Người trẻ khởi nghiệp với niềm tự hào Việt Nam

Thứ tư, 23/04/2025 20:49 (GMT+7)

Từ chiếc khăn mang họa tiết trống đồng đến khung ảnh lưu niệm các tỉnh, thành của cả nước, người trẻ Việt Nam đang âm thầm lan tỏa tình yêu đối với đất nước.

Người trẻ khởi nghiệp với niềm tự hào Việt Nam- Ảnh 1.

Chiếc khăn phiên bản "Khải Hoàn Sử Ký" do tự tay Anh Huy thiết kế - Ảnh: NVCC

Người trẻ thiết kế khăn để kể chuyện sử Việt

Từng theo học ngành Thiết kế nội thất (Trường đại học Kiến trúc TP.HCM) nhưng Anh Huy (một người trẻ 25 tuổi, ở Kiên Giang) chọn khởi nghiệp bằng cách ít ai ngờ tới: làm khăn thiết kế mang họa tiết lịch sử Việt Nam.

Anh tìm cảm hứng từ những trang sử và hiện vật văn hóa, với anh, mỗi chi tiết đều như một kho báu cần khám phá.

"Mỗi thiết kế là kết quả của quá trình đối thoại với quá khứ: từ việc nghiền ngẫm sử liệu, chuyển hóa thành họa tiết in trên vải, để kể lại câu chuyện dân tộc theo cách gần gũi, sinh động. Trong từng sản phẩm đều ẩn chứa một lát cắt của sử Việt" - Anh Huy chia sẻ.

Dự án Người Việt của anh gồm 3 phiên bản khăn: "Việt Tộc Huyền Đồng 1" (hoạ tiết trống đồng Ngọc Lũ, hoa văn thời Lý – sản xuất 54 chiếc, tượng trưng 54 dân tộc), phiên bản 2 Ver. +84 (thiết kế cải tiến, số lượng giới hạn 84 chiếc như mã vùng quốc gia) và "Khải Hoàn Sử Ký" (dựa trên 5 câu chuyện lịch sử được vẽ thành họa tiết tạo hình ngôi sao vàng trên quốc kỳ Việt Nam).

Hai phiên bản đầu anh in phi lợi nhuận, phiên bản "Khải Hoàn Sử Ký" được bán với giá 195.000 đồng. Sau hai đợt bán, 400 chiếc đã được tiêu thụ. Mỗi đợt, anh giữ lợi nhuận tối thiểu để bù đắp chi phí và trích một nửa lợi nhuận cho hoạt động thiện nguyện.

Động lực lớn nhất để anh tiếp tục hành trình sáng tạo và lan tỏa tinh thần yêu nước của mình chính là những tin nhắn từ du học sinh mong muốn có một chiếc khăn mang đậm dấu ấn Việt Nam để mang đi giới thiệu với bạn bè quốc tế.

Từ thiết kế bandana, áo in, đến khung ảnh, những người trẻ này đã tự tạo ra việc làm từ chính đam mê cá nhân. Họ là minh chứng rằng lao động không chỉ để kiếm sống, mà còn có thể tạo ra giá trị văn hóa, giá trị cộng đồng và hơn hết là giữ gìn tinh thần dân tộc trong một thế hệ đầy biến động.


Bộ sản phẩm thủ công 'Tự hào Việt Nam'

Trong khi đó, chị Đinh Huyền Trang (26 tuổi, ở Hà Nội) xuất phát làm nghề nhiếp ảnh và thiết kế tự do. Sau 5 năm lăn lộn với các dự án nhiếp ảnh cá nhân, Trang bắt đầu tự tay thiết kế, in ấn và sản xuất các món quà lưu niệm trong bộ sưu tập "Tự hào Việt Nam".

Người trẻ khởi nghiệp với niềm tự hào Việt Nam- Ảnh 4.

Các chuyến du lịch khắp Việt Nam là nguồn cảm hứng to lớn để Huyền Trang có ý tưởng làm nên những sản phẩm lưu niệm - Ảnh: HUYỀN TRANG

Sản phẩm gồm khung ảnh kỷ niệm 63 tỉnh thành, móc khóa nón lá. Ngoài ra, còn có khung ảnh "Tự hào Việt Nam" được thiết kế cho những bạn muốn thể hiện sự tự hào, hãnh diện về đất nước mình.

Chị Trang cho biết, khách hàng của chị thường là những bạn trẻ hoặc thân nhân của những người đang làm nhiệm vụ quốc gia.

Với Trang, áp lực lớn nhất khi sáng tạo sản phẩm mang tinh thần yêu nước là phải làm đúng. Chị luôn cẩn trọng kiểm tra thông tin, trao đổi kỹ với cộng sự để tránh sai sót.

Người trẻ khởi nghiệp với niềm tự hào Việt Nam- Ảnh 5.

Móc khoá nón lá vẽ cờ Tổ Quốc - Ảnh: HUYỀN TRANG

Chị cũng cho rằng việc lan tỏa lòng tự hào dân tộc có thể tồn tại dưới nhiều hình thức, miễn là được thực hiện bằng sự tôn trọng và nghiêm túc.

Dù làm việc độc lập và theo mô hình rất nhỏ, công việc hiện tại giúp Trang có nguồn thu ổn định, đồng thời duy trì đam mê lan tỏa văn hóa Việt. Trang đang lên kế hoạch mở rộng sản phẩm theo từng vùng miền, đưa cả những câu chuyện địa phương vào thiết kế để "mỗi khung ảnh là một lát cắt quê hương".

Ghi dấu ấn qua thời trang 

Lê Đắc Minh Trí (23 tuổi, ở Hà Nội) là chủ xưởng in thời trang. Cơ sở này do chính tay Trí gây dựng trong suốt 4 năm qua.

Các sản phẩm của Trí đều gắn liền với hình ảnh Tổ quốc như bản đồ Việt Nam, trống đồng, quốc kỳ… Trí chia sẻ muốn mỗi bạn trẻ mặc lên người một sản phẩm mang dấu ấn Việt, để thể hiện sự tự hào mỗi khi bước ra đường.

Trí hoạt động xưởng áo chủ yếu qua các nền tảng mạng xã hội, thu hút một lượng khách ổn định: những bạn trẻ yêu văn hóa truyền thống. Trong đó có học sinh, sinh viên muốn thể hiện tình yêu đất nước theo cách riêng.

Anh thường tìm cảm hứng thiết kế qua những chuyến tham quan bảo tàng và các di tích lịch sử. Bởi lẽ những nơi này thường có các hiện vật, câu nói giúp Trí khơi dậy ý tưởng.

Người trẻ khởi nghiệp với niềm tự hào Việt Nam- Ảnh 6.

Đây là chiếc áo đỏ mà Minh Trí tâm đắc - Ảnh: MINH TRÍ

Sản phẩm anh tâm đắc nhất là chiếc áo đỏ Việt Nam với hoạ tiết cách điệu ngôi sao. Áo số 2-9 tượng trưng Ngày Quốc khánh của đất nước. Sản phẩm được hoàn thiện thủ công trong 8 tiếng cùng đội ngũ.

Người trẻ khởi nghiệp với niềm tự hào Việt Nam- Ảnh 7.

Chiếc áo được nhiều bạn trẻ ưa chuộng - Ảnh: PRINTDEEVN

Trí cho biết, càng gần đại lễ 30-4, nhu cầu thị trường càng tăng đột biến khiến sản lượng sản phẩm tại xưởng tăng gấp 15-20 lần chỉ trong vòng một tháng. 

Dù quy mô còn nhỏ, nhưng những người trẻ mang tâm hồn Việt đều hướng đến phát triển lâu dài, có chiến lược mở rộng và nâng cấp chất lượng sản phẩm. Cứ thế, tình yêu đất nước, niềm tự hào dân tộc của các bạn cũng được lan tỏa khắp nơi.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: