Giải Lê Quý Đôn: Ấn tượng về sự lan tỏa và vận dụng kiến thức giải quyết vấn đề thực tiễn

Chủ nhật, 11/05/2025 21:31 (GMT+7)

Thầy Nguyễn Bảo Quốc (phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM) nhận định Giải Lê Quý Đôn là sân chơi đầu tiên đưa việc vận dụng kiến thức vào giải quyết vấn đề thực tiễn, thể hiện sự năng động sáng tạo.

Giải Lê Quý Đôn: Ấn tượng về sự lan tỏa và vận dụng kiến thức giải quyết vấn đề thực tiễn- Ảnh 1.

Thầy Nguyễn Bảo Quốc (phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM) nhắn nhủ đến thí sinh tại vòng thi chung kết Giải Lê Quý Đôn vào sáng 11-5 - Ảnh: VŨ

Trong ngày thi chung kết Giải Lê Quý Đôn trên ấn phẩm Khăn Quàng Đỏ lần 26 – năm học 2024 – 2025, phóng viên Mực Tím đã có cuộc trò chuyện với thầy Nguyễn Bảo Quốc (phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM) về những nhận xét, đánh giá cũng như hướng phát triển sắp tới dành cho giải.

Thưa thầy, đây là năm thứ ba, ở vòng chung kết Giải Lê Quý Đôn trên ấn phẩm Khăn Quàng Đỏ, các bạn tham gia dự thi thực hiện một sản phẩm sáng tạo của riêng mình. Không chỉ 3 năm gần đây, trong suốt 26 năm trên ấn phẩm Khăn Quàng Đỏ và 30 năm trên ấn phẩm Nhi Đồng TP.HCM, những điều ấn tượng nhất về Giải Lê Quý Đôn chính là gì ạ?

Giải Lê Quý Đôn: Ấn tượng về sự lan tỏa và vận dụng kiến thức giải quyết vấn đề thực tiễn- Ảnh 2.

Thí sinh ghi chép các thông tin được ban tổ chức cung cấp để làm bài thi - Ảnh: VŨ

Giải Lê Quý Đôn để lại nhiều ấn tượng đặc biệt, mà nổi trội là 3 điều sau:

Thứ nhất, đây là sân chơi đầu tiên đưa việc vận dụng kiến thức vào giải quyết vấn đề thực tiễn, thể hiện sự năng động sáng tạo. Sự sáng tạo này không chỉ trong việc chỉ đạo chuyên môn mà còn là sự phối hợp giữa Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM và ấn phẩm Khăn Quàng Đỏ – Nhi Đồng TP.HCM trong việc tổ chức nhiều kỳ, thường xuyên, liên tục, đặc biệt tổ chức vòng chung kết sao cho các em thể hiện được mọi kỹ năng một cách tốt nhất.

Điều này được áp dụng từ trước đến nay nhiều năm liền và thực sự là một sự đổi mới, đột phá, sáng tạo trong chương trình giáo dục cũ. 

Cho đến bây giờ, với chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng định hướng rất rõ vấn đề này nên việc duy trì sự sáng tạo lâu dài trong thời gian qua chính là sự nỗ lực rất lớn của tập thể ban tổ chức: thầy cô Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM và các anh chị ở khối ấn phẩm Khăn Quàng Đỏ – Nhi Đồng TP.HCM.

Giải Lê Quý Đôn: Ấn tượng về sự lan tỏa và vận dụng kiến thức giải quyết vấn đề thực tiễn- Ảnh 3.

Vòng thi chung kết Giải Lê Quý Đôn sáng 11-5 với sự tham gia của 680 thí sinh - Ảnh: XUYÊN VÕ

Ấn tượng thứ hai chính là số lượng thí sinh tham gia. Càng ngày, các bạn nhỏ càng tham gia đông lên tới vài trăm ngàn bài cho một mùa giải. Không chỉ các bạn ở TP.HCM, giải còn mở rộng ra các tỉnh thành khác.

Ấn tượng thứ ba chính là sự lan tỏa của ấn phẩm Khăn Quàng Đỏ – Nhi Đồng TP.HCM đối với sân chơi này. Giải giúp học sinh có cơ hội bổ sung kiến thức, nâng cao năng lực tư duy cũng như tham gia được nhiều kỳ đánh giá mang tính chất năng động, sáng tạo (ví dụ như trong những năm gần đây, thông thường các em tham gia sẽ phải thực hiện một sản phẩm sáng tạo của riêng mình).

Giải Lê Quý Đôn: Ấn tượng về sự lan tỏa và vận dụng kiến thức giải quyết vấn đề thực tiễn- Ảnh 4.

Thí sinh làm bài thi sau khi xem các thước phim lịch sử - Ảnh: VƯƠNG

Sản phẩm này không chỉ thể hiện kiến thức, năng lực của các bạn; cũng không chỉ dừng lại ở việc các bạn phải giải quyết vấn đề thực tiễn mà qua sản phẩm đó, các bạn còn được bổ sung thêm nhiều điều ngoài chương trình giảng dạy. Ngoài ra, các bạn còn thể hiện được những năng lực riêng của mình như: vẽ, làm thơ, sáng tác…

Thầy vừa nhắc đến những sản phẩm sáng tạo mà các bạn tham gia Giải Lê Quý Đôn thực hiện tại vòng chung kết. Đây là một trong những hình thức thi đột phá mới mẻ mà các thầy cô, anh chị trong ban tổ chức đã phải suy nghĩ, tìm tòi để thực hiện cho các bạn. Cách ra đề sáng tạo này không chỉ được các bạn yêu thích mà hẳn cũng sẽ hữu ích cho các thầy cô, những người làm công tác giáo dục học sinh?

Giải Lê Quý Đôn: Ấn tượng về sự lan tỏa và vận dụng kiến thức giải quyết vấn đề thực tiễn- Ảnh 5.

Thí sinh hóa thân thành chiến sĩ nhí, hành quân tiến về Dinh Độc Lập để hoàn thành bài thi trong vòng thi chung kết - Ảnh: VŨ

Có thể nói, rất nhiều thầy cô quan tâm và đưa những nội dung liên quan đến các kỳ thi của Giải Lê Quý Đôn vào việc giảng dạy, chủ động thay đổi cách giảng dạy cũng như cách kiểm tra đánh giá. 

Tiếp theo đó, thầy cô cũng tiếp cận được nhiều cách ra đề, cách kiểm tra, đánh giá mới: các em phải trải nghiệm, sáng tạo để phát triển năng lực tư duy. Như vậy, theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, giải có tác động tốt đến việc hỗ trợ công tác chuyên môn cho các thầy cô giảng dạy trong trường.

Như vậy, những hình thức thi sáng tạo này có được đưa vào những kỳ kiểm tra đánh giá thường xuyên trong trường không, thưa thầy?

Giải Lê Quý Đôn: Ấn tượng về sự lan tỏa và vận dụng kiến thức giải quyết vấn đề thực tiễn- Ảnh 6.

Thí sinh tìm hiểu các bảng thông tin tại Dinh Độc Lập - Ảnh: TRỌNG ANH

Hiện giờ, chỉ đạo chung của Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM là kiểm tra thông qua các sản phẩm, thí nghiệm hoặc dự án với các sản phẩm cụ thể,… Trong ngành giáo dục tại TP.HCM, việc kiểm tra đánh giá này cũng đã được các thầy cô chuyên môn chỉ đạo quyết liệt song song với quá trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Ngoài ra, việc duy trì tiếp tục các kỳ thi phù hợp với định hướng về chỉ đạo chuyên môn, định hướng đổi mới về phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá, Sở sẽ tiếp tục rà soát để duy trì, thay đổi hình thức hay hơn, sáng tạo hơn trong thời gian sắp tới.

Nhiều giáo viên, phụ huynh và học sinh đánh giá Giải Lê Quý Đôn như một kỳ thi cấp thành phố. Vậy sắp tới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM có dự tính sẽ xét điểm cộng cho học sinh khi đoạt giải Thủ khoa Giải Lê Quý Đôn không, thưa thầy?

Giải Lê Quý Đôn là một sân chơi phát triển liên tục, được học sinh, phụ huynh, thầy cô ở TP.HCM và các tỉnh thành khác quan tâm. Vì vậy, việc phát triển giải cũng như đầu tư đổi mới sáng tạo hơn sẽ luôn nằm trong chiến lược phát triển sắp tới của Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM. Trên tinh thần đó, Sở sẽ cố gắng tiếp tục duy trì những hoạt động tốt nhất ngay cả sau khi có những vấn đề phát triển của thành phố.

Giải Lê Quý Đôn: Ấn tượng về sự lan tỏa và vận dụng kiến thức giải quyết vấn đề thực tiễn- Ảnh 7.
Giải Lê Quý Đôn: Ấn tượng về sự lan tỏa và vận dụng kiến thức giải quyết vấn đề thực tiễn- Ảnh 8.

Mỗi thí sinh được nhận phụ san báo Nhân Dân để tra cứu thông tin cho bài thi chung kết - Ảnh: VŨ

Sở cũng sẽ phối hợp cùng báo tìm những biện pháp phù hợp để có thể phát triển, giới thiệu giải đến học sinh các tỉnh thành khác. Riêng việc cộng điểm sẽ được căn cứ dựa trên những quy định chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo qua những thông tư cụ thể và tạo điều kiện một cách hết mức theo những quy định, thông tư chung đó.

Thầy vừa nói sẽ giới thiệu giải đến các học sinh tỉnh thành khác. Trong tình hình trước mắt: TP.HCM sẽ sáp nhập cùng Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Dương, Giải Lê Quý Đôn sẽ được triển khai rộng rãi hơn đúng không ạ?

Về định hướng, TP.HCM sẽ mở rộng không gian, mở ra nhiều sự quan tâm và đặt ra nhiều bài toán khó. Trong quá trình chuẩn bị cho việc sắp xếp này, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM chắc chắn sẽ phối hợp với các sở liên quan để bàn bạc, trao đổi và thống nhất những việc thực hiện các vấn đề liên quan đến chuyên môn để đảm bảo rằng các nơi, các địa phương dù mới hay cũ cũng được thống nhất toàn bộ trong việc thực hiện các hoạt động chuyên môn và các kỳ thi, hội thi từ trước đến nay .

Hiện nay, nhiều bạn tham gia Giải xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 9, gắn bó thân thiết với giải như một người bạn đồng hành để ôn tập những kiến thức trên lớp. Thấy con em tiến bộ với cách học tập, rèn luyện và phát triển tư duy, nhiều phụ huynh hết lòng ủng hộ, động viên. Các phụ huynh, các em đều mong muốn Giải Lê Quý Đôn phát triển lên tới cấp học THPT. Theo thầy, về góc độ chuyên môn, Giải Lê Quý Đôn liệu có phù hợp và đáp ứng nhu cầu của các bạn hay không?

Giải Lê Quý Đôn: Ấn tượng về sự lan tỏa và vận dụng kiến thức giải quyết vấn đề thực tiễn- Ảnh 9.

Các chiến sĩ nhí tươi rói sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại vòng thi chung kết Giải Lê Quý Đôn - Ảnh: VŨ

Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM ghi nhận đề xuất này vì trước những thành công của giải, đây là sự quan tâm cũng như một đề xuất rất phù hợp. 

Tuy nhiên, với chương trình giáo dục phổ thông 2018, THPT mang tính phân hóa cao về định hướng nghề nghiệp. Việc đưa giải đến với các bạn học sinh THPT là một bài toán rất lớn vì khi đã định hướng sâu về phân hóa hỗ trợ nghề nghiệp sau này thì những yêu cầu sẽ khác hơn so với các bậc học khác.

Xin cám ơn thầy!

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: