Xu hướng chia phe phái trong lớp rất toxic, bạn có biết cách phòng tránh?

avatar AN TÚ - THIÊN BẢO

Thứ tư, 25/10/2023 14:04 (GMT+7)

Đi học mà phải căng não với chuyện "chọn phe", chơi với hội này, nói xấu hội kia, chính là nguyên nhân mang đến những cảm xúc tiêu cực, độc hại cho teen.

Muôn vàn lý do chia phe

Khi lên cấp ba, bạn Bùi Hiền Thảo Trang (Trường THPT Ngô Quyền, quận 7) mong muốn được học trong một lớp mà các thành viên đoàn kết, thân thiết với nhau. Thế nhưng, sau một tháng, bạn “vỡ mộng”. Bạn đã sốc khi các bạn "chia phe", lại còn nói xấu lẫn nhau.

Các bạn trong lớp Trang lần lượt chia nhóm theo sở thích. Nhóm thì toàn thành viên “học bá”, nhóm hội tụ những cô nàng điệu đà, nhóm thì “cá biệt”… Vì vậy chỉ cần một thành viên trong nhóm có xích mích với ai thì cả nhóm sẽ ghét chung. Từ vấn đề nhỏ xíu của hai người bị nâng lên thành “thù hằn” giữa hai nhóm.

Lớp mình... chia phe - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Câu lạc bộ Truyền Thông PNM - THPT Phú Nhuận


Lần đó, một bạn nhóm mình trực nhật với nhóm mà bạn ấy không thích. Khi cả lớp đi về, các bạn nhóm đó không trực nhật mà còn cố tình xả rác. Mặc dù rất giận nhưng bạn cố nhịn và báo lại cô chủ nhiệm. Sau lần đó, hai nhóm tranh luận nảy lửa trên group lớp khiến cô phải đứng ra giảng hòa” - bạn Lê Tuấn Anh (Trường THPT Đào Sơn Tây, TP.Thủ Đức) kể.

Khi không thể kết thành một

Đau đầu nhất là những lần trường, lớp có lễ hội, phong trào hay những việc cần tiếng nói chung thì nhóm nào cũng muốn phần hơn, chẳng ai nhường ai.

Chọn áo lớp giúp cả lớp đoàn kết hơn, thế nhưng lớp mình lại vì chuyện đó mà xa cách. Người muốn mặc áo thun, người muốn mặc sơ mi, người muốn màu này màu kia… Chỉ chuyện nhỏ mà lớp mình cãi nhau suốt” - Tuấn Anh than thở.

Lớp mình... chia phe - Ảnh 2.

Ảnh minh họa: Câu lạc bộ Truyền Thông PNM - THPT Phú Nhuận

Trong các nhóm cũng có những luật ngầm. Chẳng hạn như có một thành viên ghét ai là cả nhóm phải tẩy chay, nói xấu, làm bẽ mặt đối phương…

Mình thấy bạn lớp phó học tập rất bình thường nhưng cả nhóm lại chê bai, cười cợt, bịa đủ chuyện khi nói về bạn ấy. Nguyên nhân chỉ vì bạn lớp phó không bao che khi thành viên nhóm mình không làm bài tập. Dù không đồng tình nhưng mình vẫn phải hùa theo, nếu không sẽ bị các bạn loại khỏi nhóm" - Thảo Trang kể.

Việc teen có xu hướng chơi với những bạn có cùng sở thích, thói quen là điều bình thường. Tuy nhiên, hãy cố gắng dung hòa các mối quan hệ trong lớp bằng những hoạt động chung của lớp, các cuộc thi ngoại khóa…

Đừng chia phe nữa, đoàn kết thôi lớp mình ơi!

Lớp của bạn Đinh Trần Thụy (lớp 12A02 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3) tiết lộ bí thư lớp là nhân tố gắn kết các thành viên lại với nhau.

Nhờ bí thư rủ rê, cả lớp cùng nhau luyện tập văn nghệ, thi kéo co, rủ nhau đi các hoạt động ngoại khóa như kịch, xiếc, bán đồ ăn ở hội xuân...

Ngoài ra, cả lớp còn tự tổ chức chương trình riêng như mừng 20-10 cho các bạn nữ, tổ chức event tặng quà bí mật... Qua đó, các bạn trong nhiều nhóm được dịp làm việc, trò chuyện nhiều hơn với các nhóm khác, từ đó lớp hiểu nhau hơn.

Ngoài ra thì lớp của Đặng Bảo Uyên (lớp 11A12, Trường THPT Trưng Vương, quận 1) thì cho rằng cả lớp phải có buổi trò chuyện thẳng thắn với nhau để giải tỏa những thắc mắc, nghi kị.

"Nhờ buổi này mà lớp mình quyết định đồng ý bỏ qua mọi hiềm khích, cùng nhau tham gia hoạt động chung. Nhóm có thể chơi riêng, nhưng khi lớp cần thì tất cả bọn mình đều góp sức".

Còn nếu quá ngại để tâm sự thì ban cán sự tạo hòm thư góp ý để mọi người trải bày lòng mình. Bạn cũng có thể tổ chức đi chơi, dã ngoại sau giờ học...

Lớp của Bảo Uyên tổ chức sinh nhật cho cô giáo - Ảnh: NVCC


Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: