Giải Lê Quý Đôn khơi gợi tinh thần học tập, sáng tạo của học sinh

Chủ nhật, 11/08/2024 06:41 (GMT+7)

Đó là nhận định của thầy Đặng Hải Đăng và cô Lê Nguyễn Duy Phú - hai trong số nhiều thầy cô có thời gian dài gắn bó, đồng hành cùng Giải Lê Quý Đôn.

Giải Lê Quý Đôn khơi gợi tinh thần học tập, sáng tạo của học sinh- Ảnh 1.

Cô Lê Nguyễn Duy Phú (phó hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Đức Thọ) và thầy Đặng Hải Đăng (giáo viên tổng phụ trách Đội Trường tiểu học Lam Sơn) đã gắn bó với Giải Lê Quý Đôn trong nhiều năm - Ảnh: NVCC

Giải Lê Quý Đôn là sân chơi kiến thức bổ ích cho học sinh

Thầy Đặng Hải Đăng giữ vai trò tổng phụ trách Đội tính đến nay đã 26 năm (tại Trường THCS Đoàn Kết (quận 6) trước đây và Trường tiểu học Lam Sơn (quận 6) hiện nay). Đó cũng là tổng thời gian thầy gắn bó với Giải Lê Quý Đôn trên cả hai ấn phẩm Khăn Quàng Đỏ và Nhi Đồng TP.HCM.

Thầy Đăng chia sẻ, ngay từ những năm đầu tiếp xúc với giải, thầy đã nhận thấy Giải Lê Quý Đôn là một sân chơi kiến thức bổ ích.

"Tham gia giải, các em được phát huy năng lực tự học, làm việc nhóm, tư duy sáng tạo,…"- thầy cho biết.

Thầy nói thêm, Giải Lê Quý Đôn còn hỗ trợ giáo viên trong việc giảng dạy. Theo thầy Đăng, việc ban tổ chức đổi mới đề thi mỗi năm là gợi ý, giúp giáo viên phát triển các hoạt động giáo dục phong phú và thú vị hơn.

Giải Lê Quý Đôn khơi gợi tinh thần học tập, sáng tạo của học sinh- Ảnh 2.

Theo thầy Đăng, Giải Lê Quý Đôn tạo ra sự gắn kết giữa giáo viên chủ nhiệm với học sinh, cũng như giữa học sinh với nhau trong quá trình cùng tham gia Giải - Ảnh: thầy Đặng Hải Đăng cung cấp

Nói về ảnh hưởng của Giải Lê Quý Đôn với riêng bản thân, thầy Đăng cho biết kinh nghiệm 26 năm gắn bó với giải đã giúp thầy tích lũy được kỹ năng giảng dạy, quản lý và hướng dẫn học sinh.

"Tôi học hỏi được cách thức tổ chức, chuẩn bị và đánh giá cho các cuộc thi, từ đó cải tiến và nâng cao chất lượng công tác giáo dục, hoạt động phong trào của mình".

Gần 3 thập kỷ đồng hành cùng giải Lê Quý Đôn

Cô Lê Nguyễn Duy Phú - phó hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp, TP.HCM) - bắt đầu tiếp xúc, làm quen và gắn bó với Giải Lê Quý Đôn trên ấn phẩm Nhi Đồng TP.HCM từ năm 1995 đến tận bây giờ. Đây cũng là năm đầu tiên Giải ra đời.

Theo cô Phú, Giải Lê Quý Đôn thú vị ở chỗ khơi gợi được tinh thần say mê học tập, sự sáng tạo của học sinh.

Giải Lê Quý Đôn khơi gợi tinh thần học tập, sáng tạo của học sinh- Ảnh 3.

Cô Phú đã gắn bó với Giải Lê Quý Đôn trên ấn phẩm NHi Đồng TP.HCM gần tròn 3 thập kỷ - Ảnh: Cô Duy Phú cung cấp

Khi còn làm công tác chủ nhiệm, với đề thi trên mỗi kỳ báo, cô thường đọc to trước lớp hoặc chiếu đề lên màn hình để học sinh cùng suy nghĩ, nêu cách làm, rồi cô trò mới cùng nhau giải. Đó là những kỷ niệm khó quên với cô.

Năm nào cô Phú cũng vận động học sinh tham gia Giải Lê Quý Đôn. Năm học 2021 - 2022 - thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, học sinh phải học trực tuyến thời gian dài, nhưng các bạn nhỏ Trường tiểu học Lê Đức Thọ vẫn hăng hái dự thi và đoạt giải.

Cô Phú nhận định Giải Lê Quý Đôn hỗ trợ cho giáo viên rất nhiều trong việc dạy học. Các thầy cô có thể tham khảo ý tưởng đề thi thực tế, gắn với cuộc sống từ giải để ra đề kiểm tra cho học sinh.

Giải Lê Quý Đôn khơi gợi tinh thần học tập, sáng tạo của học sinh- Ảnh 4.
Giải Lê Quý Đôn khơi gợi tinh thần học tập, sáng tạo của học sinh- Ảnh 5.
Giải Lê Quý Đôn khơi gợi tinh thần học tập, sáng tạo của học sinh- Ảnh 6.

Học trò Trường tiểu học Lê Đức Thọ tham gia Giải Lê Quý Đôn năm học 2023 - 2024 - Ảnh: Cô Duy Phú cung cấp

Cô Phú khẳng định, những năm sắp tới, thầy trò Trường tiểu học Lê Đức Thọ vẫn sẽ tiếp tục tích cực tham gia Giải Lê Quý Đôn với tinh thần hăng hái.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: