Tranh thủ làm thêm trong hè, sinh viên cần lưu ý gì?

Thứ năm, 05/06/2025 16:54 (GMT+7)

Thay vì nghỉ ngơi, giải trí, nhiều bạn trẻ chọn đi làm thêm để tự chi trả học phí cũng như chi tiêu cá nhân.

Sinh viên tranh thủ làm thêm kiếm thêm thu nhập trong hè - Ảnh 1.

Bạn Mai Thảo (sinh viên Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn) làm thêm ở quán cà phê - Ảnh: KỲ PHONG

Thay vì nghỉ hè, sinh viên chọn đi làm thêm

Bạn Võ Khánh Minh (sinh viên Trường đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM) sẽ tiếp tục công việc làm thêm bán thời gian ở vị trí content creator cho một công ty chuyên về chạy quảng cáo và phần mềm trực tuyến trong mùa hè này.

Khánh Minh bắt đầu công việc này từ tháng 10 năm ngoái. Khi nghỉ hè, có nhiều thời gian rảnh, bạn muốn tập trung hơn cho công việc để học hỏi cũng như tích lũy kinh nghiệm.

Cô bạn cho biết mình tình cờ tìm thấy công việc này qua một nhóm tuyển dụng trên Facebook dành cho sinh viên. Là sinh viên ngành tiếng Anh thương mại, công việc này tuy hơi trái ngành một chút nhưng sau một thời gian tiếp xúc, Minh khá đam mê.

"Công việc giúp mình rèn kỹ năng viết nội dung, sáng tạo ý tưởng, nắm bắt thị hiếu khách hàng", Minh kể.

Do làm việc từ xa, Minh có thể linh hoạt sắp xếp thời gian biểu của mình. Bạn thường bắt đầu công việc vào buổi tối, từ việc lên nội dung truyền thông cho tuần. Sau đó, bạn viết bài, chỉnh sửa hình ảnh và đề xuất ý tưởng cho các chiến dịch truyền thông.

Mỗi ngày, Minh dành khoảng 4-5 tiếng để hoàn thành công việc. Thu nhập của bạn phụ thuộc vào khối lượng công việc làm ra. Ngoài ra, bạn còn được hỗ trợ thêm chi phí Internet hoặc quà tặng sản phẩm của công ty.

"Điều thú vị là mình được trực tiếp thử nghiệm những ý tưởng của mình trên mạng xã hội và theo dõi hiệu quả thực tế. Mình học được cách viết chuẩn SEO, quản lý fanpage, sử dụng các công cụ thiết kế cơ bản như Canva, cũng như hiểu thêm về hành vi khách hàng mục tiêu", Minh cho biết thêm.

Còn với Hoàng Mai Thảo (sinh viên Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM), bạn xin làm nhân viên bán thời gian tại một quán cà phê gần Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM.

Thảo bắt đầu làm công việc này từ cuối năm I, đến nay đã được hơn một năm. Hè này có nhiều thời gian hơn, nơi làm việc lại gần nhà, bạn dự định đăng ký ca nhiều hơn so với ngày thường.

Bạn kể một ca làm việc khoảng 4 - 5 tiếng rưỡi. Nếu làm ca sáng, bạn sẽ set up thiết bị điện, chuẩn bị nguyên liệu như trà, trân châu... Ca trưa thường sẽ bận rộn xử lý đơn hàng do nhiều công ty đặt nước uống với số lượng lớn. Còn ca tối sẽ phải kiểm tra nguyên liệu tồn để đặt hàng, vệ sinh các dụng cụ sau một ngày làm việc.

Thu nhập hiện tại của bạn là 24.000 đồng/giờ làm việc, tương đương 3 - 3,5 triệu/tháng. Ngoài ra, bạn còn được thưởng thêm vài trăm nghìn nếu không đi muộn quá 2 lần/tháng, không vi phạm quá 2 lỗi/tháng và tổng thời gian làm việc phải trên 100 giờ.

"Thời gian đầu làm việc hơi khó khăn, nhưng dần mình cũng quen. Chủ quán khá khó tính nên tụi mình cũng phải kỷ luật trong công việc.

Khi làm việc tại đây, mình học được cách giao tiếp với khách hàng, lúc nào cũng phải chừng mực, nhẹ nhàng. Ngoài ra, mình cũng học được thói quen gọn gàng, ngăn nắp", Thảo chia sẻ.

Làm thêm nhưng vẫn phải ưu tiên việc học, sức khỏe

Sinh viên tranh thủ làm thêm kiếm thêm thu nhập trong hè - Ảnh 2.

ThS Cù Xuân Tiến hiện là trưởng phòng tuyển sinh và công tác sinh viên Trường đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) - Ảnh: NVCC

ThS Cù Xuân Tiến (trưởng phòng tuyển sinh và công tác sinh viên Trường đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM) cho biết công việc làm thêm giúp sinh viên có thêm thu nhập để trang trải chi phí học tập, sinh hoạt.

Quan trọng hơn, các bạn sẽ rèn được kỹ năng quản lý thời gian, tính tự lập, khả năng giao tiếp, hiểu hơn về giá trị lao động.

Tuy nhiên, cũng có nhiều sinh viên không đi làm thêm mà tận dụng thời gian hè để hoàn tất các điều kiện tốt nghiệp như ngoại ngữ, tin học.

Theo thầy Tiến, dù thế nào, sinh viên cần xác định việc học là ưu tiên hàng đầu, đảm bảo hoàn thành tốt chương trình đào tạo, đáp ứng các chuẩn đầu ra...

Thầy cũng cho rằng nếu việc làm thêm ảnh hưởng đến kết quả học tập và định hướng nghề nghiệp lâu dài, ảnh hưởng đến sức khỏe, gây áp lực tâm lý kéo dài hay đơn giản là làm vì trào lưu thì không nên.

Nếu muốn làm thêm dịp hè, sinh viên cần:

- Lên kế hoạch cụ thể để phân bổ thời gian làm việc, nghỉ ngơi.

- Giới hạn giờ làm thêm, đặc biệt không nên làm quá 20 - 25 giờ/tuần để đảm bảo sức khỏe.

- Chọn công việc linh hoạt về thời gian.

- Ưu tiên các công việc làm thêm giúp phát triển kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm, xử lý tình huống hoặc có liên quan đến lĩnh vực nghề nghiệp tương lai mong muốn.

- Mỗi 1-2 tháng nên đánh giá việc làm thêm có ảnh hưởng tiêu cực gì không, từ đó điều chỉnh kịp thời.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: