Mưa nắng thất thường, cẩn thận với các bệnh giao mùa

Thứ ba, 07/05/2024 20:16 (GMT+7)

Sau chuỗi ngày nắng nóng gay gắt, Nam Bộ nói chung và TP.HCM nói riêng bắt đầu đón những cơn mưa đầu mùa. Đây là thời điểm các bệnh giao mùa xuất hiện.

Mưa nắng thất thường, cẩn thận với các bệnh giao mùa- Ảnh 1.

Mưa lớn bắt đầu xuất hiện ở khu vực Nam Bộ - Ảnh: ĐHT

Mực Tím đã có cuộc trò chuyện với bác sĩ Trương Hữu Khanh (nguyên trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM) về bệnh giao mùa.

Bệnh giao mùa là gì?

Hiểu một cách đơn giản, bệnh giao mùa là những bệnh xuất hiện khi thời tiết thay đổi thất thường (từ nóng sang lạnh, từ nắng sang mưa).

Lúc này, sự dao động nhiệt độ sẽ ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của chúng ta, đồng thời tạo điều kiện cho vi khuẩn, vi rút phát triển mạnh.

Các bệnh giao mùa thường gặp hiện nay

Theo bác sĩ Khanh, có hai nhóm bệnh giao mùa thường gặp nhất. Một là các bệnh liên quan đến đường hô hấp (cúm, viêm thanh quản, viêm xoang, viêm phổi...). Hai là bệnh sốt (điển hình là sốt siêu vi và sốt xuất huyết).

Có nhiều nguyên nhân gây ra các bệnh hô hấp. Nhiệt độ thay đổi đột ngột trong thời gian rất ngắn khiến cơ thể chúng ta không kịp điều chỉnh, sức đề kháng giảm sút. Trong khi đó, vi rút, vi khuẩn gây bệnh đường hô hấp lại phát triển cực mạnh trong điều kiện này.

Đường hô hấp (bắt đầu từ mũi) giống như cửa ngõ của cơ thể, "đụng độ" trực tiếp vi khuẩn, vi rút khi chúng ta hít thở.

Tương tự, sốt siêu vi bùng phát trong thời điểm giao mùa do các chủng vi rút gây sốt siêu vi có điều kiện phát triển mạnh. 

Với sốt xuất huyết, bác sĩ Khanh nhắc nhở, chỉ cần một cơn mưa là ao tù nước đọng đã xuất hiện. Lúc này, muỗi vằn - "thủ phạm" chính gây ra sốt xuất huyết - có điều kiện sinh sôi nảy nở.

Đối tượng nào dễ bị bệnh lúc giao mùa?

Bác sĩ Khanh khẳng định ai cũng có thể bị bệnh lúc giao mùa. Trong đó, trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ mang thai và người có bệnh nền phải hết sức cẩn trọng.

Người trẻ thường rất chủ quan, không chú tâm đến việc bảo vệ sức khỏe. Bác sĩ Khanh chia sẻ, nhiều bạn ở độ tuổi vị thành niên đúng là rất ít bị bệnh, nhưng khi bệnh rồi lại rất lâu khỏi. Nguyên nhân chính là do thói quen sinh hoạt thiếu khoa học khiến hệ miễn dịch suy giảm từ từ.

Cách phòng tránh bệnh giao mùa

1.Ngủ đủ giấc: Giấc ngủ vô cùng quan trọng. Nó giúp cơ thể bạn phục hồi, đảm bảo hoạt động của hệ miễn dịch, cải thiện sức khỏe tim mạch. Ngủ đủ giấc cũng khiến tinh thần bạn tốt hơn, minh mẫn hơn.

2.Uống đủ nước: Mất nước có thể khiến bạn uể oải, ảnh hưởng đến huyết áp, tăng nhịp tim, sốc nhiệt... Dù đã có mưa xuất hiện nhưng thời tiết vẫn đang rất nóng, bạn phải bổ sung nước cho cơ thể, tốt nhất là nước lọc.

3.Không bỏ bữa: Thời tiết "dở dở ương ương" khiến nhiều người có cảm giác lười ăn, thậm chí bỏ bữa. Điều này hết sức nguy hiểm. Nếu không ăn đầy đủ, cơ thể sẽ thiếu hụt chất dinh dưỡng, khả năng đề kháng kém. Bạn có thể chọn ăn những món thanh đạm, nhiều nước hoặc uống thêm sữa.

4.Phải vận động: Đừng trốn trong nhà hoặc phòng kín cả ngày. Hãy tranh thủ đi bộ vào những khung giờ tương đối mát mẻ. Bạn cũng có thể tập luyện các môn thể thao đơn giản ngay tại nhà. Lười vận động cũng là một trong những nguyên nhân khiến sức đề kháng suy giảm.

Lưu ý thêm về bệnh giao mùa

- Cẩn trọng khi sử dụng điều hòa để tránh bị sốc nhiệt. Khi bước vào phòng, đừng vội mở điều hòa ở mức nhiệt quá thấp. Khi từ phòng máy lạnh bước ra ngoài, đừng vội "xộc" thẳng ra nắng, phải dành thời gian để cơ thể thích nghi.

- Bên cạnh các bệnh hô hấp, các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa cũng rất đáng quan tâm trong thời điểm này. Vi khuẩn gây bệnh tả, kiết lỵ, tiêu chảy... có mặt ở khắp nơi. Đừng bạ đâu ăn đó, nhất là các hàng quán tự phát ở lề đường, vỉa hè.


Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: