Teen bắt nhịp kỷ nguyên số - kỳ 4 Tự tin bước vào đường đua

Thứ ba, 06/05/2025 17:13 (GMT+7)

Việc làm chủ AI giúp người trẻ linh hoạt, thích nghi nhanh, dẫn đầu xu hướng.

Teen bắt nhịp kỷ nguyên số - kỳ 4 Tự tin bước vào đường đua - Ảnh 2.

Một buổi sinh hoạt học tập về AI của CLB AI Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1) - Ảnh: CLB cung cấp

"Nếu người trẻ đứng ngoài đường đua AI trong thời điểm hiện tại, các bạn có thể gặp nhiều thiệt thòi, hạn chế cơ hội nghề nghiệp, học tập.

Các bạn sẽ thiếu kỹ năng nền tảng khi AI đang trở thành “kỹ năng đọc viết” mới, như việc biết sử dụng máy tính cách đây 20 năm”, giáo sư Hồ Phạm Minh Nhật (giáo sư bậc 1 về Khoa học dữ liệu, học máy và thống kê tại Đại học Texas, Hoa Kỳ) chia sẻ.

AI đang trở thành “kỹ năng đọc biết” mới

Theo giáo sư Minh Nhật, AI không chỉ là công cụ hỗ trợ học tập, sáng tạo nội dung, lập kế hoạch cá nhân mà còn mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp như khoa học dữ liệu, tự động hóa, y tế, tài chính...

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để theo dõi và phân tích tiến độ học tập, rút ngắn thời gian hoàn thành các tín chỉ, hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán bệnh, giúp lực lượng chức năng truy vết người qua dữ liệu camera an ninh… nhiều bạn teen gen Z, gen Alpha đang không ngừng học hỏi, sáng tạo để không bị “lỗi nhịp” trong kỷ nguyên số.

Việc làm chủ AI giúp người trẻ linh hoạt, thích nghi nhanh, dẫn đầu xu hướng.

Tuy nhiên, giáo sư cũng lưu ý với teen rằng dựa dẫm vào AI cho mọi câu trả lời khiến người trẻ mất đi kỹ năng giải quyết vấn đề và tư duy phản biện.

Việc dùng AI để làm bài tập lâu dài sẽ ảnh hưởng đến năng lực và kết quả học tập.

Teen bắt nhịp kỷ nguyên số - kỳ 4 Tự tin bước vào đường đua - Ảnh 1.

Giáo sư Hồ Phạm Minh Nhật - Ảnh: NVCC

AI không phải lúc nào cũng đúng, tin tưởng tuyệt đối dễ dẫn đến hiểu sai kiến thức, lan truyền thông tin không chính xác.

Giáo sư Minh Nhật cũng cho biết, AI không thể thay thế sự giao tiếp, đồng cảm, sáng tạo, phản biện. Đó là những kỹ năng thực hành cần có trong môi trường làm việc tương lai.

Việc phụ thuộc công nghệ quá mức còn gây mất cân bằng cuộc sống, ảnh hưởng sức khỏe tinh thần nếu không kiểm soát thời gian sử dụng. Bạn cũng cần cẩn trọng khi chia sẻ thông tin với AI, hiểu rõ về quyền riêng tư và an toàn thông tin.

Bạn cũng có thể tự học với AI qua các nền tảng online như Coursera, Udemy... Hãy biết đánh giá và sử dụng AI một cách có trách nhiệm, tránh phụ thuộc mù quáng. Tăng cường kỹ năng sáng tạo và giao tiếp ở bên ngoài vì đây là những điều mà AI chưa thể thay thế, giúp bạn nổi bật và khác biệt.

Học AI ở đâu?

Theo GS.TS Nguyễn Trường Thịnh (viện trưởng Viện Công nghệ Thông minh và Tương tác, Đại học Kinh tế TP.HCM), trong kỷ nguyên số học sinh THPT không chỉ cần học giỏi kiến thức trong sách giáo khoa mà còn phải tự trang bị một hệ thống kỹ năng toàn diện để không bị “lỗi nhịp” với thời đại. Vậy teen cần phải làm gì?

Teen bắt nhịp kỷ nguyên số - kỳ 4 Tự tin bước vào đường đua - Ảnh 3.

GS.TS Nguyễn Trường Thịnh- Ảnh: NVCC

Trước hết là kỹ năng tư duy phản biện và giải quyết vấn đề. Thay vì học thuộc, các bạn cần biết đặt câu hỏi, phân tích thông tin và đưa ra giải pháp một cách sáng tạo.

Kế tiếp là kỹ năng học tập suốt đời và tinh thần tự học. Bởi kiến thức hôm nay có thể lỗi thời rất nhanh, nếu không học hỏi, các bạn sẽ trở nên lạc hậu công nghệ.

Đối với học sinh THPT, cần nắm được các kỹ năng công nghệ số cơ bản như sử dụng các công cụ AI, lập trình, xử lý dữ liệu và bảo mật thông tin.

Ngoài ra, kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm và sử dụng ngoại ngữ có thể giúp các bạn dễ dàng tiếp cận tri thức toàn cầu và hòa nhập với môi trường học thuật, làm việc quốc tế.

Cuối cùng là giữ vững giá trị đạo đức và trách nhiệm xã hội. Khi công nghệ càng phát triển, con người càng cần có bản lĩnh vững vàng, tỉnh táo trong chọn lọc thông tin và nhân văn trong ứng xử. Trang bị tốt những kỹ năng này, học sinh THPT không chỉ tránh được việc “lỗi nhịp” mà còn sẵn sàng trở thành công dân toàn cầu.

Hiện nay, nhiều trường đại học trong nước đã thiết kế các chương trình đào tạo bài bản tập trung vào các lĩnh vực như: Trí tuệ nhân tạo, Khoa học dữ liệu, Robot, Tự động hóa... Các bạn có thể theo học các khóa về AI tại trường đại học, học online hoặc tham gia các bootcamp trong và ngoài nước.

Tại Việt Nam, một số cơ sở đào tạo đã tiên phong phát triển các chương trình liên ngành, kết hợp giữa công nghệ, thiết kế và quản trị hiện đại. 

Như Viện Công nghệ Thông minh và Tương tác (3ITech) của Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH) đã triển khai các chương trình đào tạo kỹ sư Trí tuệ nhân tạo với hai chuyên ngành: Robot và Trí tuệ nhân tạo; Điều khiển thông minh và Tự động hóa.

Các chương trình này được xây dựng theo định hướng ứng dụng, bám sát nhu cầu thực tế của doanh nghiệp và xu hướng công nghệ toàn cầu. Sinh viên có thể học với chuyên gia đầu ngành, tham gia cuộc thi, dự án môn học và thực tập trong và ngoài nước.

Sớm ý thức được những ngành nghề liên quan đến AI sẽ cần thiết cho tương lai, nên từ lớp 10, Huỳnh Khắc Tâm (cựu học sinh Phổ thông Năng khiếu, quận 5) đã tự định hướng, tìm ngành học cho bản thân. Hiện tại, Tâm đang là sinh viên ngành Electrical Engineering tại trường Nanyang Technological University (Singapore).

Teen bắt nhịp kỷ nguyên số - kỳ 4 Tự tin bước vào đường đua - Ảnh 4.

Bạn Huỳnh Khắc Tâm - Ảnh: NVCC

Tâm chia sẻ: “Với ngành học này, mình được học những môn lập trình và trí tuệ nhân tạo. Mình chọn học ở Nanyang Technological University vì có nhiều cơ hội tham gia các dự án, cuộc thi về AI. Từ đó sẽ có nhiều lựa chọn đa dạng hơn trong các vị trí công việc tương lai ở Singapore và Việt Nam”.

Sau khi ra trường, Khắc Tâm có thể theo đuổi các công việc như software engineer (kỹ sư phần mềm), algorithm engineer (kỹ sư thuật toán), ML/AI Engineer/Researcher, Data Scientist... và nhiều công việc khác.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: