Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Vui lòng nhập Họ & Tên.
Và những ngày tháng 5 này, TP Điện Biên Phủ đón lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhân dân từ mọi miền Tổ quốc đến ôn lại những kỷ niệm hào hùng của dân tộc.
70 năm trước, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Quân ủy, Bộ tư lệnh Chiến dịch cùng các lực lượng vũ trang cách mạng, trải qua 56 ngày đêm chiến đấu kiên cường, gian khổ, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, ghi vào "một dấu mốc bằng vàng chói lọi" trong lịch sử dân tộc.
70 năm sau, không chỉ bà con Điện Biên mà nhân dân cả nước đang chung sức chung lòng hướng về mảnh đất anh hùng, hướng đến dịp lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2024).
Những ngày tháng 5, tiết trời Điện Biên mưa nắng thất thường, trời đang nắng như đổ lửa bỗng chốc mưa rào trút xuống. Nhưng ở khắp các ngả đường dễ bắt gặp hình ảnh du khách mặc áo cờ đỏ sao vàng đến thăm các cụm cứ điểm ở Điện Biên Phủ như đồi A1, nghĩa trang liệt sĩ quốc gia A1, đền thờ liệt sĩ, tượng đài chiến thắng, Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ...
Nắm tay đồng đội ngược từng con dốc, người cựu binh ngước đôi mắt đỏ hoe lên hướng ngọn đồi A1 - nơi có gốc phượng vĩ già đỏ rực nhuộm thắm giữa "lòng chảo" Điện Biên. "Nhất định phải đến nơi này", cựu binh Đỗ Văn Tràng (75 tuổi) quả quyết.
Ông cùng nhiều đồng đội là cựu chiến binh kháng chiến chống Mỹ, đã cầm súng chiến đấu để thống nhất đất nước, vì thế rất ngưỡng mộ và tự hào về cha anh đã anh dũng chiến đấu ở chiến trường Điện Biên. Vậy là giữa những ngày tháng 5 lịch sử, ông Tràng cùng với đồng chí đồng đội lên chuyến xe thẳng tiến về Điện Biên.
Tuổi đã cao nên đôi chân chẳng chịu nghe lời. Chốc chốc ông Tràng phải nắm chặt tay đồng đội rồi đứng lại lấy sức để đi tiếp. Chẳng mấy chốc ông đã tiến sát đến đồi A1.
70 năm trước, trận tiến công cứ điểm đồi A1 là một trong những trận đánh oanh liệt nhất của quân và dân ta trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. 70 năm sau, từng dòng người đến tham quan đứng lặng yên ngắm nhìn dòng chữ "A1: bùn - máu và hoa" như chứng tích của một thời hoa lửa.
"Đứng trên cứ điểm năm xưa, những người lính bộ đội cụ Hồ chúng tôi không khỏi xúc động nhớ đến các anh hùng đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ như một thiên anh hùng ca", ông Tràng bộc bạch.
Trên đồi cao, từng đoàn khách trên khắp mọi miền Tổ quốc đổ về ngày một đông. Ở tại cứ điểm đã làm nên lịch sử "chấn động địa cầu", các thế hệ nối tiếp nhau cùng ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc. Ấn tượng nhất là màu áo cờ đỏ sao vàng của dòng người hòa chung với màu đỏ thắm của hai gốc phượng vĩ già nở rộ trên đỉnh đồi.
Bỗng tiếng đàn violin du dương cất lên. Ở giữa đồi A1, hai người cựu binh cùng nữ nghệ sĩ cất lời ca tiếng hát dâng lên các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống. Từng đoàn khách không ai bảo ai đều tạm ngưng các hoạt động chụp hình, hòa mình vào những lời ca để tưởng nhớ những người đã mãi mãi nằm lại mảnh đất này.
Ông Đỗ Biện (74 tuổi, cựu chiến binh ở Hà Nội) vừa kéo đàn, đôi mắt rơm rớm lệ. Người cựu binh bộc bạch suốt một đời lính, "âm vang Điện Biên" là tên gọi quen thuộc mà ông cùng các đồng đội thường nhắc đến với một lòng kính trọng, biết ơn và cả những ấn tượng về những chiến công hiển hách của cha ông ta 70 năm về trước.
Hôm nay về lại mảnh đất Điện Biên, hòa chung không khí hào hùng với triệu người con đất Việt, ông Biện và đồng đội cùng nhau đàn hát, cất lên lời ca đi cùng năm tháng tại những căn cứ địa lịch sử. Họ cùng nhau hát cho những người đã mãi mãi nằm lại, ai ai cũng bồi hồi xúc động.
Trên đồi cao A1, cựu chiến binh Nguyễn Chiến (78 tuổi, ở Hà Nội) cùng lớp người trẻ ôn lại những trận đánh hào hùng của thế hệ chiến sĩ Điện Biên, rồi ông kể thêm về những trận đánh hào hùng mà ông cùng đồng đội đã tham gia trong 81 ngày đêm Thành cổ Quảng Trị, mặt trận đường 9 - Khe Sanh cho đến chiến dịch Tây Nguyên.
Là cựu chiến binh đi qua các cuộc chiến của đất nước nhưng khi được đặt chân đến các địa chỉ đỏ của mảnh đất Điện Biên, ông Chiến không khỏi tự hào và bày tỏ lòng tri ân đến các thế hệ cha ông đi trước đã làm nên một chiến thắng lẫy lừng chấn động địa cầu.
"Chuyến bay vừa đáp xuống là chúng tôi đã có mặt ở đồi A1. Đứng trên chiến trường năm xưa, lòng tôi trải rộng vô bờ, rất cảm động vì thấy dân tộc mình, cha ông mình rất dũng cảm, dũng cảm cả trong chiến tranh và dũng cảm cả trong thời bình để đưa đất nước, đưa Điện Biên phát triển như ngày hôm nay", ông Chiến bùi ngùi.
Rồi người lính thông tin mỉm cười kể về mối duyên đặc biệt với cô chiến sĩ thông tin cũng sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Điện Biên anh hùng. Suốt cả cuộc đời, người "con rể Điện Biên" đã yêu mến và coi mảnh đất này như quê hương thứ hai vì đã xe duyên cho ông một mối tình bền chặt.
Cầm chặt trên tay chiếc dù nhỏ, mặc cơn mưa như trút, cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Huyền (78 tuổi) đứng lặng yên hướng về đền thờ liệt sĩ tại chiến trường Điện Biên Phủ. Trước đó, người cựu binh già cùng với đoàn khách từ Thái Bình cũng đã thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ quốc gia A1.
Mặc cho điều kiện thời tiết khó khăn, nắng mưa thất thường, ông Huyền nói chẳng hề gì với những khó khăn, gian khổ của cha ông ta năm xưa. Vượt quãng đường hơn 500km, ai nấy đều bùi ngùi xúc động vì được hòa vào dòng người đến viếng các anh hùng liệt sĩ trong những ngày trọng đại của đất nước.
"Đứng lặng yên trước nghĩa trang, đứng trước những phần mộ chưa xác định được tên tuổi, tôi không khỏi xúc động nhớ đến các anh hùng liệt sĩ. Dù chưa xác định được tên tuổi nhưng các anh đã sống mãi trong lòng dân tộc, trong lòng người dân Việt Nam", ông Huyền bộc bạch.
Tại Điện Biên, những chương trình văn hóa nghệ thuật đặc sắc, quy mô lớn được tổ chức nhiều đêm, không chỉ ở TP Điện Biên Phủ mà còn ở các huyện xung quanh TP này.
Cảnh tượng quen thuộc trên những đường phố là cứ tối tối người dân từ khắp ngả rồng rắn nhau đổ về tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ và quảng trường 7-5 để xem sơ duyệt, tổng duyệt lẫn trình diễn chính thức chương trình cầu truyền hình đặc biệt Dưới lá cờ quyết thắng (tối 5-5) và chương trình nghệ thuật Điện Biên Phủ - Mốc vàng lịch sử (tối 6-5).
Một điều đặc biệt, vì các chương trình diễn ra tại sân khấu ngoài trời với quy mô rất lớn, dàn dựng công phu, sử dụng công nghệ hiện đại, quy tụ nhiều nghệ sĩ lớn rất ít khi được tổ chức tại một TP vùng biên xa xôi nên người dân nơi đây lẫn khách du lịch đều rất háo hức đi xem từ sơ duyệt đến tổng duyệt. Chị Lan nhà ở phố Trần Can gần quảng trường 7-5 cho biết từ hôm sơ duyệt 4-5, tối nào chị và hàng xóm cũng dẫn các con tới xem.
Chương trình nghệ thuật Điện Biên Phủ - Mốc vàng lịch sử do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Điện Biên chủ trì tổ chức vào tối 6-5 được dàn dựng công phu, sử dụng nhiều công nghệ âm thanh, ánh sáng và thiết kế sân khấu hiện đại tạo khung cảnh hùng tráng, quy tụ dàn nghệ sĩ tài năng thuộc nhiều thế hệ.
Chương trình có sự tham gia của những ca sĩ trẻ được công chúng yêu thích như Tùng Dương, Hoàng Quyên, Dương Hoàng Yến, Tạ Quang Thắng...
Ngoài ra, những nghệ sĩ gạo cội như NSND Trần Hiếu, Quang Thọ và cả những nghệ sĩ từng là văn công biểu diễn trên chiến trường Điện Biên Phủ cách đây 70 năm đã mang đến nhiều cảm xúc cho người xem.
Với 14 tiết mục từ ca khúc, hợp xướng đến hoạt cảnh, đọc thơ về Điện Biên Phủ cũng như về quê hương, đất nước nói chung, các nghệ sĩ đã tạo dựng được một không khí linh thiêng, vừa cảm động lẫn tự hào, ngay tại nơi xưa kia là chiến trường ác liệt 56 ngày đêm "khoét núi, ngủ hầm" để làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu".
Xúc động hơn cả cho người xem là các tiết mục dàn dựng công phu, tái hiện những đoàn xe đạp thồ vận chuyển hàng cung cấp cho chiến dịch, hình ảnh hàng trăm chiến sĩ kéo pháo vào mặt trận Điện Biên Phủ, tái hiện trận Him Lam mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ... Đây có lẽ là lần đầu tiên người dân Điện Biên Phủ được trực tiếp xem một chương trình nghệ thuật hoành tráng như vậy.
Chiều 6-5 tại TP Điện Biên Phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, tỉnh Điện Biên tổ chức lễ gắn biển tên đường Tạ Quốc Luật. Dự buổi lễ có đại tướng Phan Văn Giang - ủy viên Bộ Chính trị, bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Cách đây 70 năm, một trong những chiến sĩ góp công vào chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy của dân tộc ta có anh hùng Tạ Quốc Luật (sinh năm 1925), người con của quê hương Thái Bình.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, với cương vị đại đội trưởng đại đội 360, tiểu đoàn 130, trung đoàn 209, đại đoàn 312, ngày 7-5-1954 ông Tạ Quốc Luật dẫn đầu một tổ xung kích gồm năm chiến sĩ đã tiến vào sở chỉ huy quân Pháp để bắt sống tướng De Castries (Đờ Cát) và bộ tham mưu của Pháp tại cứ điểm Điện Biên Phủ. Ngày 6-12-2004, ông được phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Để tưởng nhớ và tri ân công lao của anh hùng Tạ Quốc Luật, tỉnh Điện Biên đã đặt tên đường mang tên ông, nằm ngay cạnh hầm De Castries. Tuyến đường có chiều dài 1.110m, mặt cắt đường 13,5m, điểm đầu từ ngã ba cầu Mường Thanh, điểm cuối tiếp giáp ngã ba đi xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên.
Về Điện Biên, cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Huyền cũng như lớp lớp cựu chiến binh đều bày tỏ mong mỏi lớp lớp thế hệ mai sau phải biết trân trọng lịch sử, yêu lịch sử, hiểu lịch sử và tiếp nối truyền thống yêu nước của cha ông đã hy sinh sức người, sức của để giành được hòa bình, độc lập cho hôm nay.
Chiều 6-5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến dâng hương, dâng hoa tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ quốc gia A1 (TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2024).
Thủ tướng và đoàn công tác thành kính dâng hương tưởng nhớ, bày tỏ lòng tri ân, ghi nhớ công ơn các anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu, hiến dâng tuổi thanh xuân và sinh mệnh của mình trên mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng, làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ để giành lại độc lập, tự do của Tổ quốc, để đất nước nở hoa độc lập, kết trái tự do.
Trước đó, bà Trương Thị Mai - thường trực Ban Bí thư, trưởng Ban Tổ chức Trung ương - cùng các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng đến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ quốc gia A1.
Chiều cùng ngày, đoàn đại biểu Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng do đại tướng Phan Văn Giang - bộ trưởng Bộ Quốc phòng - làm trưởng đoàn đến dâng hoa, dâng hương, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ ở đền thờ liệt sĩ tại chiến trường Điện Biên Phủ và nghĩa trang liệt sĩ quốc gia A1.
Đại tướng Tô Lâm - bộ trưởng Bộ Công an - cùng đoàn Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an cũng đã đến dâng hương tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ ở đền thờ liệt sĩ tại chiến trường Điện Biên Phủ.
Trong số các quan khách quốc tế có mặt tại lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ có Bộ trưởng Quân đội Pháp Sébastien Lecornu.
Trước khi đến Điện Biên, ông Sébastien Lecornu đã có cuộc gặp gỡ với đại tướng Phan Văn Giang tại Hà Nội để bàn chuyện thúc đẩy hợp tác quốc phòng hai nước cho xứng tầm quan hệ Đối tác chiến lược Việt - Pháp. Đại tướng Phan Văn Giang chia sẻ rằng sự hiện diện của vị khách quý là minh chứng cho tinh thần khép lại quá khứ, hướng tới tương lai tốt đẹp, vì sự hợp tác phát triển giữa hai nước, hai dân tộc.
Chiều 6-5, người đứng đầu Bộ Quân đội Pháp đã đến thăm cụm di tích đồi A1, thăm di tích hầm tướng De Castries vào xế chiều. Cũng buổi xế chiều 7-5 đúng 70 năm trước, tướng De Castries tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Thời điểm ấy, Điện Biên Phủ gây choáng váng với chính trường nước Pháp, là một cú sốc đã để lại vết thương rất nặng trong lòng nước Pháp.
Nhưng vết thương nào rồi cũng đến lúc phải lành, khi đôi bên có thiện chí hàn gắn lại. "Điều làm tôi hết sức ngạc nhiên là không biết Tướng Võ Nguyên Giáp đã tốt nghiệp từ những trường, học viện võ bị cao cấp nào. Tôi hân hạnh được làm đối thủ của Tướng Giáp, được làm kẻ chiến bại trực tiếp của một người tài giỏi như Tướng Giáp" - De Castries viết sau đó.
39 năm sau ngày đội quân viễn chinh Pháp thất trận, vào tháng 2-1993, Tổng thống Francois Mitterrand thăm Việt Nam và ông đến Điện Biên Phủ. Cố Tổng thống Mitterrand là một người có duyên nợ với Việt Nam, từng gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Pháp năm 1946 nhưng không thể giúp chúng ta ngăn chặn được chiến tranh.
Tháng 5-1954, nghị sĩ trẻ Francois Mitterrand đã chất vấn gay gắt chính phủ của Thủ tướng Lanien về sự thất trận của quân đội Pháp tại Điện Biên Phủ, coi cuộc chiến này là một sai lầm của nước Pháp. Sau chuyến thăm Việt Nam, ông Mitterrand lên tiếng đề nghị Mỹ dỡ bỏ cấm vận đối với Việt Nam.
Năm 2013, Việt Nam và Pháp thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược. Và 5 năm sau đó, một chính khách khác của nước Pháp là Thủ tướng Edouard Philippe đến Điện Biên Phủ để làm một điều đặc biệt: đặt vòng hoa, thắp hương viếng các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang đồi A1.
Đến dự kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ lần này, cùng với Bộ trưởng Sébastien Lecornu còn có bà Patricia Mirallès - quốc vụ khanh phụ trách cựu chiến binh và ký ức chiến tranh của Chính phủ Pháp - cùng một số cựu binh.
Có mặt tại Điện Biên Phủ từ chủ nhật 5-5, bà Patricia Mirallès đã dự lễ bàn giao hệ thống chiếu sáng cầu Mường Thanh do Cơ quan Phát triển Pháp tại Việt Nam và thành phố Lyon tài trợ.
Cây cầu cũ khi xưa gắn với lịch sử nơi từng là chiến địa ác liệt hơn 2/3 thế kỷ trước, nay mang ánh sáng lung tinh của tình hữu nghị trên tinh thần khép lại quá khứ, hướng tới tương lai hòa bình, tươi đẹp.
Bà quốc vụ khanh mong muốn rằng món quà nhỏ này, cùng với các dự án hỗ trợ phát triển của Pháp tại Điện Biên, sẽ mang ý nghĩa thắp sáng, nối đôi bờ mối quan hệ hai bên. Trong cuộc gặp với bí thư Tỉnh ủy Điện Biên, bà Patricia Mirallès cho rằng tỉnh Điện Biên, Việt Nam đã làm tốt công tác giáo dục lịch sử cho thế hệ trẻ, giúp các thế hệ sau không quên lịch sử, song cũng có góc nhìn rất công tâm và đầy vị tha.
Trong chuyến thăm chính thức nước Pháp hồi tháng 11-2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát biểu rằng: "Việt - Pháp là mối quan hệ duyên nợ, trong lịch sử từng có lúc thế này, khi thế khác nhưng không bỏ được nhau".
Lời của ông đã nhận được những tràng vỗ tay nhiệt liệt của quan khách trong khán phòng. Lịch sử chiến tranh luôn đau thương, tàn khốc nhưng nó để lại cho chúng ta bài học hòa bình, bắc những nhịp cầu hữu nghị để đôi bên cùng thắng.
Tuổi Trẻ Sao
Thông tin tài khoản ngày
Tài khoản được sử dụng đến ngày | Bạn đang có 0 trong tài khoản
1 sao = 1000đ. Mua thêm sao để tham gia hoạt động tương tác trên Tuổi Trẻ như: Đổi quà lưu niệm, Tặng sao cho tác giả, Shopping
Tổng số tiền thanh toán: 0đ
Thanh toánVui lòng nhập Tên hiển thị
Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Vui lòng nhập mã xác nhận.
Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Mật khẩu không đúng.
Thông tin đăng nhập không đúng.
Tài khoản bị khóa, vui lòng liên hệ quản trị viên.
Có lỗi phát sinh. Vui lòng thử lại sau.
Vui lòng nhập Tên của bạn.
Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Mật khẩu phải có ít nhất 6 kí tự.
Xác nhận mật khẩu không khớp.
Nhập mã xác nhận
Đóng lạiVui lòng nhập thông tin và ý kiến của bạn
XVui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Vui lòng nhập Họ & Tên.
Vui lòng nhập Ý kiến của bạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận