Nghỉ lễ 30-4 khám phá loạt hoạt động thú vị tại các bảo tàng trong thành phố

Thứ hai, 28/04/2025 09:37 (GMT+7)

Dịp lễ 30-4, 1-5, nhiều bảo tàng tại TP.HCM giới thiệu đến khách tham quan loạt hoạt động trải nghiệm mới lạ và thú vị.

Nghỉ lễ 30-4 khám phá loạt hoạt động thú vị tại các bảo tàng trong thành phố- Ảnh 1.

Bạn trẻ tham quan chuyên đề Từ Hiệp định Paris đến Đại thắng mùa Xuân 1975 tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh - Ảnh: HOÀI THƯƠNG

Lễ 30-4, đến Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh in dấu hòa bình, tìm hiểu 140 hình ảnh, tư liệu quý

Dịp lễ 30-4 này, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh ra mắt chuyên đề đặc biệt mang tên Từ Hiệp định Paris đến Đại thắng mùa Xuân 1975, nhằm hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025).

Chuyên đề gồm 140 hình ảnh, tư liệu, mô hình, vật chứng quan trọng liên quan đến Chiến dịch Hồ Chí Minh và đại thắng mùa xuân năm 1975.

Đáng chú ý, trong khu vực triển lãm còn trưng bày mô hình xe tăng 390 thu nhỏ, tái hiện lại khoảnh khắc xe tăng 390 tiến vào Dinh Độc Lập.

Nghỉ lễ 30-4 khám phá loạt hoạt động thú vị tại các bảo tàng trong thành phố- Ảnh 3.

Trong ngày đầu ra mắt, triển lãm thu hút rất đông khách tham quan trong và ngoài nước - Ảnh: HOÀI THƯƠNG

Đặc biệt, khi ghé thăm Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, bạn sẽ được trải nghiệm một hoạt động mới mang tên In dấu Hoà Bình. Cụ thể, người tham quan có thể đóng dấu cánh chim bồ câu lên tay với ý nghĩa cùng nhau lan tỏa khát vọng hòa bình.

Thuộc hệ thống các bảo tàng vì hòa bình thế giới và là thành viên của hội đồng các bảo tàng thế giới (ICOM), Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh lưu giữ hơn 20.000 tài liệu, hiện vật và phim ảnh về những chứng tích tội ác và hậu quả của các cuộc chiến tranh mà các thế lực xâm lược đã gây ra đối với Việt Nam.

Trong đó có hơn 1.500 tài liệu, hiện vật, phim ảnh được đưa vào giới thiệu ở 8 chuyên đề và được trưng bày thường xuyên tại bảo tàng.

Địa chỉ: Số 28 đường Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP.HCM.

Giờ tham quan: 7h30 - 17h30.

Giá vé: 40.000 đồng/người/lượt.

Học sinh, sinh viên: 20.000 đồng/người/lượt.

Trải nghiệm di chuyển dưới giao thông hào, may cờ Giải phóng tại Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh

Đây là hai trong nhiều trải nghiệm mới mẻ được Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh giới thiệu đến du khách trong dịp lễ 30-4, 1-5.

Bảo tàng cũng đồng thời giới thiệu đến khách tham quan triển lãm với chủ đề 50 năm vang mãi bản hùng ca.

Đây là hoạt động do Cục Chính trị Quân khu 7 phối hợp với Cục Chính trị Quân đoàn 34 và Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh TP.HCM tổ chức.

Triển lãm giới thiệu gần 500 hình ảnh, tư liệu, hiện vật phản ánh chặng đường đấu tranh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và quá trình xây dựng, phát triển của TP.HCM. Triển lãm diễn ra đến hết ngày 20-5.

Nghỉ lễ 30-4 khám phá loạt hoạt động thú vị tại các bảo tàng trong thành phố- Ảnh 4.

Không gian trưng bày triển lãm với chủ đề 50 năm vang mãi bản hùng ca - Ảnh: NHẬT TÂN

Nghỉ lễ 30-4 khám phá loạt hoạt động thú vị tại các bảo tàng trong thành phố- Ảnh 5.

Hình ảnh, tư liệu về Chiến dịch Hồ Chí Minh - Ảnh: NHẬT TÂN

Ngoài tham quan triển lãm và các không gian trưng bày, du khách còn được trải nghiệm di chuyển dưới giao thông hào, "ẩn nấp" trong hầm chữ A, may cờ Giải phóng, thưởng thức món ăn của du kích trong kháng chiến (khoai mỳ, muối đậu)…

Địa chỉ: Số 2 đường Lê Duẩn, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM.

Giờ tham quan: 7h30 - 11h và 13h30 - 16h30.

Giá vé: Miễn phí.

Ăn cơm tấm Đại Hàn, uống cà phê Đỗ Phủ, tham quan Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định, bạn đã thử chưa?

Nằm trong một căn nhà 3 tầng trên đường Trần Quang Khải (quận 1), Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định là nơi hoạt động bí mật của biệt động dưới sự quản lý của ông Trần Văn Lai (Năm Lai). Ngôi nhà được xây dựng vào năm 1963.

Biệt động Sài Gòn là lực lượng đặc biệt của quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, hoạt động chủ yếu tại Sài Gòn và các khu vực xung quanh từ những năm 1960 đến 1975.

Lực lượng này nổi bật với các chiến công như tấn công vào Dinh Độc Lập trong Tết Mậu Thân 1968 và góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Nghỉ lễ 30-4 khám phá loạt hoạt động thú vị tại các bảo tàng trong thành phố- Ảnh 6.

Bảo tàng lưu giữ khoảng 300 hiện vật về quá trình hình thành, phát triển của lực lượng biệt động - Ảnh: HOÀI THƯƠNG

Để lên đến tầng 2 - khu vực tham quan của bảo tàng, khách tham quan sẽ di chuyển bằng thang máy cổ bằng sắt. Chiếc thang máy này có từ khi căn nhà được xây dựng.

Bước vào thang máy cũ kĩ, bạn sẽ có cảm tưởng như đang ngược dòng thời gian để tìm hiểu về lực lượng Biệt động Sài Gòn.

Nghỉ lễ 30-4 khám phá loạt hoạt động thú vị tại các bảo tàng trong thành phố- Ảnh 7.

Chiếc thang máy cổ được bao bọc bằng khung sắt ở các phía - Ảnh: HOÀI THƯƠNG

Cách đó không xa trên đường Đặng Dung (quận 1), bạn có thể ghé lại quán cơm tấm Đại Hàn - cà phê Đỗ Phủ. Trước năm 1975, nơi đây là một trong những cơ sở hoạt động bí mật của lực lượng Biệt động Sài Gòn.

Nghỉ lễ 30-4 khám phá loạt hoạt động thú vị tại các bảo tàng trong thành phố- Ảnh 8.

Quán cơm tấm Đại Hàn - cà phê Đỗ Phủ là ngôi nhà hai tầng với kiến trúc cổ xưa trên đường Đặng Dung - Ảnh: HOÀI THƯƠNG

Từ năm 1946, quán được giao cho vợ chồng ông Đỗ Miễn bán cơm tấm và cà phê. Khi đến đây, bạn nhất định phải tìm hiểu về hầm nổi và hộp thư bí mật - hai nơi gắn liền với hoạt động bí mật của lực lượng Biệt động Sài Gòn.

Hầm nổi ẩn dưới một tấm gỗ lát sàn ngay cầu thang đi lên lầu 2. Đây là nơi dùng để chứa tài liệu, thư từ, thuốc tây, tiền vàng, đô la,...

Tất cả được đựng trong các lon guigoz, thùng đạn của Mỹ, sau đó chuyển ra Quân khu Sài Gòn - Gia Định và chuyển ra Bắc Việt Nam quá các nước Cam pu chia, Lào, Thái Lan phục vụ chiến đấu.

Nghỉ lễ 30-4 khám phá loạt hoạt động thú vị tại các bảo tàng trong thành phố- Ảnh 9.

Hầm bí ẩn được "ngụy trang" dưới đáy tủ quần áo - Ảnh: HOÀI THƯƠNG

Trong khi đó, hầm bí mật được thiết kế dưới đáy tủ quần áo cũng nằm trên tầng 2 căn nhà.

Khi có động hoặc bị lộ, các chiến sĩ Biệt động sẽ vào bên trong tủ khóa trái cửa, cậy tấm ván đáy tủ lên và thoát ra ngoài bằng đường bí mật qua các đường Trần Quang Khải, Nguyễn Văn Nguyễn và Hai Bà Trưng.

Ngoài ra, sở dĩ có tên gọi cơm tấm Đại Hàn là bởi ngày đó có rất nhiều lính Đại Hàn (Hàn Quốc) sang tham chiến trong cuộc chiến tranh Việt Nam đến ăn tại đây.

Để phù hợp với khẩu vị của lính Đại Hàn thời đó, bà chủ đã làm kim chi và rau muống ngâm chua để ăn cùng với cơm tấm.

Điều này tạo nên sự kết hợp đặc biệt giữa cơm tấm Việt Nam và kim chi Hàn Quốc.

Một phần cơm tấm Đại Hàn đầy đủ có cơm, sườn nướng, bì, chả, trứng, rau muống ngâm chua cùng kim chi, ăn cùng nước mắm ớt tỏi và canh.

Ngoài cơm tấm, bạn cũng đừng quên thưởng thức món cà phê bơ cùng bánh quẩy trứ danh tại địa điểm đặc biệt này nữa nhé!

Nghỉ lễ 30-4 khám phá loạt hoạt động thú vị tại các bảo tàng trong thành phố- Ảnh 10.

Một phần cơm tấm Đại Hàn có giá 70.000 đồng - Ảnh: HOÀI THƯƠNG

+ Bảo tàng Biệt động Sài Gòn

Địa chỉ: Số 145 đường Trần Quang Khải, phường Tân Định, quận 1, TP.HCM.

Giờ tham quan: 7h30 - 17h.

Giá vé: 50.000/người/lượt. Học sinh/sinh viên: 30.000 đồng.

+ Cà phê Đỗ Phủ - cơm tấm Đại Hàn:

Địa chỉ: Số 113A đường Đặng Dung, phường Tân Định, quận 1, TP.HCM.

Giờ mở cửa: 7h - 22h.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: