi lần như thế, nhìn thấy hình ảnh “tía” cặm cụi lau chùi, sửa sang từng cái trống, sắp xếp lại từng chiếc kèn, bọn mình như được tiếp thêm động lực, quyết tâm duy trì và phát triển CLB mỗi ngày”, bạn nói.

Cô bạn liên Đội trưởng lúc ấy bèn nghĩ ra cách pha trò, khích lệ các thành viên để tạo không khí vui tươi cho các bạn. Không chỉ thế, bạn luôn sẵn sàng đứng ra giảng hòa, giải quyết mâu thuẫn nếu có bất hòa trong CLB. Nhờ vậy, giờ sinh hoạt đều là những giờ hạnh phúc. Thầy cô lúc ấy cũng đỡ bận tâm hơn vì đàn con nhỏ nay đã trưởng thành.

Trường học chúng mình, trường học hạnh phúc - Bài 3: Xây dựng trường học hạnh phúc, tay đâu, tay đâu!- Ảnh 2.

Tiết Tin học vui vẻ của học trò Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Nhà Bè)- Ảnh: NGUYỄN HƯNG

Bạn Nguyễn Thanh Trúc (lớp 8A7 Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, huyện Nhà Bè) chia sẻ, ở trường bạn, học sinh cùng chung tay giúp thầy cô xây dựng trường học hạnh phúc.

Trúc cho biết, trong một tiết tin học dạy về lập bảng chi tiêu cá nhân bằng phần mềm MS Excel, cô Nguyễn Thanh Ngọc đắn đo mãi vì đây là tiết học có thể ứng dụng luôn vào cuộc sống hàng ngày của học sinh. Trong khi đó, nhiều bạn cảm thấy khó hiểu về khái niệm “nguồn thu” do thường được phụ huynh cho tiền tiêu xài.

Đến khi thực hiện phần thiết kế bài giảng về Ứng dụng Sổ quản lý thu chi cá nhân trên nền tảng MS Excel, cô Ngọc đã “mời” học sinh đóng góp ý kiến như những thành viên admin.

“Tụi mình muốn cùng cô làm tiết học thật hay, lôi cuốn học sinh nên các admin đã góp thật nhiều ý kiến về công cụ tính toán, hàm cộng trừ, ô biểu kết quả… và sau cùng hoàn thiện phần bài học trên chương trình PowerPoint. Cuối cùng, tiết học được các bạn bấm like rần rần”, Trúc cười toe.

Thầy cô cùng góp một tay

Để trường học hạnh phúc, vai trò của thầy cô rất quan trọng, thầy cô truyền cảm hứng sẽ giúp các bạn có thêm nhiều động lực để học tập.

Ở Trường THCS Bàn Cờ (quận 3), các bạn được cô Trương Thụy Thanh Tuyết (giáo viên môn ngữ văn) giao cho đề bài vừa thích thú vừa khó nhằn. Đó là tự làm… giáo viên ngay tại thư viện. Trong khi đó, thầy cô lại trở thành học sinh nghiêm túc ngồi dưới lớp, theo dõi bài giảng.

Tiết học ngoài lớp này khiến “thầy cô” tuổi ô mai tự soạn giáo án tối hôm trước rồi lên lớp cùng giảng bài với các “thầy cô” khác. Hoàng Hải Anh (lớp 9/3) chia sẻ, tập làm thầy cô sao mà khó quá! Các bạn phải tự tìm tòi tài liệu tham khảo, trao đổi thông tin với thầy cô để có đề cương, giáo án đúng chuẩn...

Khi tự chủ động giảng dạy, các bạn có dịp thể hiện sự hiểu biết, mạnh dạn trao đổi và thảo luận các vấn đề trong bài học. Hơn thế nữa, các bạn có dịp trải nghiệm cảm xúc được làm giáo viên chuyên nghiệp.

“Phép thử” này giúp các bạn hiểu thêm những khó khăn của thầy cô khi lên lớp và nhận thức tốt hơn việc học của chính mình.

Trường học chúng mình, trường học hạnh phúc - Bài 3: Xây dựng trường học hạnh phúc, tay đâu, tay đâu!- Ảnh 3.

Học sinh trường THCS Bàn Cờ (quận 3) hóa thành thầy cô giáo đứng lớp Ảnh: NGUYỄN HƯNG

Thông qua tiết học, các bạn hiểu hơn về nghề giáo cũng như phần nào biết được cảm xúc của thầy cô khi đứng lớp, truyền thụ kiến thức cho tụi mình.

Không chỉ vậy, các bạn sẽ biết cách tự tin nói trước đám đông, trình bày vấn đề sao cho lưu loát và nhất là giải đáp thắc mắc của các bạn trong lớp một cách đúng đắn.

Từ đó, truyền cảm hứng cho bè bạn yêu thích học tập hơn, tích cực xây dựng tiết học tốt hơn. Tiết học của cô Tuyết thú vị ghê!

Trường học chúng mình, trường học hạnh phúc - Bài 3: Xây dựng trường học hạnh phúc, tay đâu, tay đâu!- Ảnh 4.

Học Văn qua dự án được học sinh Trường THCS Kiến Thiết (quận 3)bấm like rần rần Ảnh: NGUYỄN HƯNG

Còn tiết học của thầy Nguyễn Hồng Giang (giáo viên môn ngữ văn Trường THCS Kiến Thiết, quận 3) khiến học trò bất ngờ khi liên tục sáng tạo tiết học bằng những dự án thú vị như Trò chuyện cùng sách, Làm phim hoạt hình với tác phẩm văn học, Yêu tiếng Việt - Tổng kết từ vựng qua một số trò chơi dân gian…

Bạn Như Ý (lớp 8/2) cho biết, nhờ những dự án học tập, Ý đã phát hiện nhiều sở trường, khả năng của bè bạn và cả chính bạn. Không chỉ thế, bạn còn thấy giờ Văn gần gũi, gắn bó nhiều đến đời sống thường ngày.

“Thầy còn làm bạn với học sinh, luôn ở bên khi tụi mình cần. Thầy rất quan tâm, hỏi han các bạn đã hiểu bài chưa, chuẩn bị bài kỹ để tiết học lúc nào cũng thu hút. Nhờ vậy, mình yêu thích môn Văn nhiều hơn”, Ý nói.

Ai cũng cần chung tay

Không chỉ riêng thầy cô mà ai cũng có trách nhiệm xây dựng trường học hạnh phúc bằng việc lan tỏa những câu chuyện đẹp, năng lượng tích cực… trong chính ngôi trường của mình: học sinh học tập chăm ngoan, phụ huynh nên hợp tác cùng nhà trường giải quyết vấn đề…

Một thầy giáo trường T tâm tình, thầy cảm thấy không được tôn trọng khi vào lớp. Có bạn cứ ngồi chơi, không tập trung nghe giảng, làm bài, dù thầy đã nhắc nhở.

Thầy tiếp tục nhắc nhở và quát nạt kiểu vui vui, bạn này kể cho phụ huynh. Phụ huynh gọi điện mắng vốn với giáo viên chủ nhiệm. Rút kinh nghiệm, vào lớp, thầy nói chuyện với bạn ấy nhỏ nhẹ nhưng bạn ấy vẫn không tập trung nghe giảng, không làm bài, viết chữ cẩu thả. Một số bạn cũng mắc phải lỗi sai đó nên thầy ghi lên bảng, sửa chung cho cả lớp.

Tưởng vậy đã êm chuyện song, phụ huynh lại tiếp tục phàn nàn: “Sao thầy không sửa bài riêng cho con tôi, ý thầy muốn gì?” làm thầy rất buồn lòng.

Trường học hạnh phúc là nơi mà thầy cô cũng phải hạnh phúc. Nếu thầy cô không vui thì làm sao có thể dạy tốt và lan tỏa năng lượng tích cực cho học trò của mình hạnh phúc được. Chính phụ huynh cũng cần phải hiểu biết, lịch sự trong việc phối hợp với thầy cô dạy dỗ con em mình. Phụ huynh cần chung tay xây dựng trường học hạnh phúc.

Mỗi chúng ta đều có thể xây dựng trường học hạnh phúc. Mời bạn đón đọc đón xem bài 4 của loạt bài Trường học chúng mình - trường học hạnh phúc.

-----------------

Bài 1: Mỗi ngày đến trường là một ngày vui

Bài 2: Trường đổi mới, học sinh phơi phới


Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM ban hành bộ tiêu chí Trường học hạnh phúc với 3 nhóm tiêu chuẩn về con người; dạy học và hoạt động giáo dục; môi trường.

    Trong đó, nhóm tiêu chuẩn về con người gồm 6 tiêu chí; nhóm tiêu chuẩn về dạy học và hoạt động giáo dục có 8 tiêu chí và nhóm tiêu chuẩn về môi trường có 4 tiêu chí.

    Xem thêm

    Đáp án: