'Đu trend' bị cảnh sát giao thông phạt, coi chừng phạm luật!

Chủ nhật, 06/07/2025 07:25 (GMT+7)

Trào lưu dùng AI để tạo những tấm ảnh, clip bị cảnh sát giao thông thổi phạt chiếm sóng mạng xã hội những ngày gần đây. Bạn nên cẩn trọng khi bắt trend này!

'Đu trend' bị cảnh sát giao thông phạt, coi chừng phạm luật!- Ảnh 1.

Trào lưu đang chiếm sóng mạng xã hội 2 ngày qua - ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

'Đu trend' trên mạng xã hội: khi bị phạt trở thành một niềm vui

2 ngày gần đây, khi lướt mạng xã hội, không khó để bạn bắt gặp loạt bài đăng "khoe" cảnh mình bị cảnh sát giao thông thổi phạt. 

Trên TikTok, trend này đang lọt top thịnh hành. Chỉ cần gõ tìm từ khóa "trend bị công an bắt xe", hàng trăm clip sẽ hiện ra.

Nhân vật chính đứng dựa vào đầu ô tô. Kế bên họ, một hoặc hai đồng chí cảnh sát giao thông đang ghi biên bản xử phạt lỗi vi phạm giao thông đường bộ.

Mỗi bài đăng thu hút hàng trăm đến hàng ngàn lượt tương tác. Đa số khen ngợi nhân vật chính "thần thái", "ngầu", "chịu chơi"... Kèm theo là loạt bình luận mang tính chất bông đùa: "Phạt nhiều vào, em không có tiền lẻ!", "Tiền phạt của em hết bao nhiêu?", "Xong chưa, đưa em ký?"...

Có lẽ nhiều người sẽ cảm thấy khó hiểu: bị phạt có gì vui hoặc bị thổi phạt mà vẫn được chụp hình sống ảo?

Thực chất, những tấm ảnh này được AI tạo ra. Chỉ cần bạn nhập hình ảnh và câu lệnh theo mẫu, AI (như ChatGPT hay Gemini) sẽ trả về cho bạn tấm ảnh trông rất sống động. Từ ảnh, bạn có thể dựng thành clip.

Trên các hội nhóm thảo luận về AI và ngay bên dưới những bài đăng khoe ảnh phạt, cộng đồng mạng còn truyền tai nhau "bí kíp" tạo ra tấm ảnh ưng ý nhất.

Từ bị phạt giả có thể thành phạt thật

Nếu đang có ý định "đu" trend, bạn nên cân nhắc, vì có thể bạn sẽ bị phạt ngoài đời thật.

Tuyệt đối không sử dụng AI để tạo ảnh, clip cắt ghép hình ảnh giả mạo công an, quân đội. Đây là hành vi vi phạm pháp luật.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ

Mực Tím đã trao đổi với luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (trưởng văn phòng luật sư Trí Việt) về câu chuyện này.

Theo luật sư Ngọc Nữ, việc đăng tải hình ảnh, clip cắt ghép hoặc giả mạo lực lượng công an, quân đội có thể bị xử phạt hình sự hoặc hành chính theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Nếu hành vi cắt ghép, giả danh đó nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, người thực hiện có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).

Nếu hành vi chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị xử phạt hành chính. Khoản 5 Điều 18 Nghị định 38/2021/NĐ-CP nêu rõ, người sửa chữa, cắt ghép ảnh chụp làm sai lệch nội dung nhằm xâm phạm danh dự và nhân phẩm cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 30-40 triệu đồng. 

Có thể những người tạo ra tấm ảnh, clip chỉ có mục đích duy nhất: "đu" trend, tạo tương tác. Hoặc đơn giản vì họ tò mò, muốn khám phá những tính năng độc đáo của AI.

Nhưng không loại trừ trường hợp những tấm ảnh, clip đó bị kẻ xấu lợi dụng, phục vụ mục đích lừa đảo, kích động chính trị, bôi nhọ hình ảnh lực lượng vũ trang.

Ngày 24-1, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, công an tỉnh Điện Biên đã ra quyết định xử phạt T.V.T. 7,5 triệu đồng về hành vi sử dụng AI, đăng tải video không có thật, xúc phạm lực lượng cảnh sát giao thông.

Trước đó, ngày 7-1, T. sử dụng 1 tài khoản YouTube để đăng tải một video dài hơn 3 phút có tiêu đề "Đang đi chơi thì bị cảnh sát giao thông đuổi".

Tại cơ quan công an, T. khai nhận do muốn thể hiện khả năng biết ứng dụng công nghệ AI và tạo không gian giải trí nên đã tạo clip trên.

Ngoài mức phạt 7,5 triệu đồng, cơ quan chức năng yêu cầu T. gỡ bỏ video có nội dung sai sự thật, xin lỗi công khai lực lượng chức năng trên chính kênh Youtube đã đăng tải clip.

Trong thời buổi AI phát triển như vũ bão, người dùng phải hết sức tỉnh táo để bảo vệ chính mình.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: