Ba mẹ thất hứa, teen nên làm gì?

Thứ năm, 04/01/2024 14:00 (GMT+7)

Chuyện ba mẹ thất hứa với chúng mình nhiều lúc là bất khả kháng. Nếu rơi vào chuyện này, teen sẽ phản ứng như thế nào?

Ba mẹ thất hứa từ mấy chuyện nho nhỏ

Bạn Minh Thư (Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, quận 1) mong chờ một chuyến đi du lịch xa cùng cả nhà vì ba bạn đã hứa. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 ập đến, chuyến đi bị hoãn tận hai năm. Sau thời gian ấy, gia đình Thư lại gặp nhiều khó khăn, khiến ba mẹ thất hứa với Thư, chuyến đi vẫn không thể thực hiện được.

“Mình rất buồn vì đã chờ đợi chuyến đi ấy rất lâu. Lúc đầu mình cũng hờn trách và muốn đổ lỗi cho mọi người. Tuy nhiên, nhìn thấy ba luôn cố gắng từng chút một để mua cho mình mọi thứ mình cần, mình dần hiểu ba đã vất vả như thế nào.

Mình biết đây không phải là lúc để vòi vĩnh mà phải cảm thông cho gia đình mình. Khi lời hứa không thể thực hiện được, mình phải nhìn xem nguyên nhân trước đã” - Minh Thư chia sẻ.

Còn bạn T.V (lớp 10, Trường THPT Trưng Vương, quận 1) nhớ lại hè năm ngoái, mẹ bạn đi công tác Hà Nội. Vì rất mê vẻ đẹp Hà Nội nên cô bạn dặn mẹ mua cho mình một món quà lưu niệm ở đó.

Dù đã hứa nhưng mẹ quên bẵng khiến cô nàng rất buồn. “Mình biết rằng mẹ không để ý, nhưng mình đã mong chờ món quà đó biết bao nhiêu. Mình cảm thấy có chút tủi thân vì nghĩ rằng mẹ không yêu thương mình” - T.V kể.

Cuối cùng, cô nàng đã chọn nói ra cảm xúc đó với mẹ. Mẹ bạn khá bất ngờ nhưng đã dần hiểu rằng, đôi khi những chuyện nho nhỏ như vậy lại là điều rất quan trọng đối với con mình.

Nhiều bạn cho rằng chính bản thân mình cũng đã nhiều lần không giữ được lời hứa với thầy cô, bạn bè. Có những điều không thể thực hiện được, nhưng cũng có những việc vì bạn không xem là quan trọng nên quên đi.

Chính vì vậy teen cũng cần cảm thông cho những lời hứa chưa thành của phụ huynh, bởi có rất nhiều thứ ba mẹ phải lo toan trong cuộc sống.

Để tránh tình trạng ba mẹ thất hứa, cần lắm sự chia sẻ, cảm thông

Học cách chia sẻ với người lớn là điều cô bạn Minh Thư (lớp 11CV, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, quận 1) nhận ra mình cần thay đổi. “Gia đình mình cố gắng trò chuyện nhiều hơn để hiểu nhu cầu của nhau.

Bản thân mình cố gắng học thật tốt, đi đúng nơi, về đúng giờ để ba mẹ yên tâm trước. Từ đó lời nói, mong muốn của mình cũng sẽ được gia đình xem trọng hơn” - Minh Thư bộc bạch.

Bạn Dương Trần Tuệ Nhi (lớp 10A24, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, quận 6) cũng tỏ ra đầy cảm thông: “Mình nghĩ không phải ba mẹ nào cũng muốn thất hứa với con của mình. Vì vậy, khi bàn về vấn đề đó, chúng ta nên rõ ràng cụ thể.

Chẳng hạn như bạn được điểm cao và ba mẹ hứa sẽ dẫn bạn đi ăn. Bạn hãy xem thời gian rảnh của cả nhà và chốt ngày hẹn rõ ràng. Nếu đến ngày đó ba mẹ quên, bạn có thể nhắc nhỏ nhẹ. Bạn cũng có thể viết lên lịch ngày đi ăn để ba mẹ nhớ.

Ba mẹ thất hứa là chuyện không mong muốn, nhưng cách bạn đối diện với vấn đề sẽ khiến gia đình mình gắn kết hơn”.

Biết mẹ rất bận nên đôi khi quên mất những gì đã nói với mình, bạn Thảo Vy (lớp 11CV, Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, Thành phố Thủ Đức) thay vì buồn bực lại tỏ ra quan tâm, giúp đỡ mẹ nhiều hơn.

Cô bạn tranh thủ làm việc nhà, khoe điểm cao ở trường... để ba mẹ cảm thấy đỡ căng thẳng. Thảo Vy cũng góp ý với mẹ theo kiểu trò chuyện, tâm sự để mẹ hiểu rằng với bản thân con cái thì lời hứa của mẹ quan trọng như thế nào. Cô bạn cho rằng mình không nên có thái độ “đòi cho bằng được”, vì điều đó rất trẻ con.


Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: