Suy thận đang ngày càng trẻ hóa, làm thế nào để nhận biết?

Thứ bảy, 12/07/2025 12:26 (GMT+7)

Không còn là căn bệnh của người già, suy thận đang trở nên trẻ hóa khi nhiều bạn chỉ mới hơn 20 tuổi, thậm chí 18, 19 tuổi đã mắc bệnh.

Suy thận đang ngày càng trẻ hóa, làm thế nào để nhận biết? - Ảnh 1.

Lối sống thiếu khoa học, chuộng thức ăn nhanh khiến bệnh suy thận "hỏi thăm" nhiều người trẻ - ẢNH MINH HỌA DO AI TẠO

Không chỉ ảnh hưởng sức khỏe, suy thận còn khiến các bạn trẻ mất đi nhiều cơ hội công việc, tốn kém kinh tế.

Không còn là căn bệnh của người già, suy thận đang trở nên trẻ hóa khi nhiều bạn chỉ mới hơn 20 tuổi, thậm chí 18, 19 tuổi đã mắc bệnh. Nguyên nhân là do nhịp sống hiện đại, thói quen sinh hoạt đã âm thầm khiến thận của các bạn trẻ bị “quá tải”.

Trẻ hóa suy thận do thói quen

Cầm giấy xét nghiệm trên tay, bạn Minh Thông (TP.HCM) lo lắng khi bác sĩ thông báo trong nước tiểu có đạm, thận của bạn đang có vấn đề. Dù chưa nghiêm trọng, nhưng bác sĩ căn dặn Minh Thông cần thay đổi thói quen sinh hoạt, ăn uống.

Tuy nhiên nhiều bạn trẻ khác lại không may mắn như Thông, lúc thấy không khỏe đi khám thì thận đã bị suy giai đoạn 4, 5 dù chỉ mới 19, 20 tuổi.

Sinh năm 2006, bạn Vũ Văn Bảo (Hải Phòng) nhớ lại thời điểm cuối năm lớp 12, do áp lực bài vở nên Bảo thường thức đến 3h sáng, có khi đến 6h sáng ôn thi đại học, thi đánh giá năng lực.

Để tỉnh táo, cậu bạn uống thêm nước ngọt, cà phê và cả ăn đêm. Thói quen này được Bảo duy trì khi lên năm nhất đại học. Trước đó, Bảo còn tập gym nên ăn rất nhiều thịt hỗ trợ tăng cơ. Sau này dù đã ngừng tập, thói quen ăn nhiều thịt vẫn được duy trì.

Bảo kể: “Đó là ngày 20-12-2024, mình đi tiểu quá nhiều trong một đêm. Vì toa let xa nên buổi tối mình chuẩn bị một chai nhựa đặt cạnh giường ngủ. Sáng hôm sau, mình thấy nước tiểu trong chai bị vẩn đục như sữa và có bợn cặn”.

Đến bệnh viện Bạch Mai kiểm tra, Bảo bàng hoàng nhận kết quả suy thận giai đoạn 1. Bác sĩ cảnh báo bạn phải thay đổi thói quen ăn uống, sống lành mạnh hơn với đồ luộc, rau xanh, hạn chế chất đạm và phải ngủ sớm.

May mắn, 5 tháng sau thận của Bảo đã khoẻ lại, mọi chỉ số trở về bình thường.

Suy thận đang ngày càng trẻ hóa, làm thế nào để nhận biết? - Ảnh 2.

Tống Văn Tùng trước khi bệnh và hiện tại phải chạy thận mỗi tuần - Ảnh: NVCC

Không may mắn như Bảo, bạn Tống Văn Tùng (TP.HCM) phát hiện bị suy thận giai đoạn cuối khi chỉ mới 21 tuổi. Tùng cho biết thời điểm đó thường hay tiểu đêm, chán ăn, uể oải, hơi thở có mùi tanh.

Cũng phát hiện suy thận giai đoạn cuối lúc 21 tuổi, chỉ sau 2 ngày nhập viện, Xuân Nam (Đồng Nai) phải bắt đầu chạy thận.

Giai đoạn đó Nam đang đi nghĩa vụ nên mỗi buổi chiều hoặc khi trực đêm thường uống nước ngọt. Nam cũng không thích nước lọc, mỗi ngày chỉ uống qua loa khoảng 1 lít. Kết quả khi đi khám, Nam đã phát hiện bị suy thận giai đoạn cuối.

“Trước đây mình là bệnh nhân trẻ nhất trong phòng chạy thận, nhưng hiện nay vị trí này đã có bạn khác thay thế, nhiều bạn chỉ mới 19 tuổi cũng đến chạy thận như mình” - bạn cho biết.

Theo thạc sĩ bác sĩ CKI Trần Quốc Phong (CEO Dự án Truyền thông sức khỏe y tế Saigon Medicine, TP.HCM), đúng là có xu hướng trẻ hóa bệnh thận mạn tính, không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới.

Theo hệ thống NHANES (National Health and Nutrition Examination Survey) 2003 - 2020, khoảng 6,2% người trưởng thành trong độ tuổi 18 - 39 mắc bệnh thận mạn, nhưng hầu hết là giai đoạn sớm, chưa có triệu chứng rõ.

“Dù chưa có thống kê cụ thể từng năm, nhưng cá nhân tôi khi làm việc tại phòng khám chuyên khoa cũng gặp nhiều trường hợp dưới 30 tuổi đã có protein niệu, lọc cầu thận giảm”, bác sĩ Phong chia sẻ.

Hệ lụy không chỉ nằm ở trái thận

Không chỉ ảnh hưởng sức khỏe, suy thận còn khiến các bạn trẻ mất đi nhiều cơ hội công việc, tốn kém kinh tế.

Vén lớp quần áo bên ngoài để lộ đôi tay và chân đầy vết sẹo, bầm tím do kim đâm, Tùng chia sẻ: “Hiện tại mỗi tuần mình phải chạy thận 3 lần tại Bệnh viện Quân y 175 với chi phí mỗi tháng 4,3 triệu. Mỗi lần là 7 cây kim to như cây tăm ghim vào da thịt, rất đau.

Trong phòng cũng có rất nhiều bạn 2K2, 2K3, thậm chí 2K5 cũng đến chạy thận như mình. Phòng có 10 người đã có đến 3 - 4 bạn trẻ”.

Dù đã cố gắng tìm công việc ổn định nhưng do Tùng phải chạy thận và sức khỏe yếu không thể đáp ứng.

Tùng cũng không nhớ hết bao nhiêu lần đi xin việc nhưng chỉ nhận lại cái lắc đầu, nên phải làm shipper để trang trải. Vừa làm shipper, Tùng tranh thủ đi dọn nhà trọ, phụ việc ngoài chợ, phục vụ...

Từ câu chuyện của bản thân, Xuân Nam chia sẻ: “Mình muốn nói với các bạn trẻ rằng với nhịp sống hiện nay, đôi khi các bạn bị cuốn theo mà quên đi sức khỏe.

Suy thận lại là căn bệnh diễn biến âm thầm và không có dấu hiệu rõ ràng, vì vậy khám sức khỏe định kỳ rất cần thiết dù bạn còn trẻ và cảm thấy khỏe”.

Hiểu rõ hơn về suy thận

Theo thạc sĩ bác sĩ CKI Trần Quốc Phong, có những thói quen tưởng nhỏ nhưng tích lũy lâu dài rất hại thận như:

* Uống ít nước: Nhất là người làm văn phòng ngồi điều hòa cả ngày quên uống nước. Nước tiểu đặc dễ gây sỏi, nhiễm trùng, tổn thương thận.

* Ăn mặn, ăn cay: Làm cơ thể giữ muối và nước lại, tăng huyết áp, lâu dài ảnh hưởng đến cầu thận.

* Lạm dụng thuốc: Nhiều bạn bệnh là uống thuốc không cần toa. Hoặc nghe quảng cáo, tự ý uống thực phẩm chức năng mà không biết thận phải làm việc cật lực để lọc hết chất đó.

* Ngủ ít, thức khuya triền miên: Thận cũng có nhịp sinh học, ban đêm là lúc phục hồi.

* Lười vận động, ngồi nhiều: Làm giảm tuần hoàn máu đến thận, tăng nguy cơ béo phì, tăng huyết áp...

Những dấu hiệu cho biết thận không khỏe, cần đi kiểm tra sớm

Đi tiểu bất thường, tiểu ít, tiểu đêm nhiều, nước tiểu nhiều bọt như bia hơi có màu sậm như trà đặc, thậm chí có máu.

Mệt mỏi kéo dài, phù mặt, phù chân, ngủ dậy mắt sưng. Hay bị ngứa không rõ nguyên nhân, da khô sạm, hơi thở có mùi tanh như kim loại hoặc cá ươn, bị tăng huyết áp...

Suy thận đang ngày càng trẻ hóa, làm thế nào để nhận biết? - Ảnh 3.

Thạc sĩ bác sĩ CKI Trần Quốc Phong - Ảnh: NVCC

Tuy nhiên, theo bác sĩ Phong, ai nghe đến suy thận cũng nghĩ rất nặng nề, không thể chữa. Nhưng thực tế, suy thận chia làm 5 giai đoạn.

Ở giai đoạn 1 và 2, nếu nguyên nhân gây tổn thương thận được điều trị triệt để, ví dụ như kiểm soát huyết áp, tiểu đường, ngưng dùng các thuốc gây hại cho thận... thì chức năng thận có thể hồi phục phần nào hoặc ngưng tiến triển. Nhiều trường hợp ở giai đoạn sớm có thể khỏi, người bệnh sống khỏe không triệu chứng.

Từ giai đoạn 3 trở đi, đặc biệt là 4 và 5, khả năng hồi phục gần như không có. Lúc này, mục tiêu điều trị là làm chậm tiến triển, ngừa biến chứng.

Ngoài suy thận, lối sống thiếu lành mạnh còn là gốc rễ của hàng loạt bệnh mạn tính khác. Những bệnh này trước đây cứ nghĩ phải 50 - 60 tuổi mới mắc, giờ lại xuất hiện nhiều ở người trẻ như: tăng huyết áp, đái tháo đường, gan nhiễm mỡ, rối loạn nội tiết…


Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: