Giờ ra chơi không điện thoại của học trò THPT Thanh Hòa (Bình Phước)

Thứ ba, 08/10/2024 20:58 (GMT+7)

Nhằm khuyến khích học sinh gắn kết với nhau, thầy Nguyễn Tiến Dương (giáo viên chủ nhiệm lớp 11A10, Trường THPT Thanh Hòa, Bình Phước) đề xuất thực hiện mô hình giờ ra chơi không điện thoại.

Giờ ra chơi không điện thoại của học trò THPT Thanh Hòa (Bình Phước)- Ảnh 1.

Hành lang lớp học nhộn nhịp trong giờ ra chơi - Ảnh: NGUYỄN TIẾN DƯƠNG

Đề xuất này nhận được sự ủng hộ từ phía nhà trường và phụ huynh. Tập thể lớp 11A10 Trường THPT Thanh Hòa đã trang bị chiếc tủ gỗ nhỏ, có khóa cẩn thận. Đầu buổi học, học sinh sẽ bỏ điện thoại vào tủ, cuối buổi mới nhận về. Việc kiểm tra số lượng, đảm bảo nề nếp sẽ do lớp trưởng phụ trách.

Giờ ra chơi không điện thoại của học trò THPT Thanh Hòa (Bình Phước)- Ảnh 2.

Đầu buổi học, những chiếc điện thoại được tắt nguồn, xếp gọn trong ngăn tủ và khóa kín - Ảnh: NGUYỄN TIẾN DƯƠNG

Trước khi bỏ điện thoại vào tủ, học sinh được hướng dẫn tắt nguồn để phòng sự cố cháy nổ. Nếu có việc đột xuất muốn gọi về nhà, các bạn sẽ được hỗ trợ. Phụ huynh nếu muốn liên hệ với con có thể gọi thẳng cho giáo viên chủ nhiệm hoặc ban quản lý học sinh.

Thầy Nguyễn Ngọc Huân (phó hiệu trưởng Trường THPT Thanh Hòa) cho biết, Ban giám hiệu đã triển khai thông báo hạn chế sử dụng điện thoại đến học sinh toàn trường. Ban giám hiệu và thầy cô Trường THPT Thanh Hòa cũng rất ủng hộ mô hình giờ ra chơi không điện thoại của tập thể 11A10. Thầy hy vọng mô hình sẽ được nhân rộng toàn trường trong thời gian sớm nhất.

Tạm biệt chiếc điện thoại trong giờ ra chơi, tập thể 11A10 tìm đến các trò chơi dân gian như đá cầu, nhảy dây, chơi ô ăn quan, cướp cờ... Những trò này vốn rất quen thuộc, gắn liền với tuổi thơ, nhưng trong thời đại công nghệ, dường như chúng đã bị lãng quên.

Thầy Dương chia sẻ, các trò chơi dân gian vừa giúp học sinh vận động, tăng cường sức khỏe, vừa tăng cường sự kết nối trong tập thể lớp. Tùy vào trang phục của mỗi buổi học, các bạn sẽ chọn chơi những trò phù hợp để không ảnh hưởng đến tác phong khi vào lớp.

Giờ ra chơi không điện thoại của học trò THPT Thanh Hòa (Bình Phước)- Ảnh 3.

Nhiều phụ huynh đã gửi tặng lớp những đồ vật cần thiết, khuyên con em mình để điện thoại ở nhà - Ảnh: NGUYỄN TIẾN DƯƠNG

Bạn Nguyễn Thị Quỳnh Uyên (lớp trưởng lớp 11A10) cho biết thời gian đầu, khi biết tin không được sử dụng điện thoại giờ ra chơi, nhiều bạn phản đối. Thế nhưng, sau khi nghe thầy phân tích và thử chơi một vài trò, các bạn đã dần thay đổi.

Hiện tại, giờ ra chơi của lớp 11A10 sôi nổi hẳn. Các thành viên tự chọn trò chơi mà mình yêu thích, chủ động tìm đồng đội chơi cùng. Các bạn có thể chơi ngay tại hành lang lớp học hoặc rủ nhau xuống sân trường.

Theo Uyên, đây chính là cơ hội để tập thể lớp ngày càng gắn kết và có nhiều kỷ niệm đẹp tuổi học trò.

Giờ ra chơi không điện thoại của học trò THPT Thanh Hòa (Bình Phước)- Ảnh 4.

Học sinh trường tập trung chơi vận động ở trường trong giờ ra chơi - Ảnh: NGUYỄN TIẾN DƯƠNG

Giờ ra chơi không điện thoại - phải kiên trì và quyết tâm

Cô Nguyễn Thị Dịu (giáo viên Trường THPT Thanh Hòa, Bình Phước) rất ủng hộ mô hình giờ ra chơi không điện thoại của tập thể 11A10. Giáo viên chủ nhiệm các lớp cũng đang tích cực triển khai các hoạt động vui chơi bổ ích cho học sinh lớp mình.

Trong giai đoạn đầu, có thể nhiều bạn không quen với sự vắng mặt của chiếc điện thoại trong giờ ra chơi. Thầy cô đã nghĩ đến điều này và xác định điều gì cũng cần có thời gian. Để giúp học sinh thoát dần sự phụ thuộc vào điện thoại thông minh, cần sự chung tay của nhà trường, gia đình và cả xã hội.

Nếu thầy cô quan tâm, có trách nhiệm và yêu thương học sinh, chắc chắn sẽ tìm được nhiều giải pháp, ví dụ xây dựng các nhóm sinh hoạt kỹ năng, nhóm trò chơi dân gian... Tất nhiên, các bên đều phải có sự kiên trì và quyết tâm.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM ban hành bộ tiêu chí Trường học hạnh phúc với 3 nhóm tiêu chuẩn về con người; dạy học và hoạt động giáo dục; môi trường.

    Trong đó, nhóm tiêu chuẩn về con người gồm 6 tiêu chí; nhóm tiêu chuẩn về dạy học và hoạt động giáo dục có 8 tiêu chí và nhóm tiêu chuẩn về môi trường có 4 tiêu chí.

    Xem thêm

    Đáp án: