'Giải Lê Quý Đôn vẫn là con đường nhanh nhất để tiếp cận học sinh'

Thứ bảy, 10/08/2024 07:02 (GMT+7)

Trong suốt 14 năm công tác trong ngành giáo dục và gắn bó với Giải Lê Quý Đôn, thầy Tạ Văn Lĩnh vẫn giữ vững quan điểm 'Giải Lê Quý Đôn là con đường nhanh nhất để tiếp cận học sinh'.

'Giải Lê Quý Đôn vẫn là con đường nhanh nhất để tiếp cận học sinh'- Ảnh 1.

Thầy Tạ Văn Lĩnh, giáo viên Trường tiểu học Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp, TP.HCM) đã có 14 năm gắn bó với Giải Lê Quý Đôn - Ảnh: NVCC

Giải Lê Quý Đôn trở thành sân chơi học tập không thể thiếu của nhiều lớp học sinh

Bắt đầu công tác trong ngành giáo dục từ năm 2010 đến năm 2015 với vai trò là giáo viên tổng phụ trách Đội Trường THCS Trường Chinh (quận Tân Bình), thầy Tạ Văn Lĩnh phụ trách chính việc hướng dẫn và hỗ trợ các bạn học sinh tham gia Giải Lê Quý Đôn trên ấn phẩm Khăn Quàng Đỏ.

Từ năm 2015 đến nay, là giáo viên chủ nhiệm tại Trường tiểu học Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp, TP.HCM), thầy Lĩnh tiếp tục đồng hành và hỗ trợ các em học sinh tiểu học tham gia tích cực, hiệu quả Giải Lê Quý Đôn trên ấn phẩm Nhi Đồng TP.HCM.

Theo thầy Lĩnh, Giải Lê Quý Đôn đã trở thành sân chơi học tập không thể thiếu của nhiều lớp học sinh tại TP.HCM và các tỉnh, thành lân cận. 

Gần 10 năm trước, trong kỷ yếu kỷ niệm 20 năm Giải Lê Quý Đôn trên báo Khăn Quàng Đỏ, Nhi Đồng TP.HCM (1995 - 2015), thầy Lĩnh từng chia sẻ: Giải chính là "con đường nhanh nhất để tiếp cận học sinh". 

Đến nay, thầy vẫn giữ vững quan điểm này. Nó khiến bản thân thầy luôn chủ động, hăng hái trong việc vận động vào tạo điều kiện tốt nhất cho học trò tham gia Giải mỗi năm.

'Giải Lê Quý Đôn vẫn là con đường nhanh nhất để tiếp cận học sinh'- Ảnh 4.

Nhận định Giải Lê Quý Đôn là "con đường nhanh nhất để tiếp cận học sinh" của thầy Lĩnh trong kỷ yếu 20 năm Giải Lê Quý Đôn trên báo Khăn Quàng Đỏ, Nhi Đồng TP.HCM năm 2015 - Ảnh: NVCC

Lý giải thêm, Thầy Lĩnh chia sẻ: "Không chỉ là sân chơi trí tuệ thú vị dành cho học sinh, Giải Lê Quý Đôn còn là nơi để giáo viên quan sát, tìm hiểu thêm về sức học của các em.

Đề bài đa dạng và phong phú, không chỉ tập trung vào các môn học chính mà còn có nhiều câu hỏi thuộc lĩnh vực kỹ thuật, khoa học, tự nhiên và xã hội. Có câu hỏi đơn giản, nhưng có những câu hỏi đòi hỏi tư duy. Giáo viên cũng phải tư duy chứ không riêng gì học sinh.

Những câu hỏi như vậy vừa tạo điều kiện để giáo viên gần gũi học sinh hơn nhờ việc hướng dẫn, tham gia cùng các bạn, đồng thời phát hiện ra những em có năng khiếu thật sự để bồi dưỡng".

Bàn luận sâu hơn về đề thi Lê Quý Đôn, thầy Lĩnh khẳng định cách ra đề đổi mới mỗi năm của Giải đã hỗ trợ rất tích cực đối với đội ngũ giáo viên trong việc dạy học tại trường. 

"Tôi nghĩ rằng giáo viên có thể dùng những đề thi này như một tài liệu tham khảo thú vị trong việc kiểm tra, đánh giá quá trình và kết quả học tập của học sinh trên lớp", thầy nói.

Liên tục đổi mới và bám sát chương trình học 

Kể về một kỷ niệm ấn tượng với đề thi Lê Quý Đôn trên ấn phẩm Nhi Đồng TP.HCM, thầy Lĩnh cho biết đó là năm học 2020 - 2021 - năm bắt đầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với học sinh khối lớp 1.

Thầy hào hứng kể lại: "Bản thân tôi luôn theo dõi đều các kỳ báo hàng tuần để cập nhật thông tin giới thiệu cho học sinh, cũng như nhắc nhở các em tham gia đúng lịch. Năm đó, khi vừa đọc câu hỏi trong đề thi của học sinh lớp 1, tôi thấy mệnh đề câu hỏi và mạch kiến thức khác thường. Tôi còn nghĩ, không biết có bị nhầm câu hỏi không…

Tuy nhiên, khi định hình lại, tôi chợt nhận ra hệ thống câu hỏi được nêu ra theo chương trình mới, yêu cầu các em tự tư duy nhiều hơn. Để chắc chắn, tôi còn trao đổi với các giáo viên lớp 1 để hiểu rõ kĩ năng các em cần đạt trong chương trình mới".

Sau cùng, thầy đã kịp nắm bắt định hướng tiếp cận nội dung và hình thức ra đề kiểm tra của ban tổ chức để tiếp tục đồng hành với học trò.

'Giải Lê Quý Đôn vẫn là con đường nhanh nhất để tiếp cận học sinh'- Ảnh 5.

'Giải Lê Quý Đôn vẫn là con đường nhanh nhất để tiếp cận học sinh'- Ảnh 6.

Hình ảnh học sinh lớp 4/6 Trường tiểu học Lê Đức Thọ (niên khóa 2023 - 2024) - lớp thầy Lĩnh chủ nhiệm - tham gia Giải Lê Quý Đôn - Ảnh: Thầy Lĩnh cung cấp

Nói về những trăn trở và khó khăn của giáo viên chủ nhiệm trong công tác đồng hành với học sinh tham gia Giải, thầy Lĩnh cho biết thầy phải tìm ra lời giải làm sao để tất cả học sinh trong lớp đều tham gia giải.

Trong cuộc họp phụ huynh đầu năm học, thầy nêu rõ mục đích và lợi ích của Giải Lê Quý Đôn từ kinh nghiệm và góc nhìn cá nhân, để phụ huynh hiểu rõ và có sự lựa chọn. 

Kết quả, hàng năm, 100% phụ huynh lớp thầy chủ nhiệm thống nhất cho con em tham gia Giải và hỗ trợ kinh phí đăng ký mua báo cho các em.

Về phần học trò, thầy Lĩnh thực hiện cho các em cùng xem nội dung các câu hỏi ở lớp khi nhận báo về, sau đó giao nhiệm vụ dưới dạng một nội dung bài cần chuẩn bị ở nhà. Học sinh nộp lại bài nháp đã thực hiện ở nhà sẽ được thầy nhận xét, hỗ trợ chỉnh sửa (nếu có). 

Đến tiết tự học, cả lớp sẽ cùng nhau trình bày bài làm vào giấy dự thi. Cuối cùng, thầy Lĩnh kiểm tra nội dung bài làm cho các bạn, đếm đủ số lượng và nộp về cho giáo viên tổng phụ trách Đội.

Tín hiệu vui mừng nhất đối với thầy Lĩnh là phụ huynh vẫn tiếp tục chủ động đăng ký cho con mua và đọc ấn phẩm Nhi Đồng TP.HCM trong dịp hè, để các con không bị gián đoạn thông tin của Giải Lê Quý Đôn trong các năm học và các cấp học.

"Đó là biểu hiện cho thấy phản hồi tích cực của phụ huynh về hiệu quả mà Giải Lê Quý Đôn mang lại đối với việc học tập, rèn luyện của học sinh", thầy Lĩnh nhận định.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: