Thứ bảy, 11/05/2024 06:44 (GMT+7)

Khi rùa biển ở Côn Đảo vào mùa sinh sản, nhiều tình nguyện viên trẻ đã đến đây để chăm sóc, bảo tồn rùa.

Tụi mình đi chăm rùa biển ở Côn Đảo- Ảnh 1.

Moi trứng rùa biển - Ảnh: NHI NHI

Khi rùa biển ở Côn Đảo vào mùa sinh sản, các trạm kiểm lâm phải hết công suất. Trước tình hình đó, Vườn quốc gia Côn Đảo kết hợp với IUCN Việt Nam (Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế tại Việt Nam) tổ chức chương trình tình nguyện viên bảo tồn rùa biển.

Khi đọc thông tin tuyển, bạn Phạm Thị Thanh Nhi đăng ký làm tình nguyện viên. Sau đó, bạn xách ba lô đến Côn Đảo - nơi có nhiều rùa biển nhất Việt Nam. Bạn đã có những ngày chăm rùa biển ở Côn Đảo vô cùng thú vị. Dưới đây là bài viết của bạn gửi về Mực Tím.

Hồi hộp canh rùa biển đẻ trứng

Nhiệm vụ của tình nguyện viên tụi mình là tuần tra bãi biển, trực rùa đẻ trứng, di dời trứng về hồ ấp, làm vệ sinh hồ ấp, thả rùa con về biển, tiếp đón, hướng dẫn khách du lịch..

Ca trực bắt đầu khoảng 8h, 10h tối, có khi 2h, 3h khuya, khi thủy triều lên. Đây là thời điểm rùa đẻ trứng. Khi đi dọc bờ biển, tụi mình phải căng mắt lên xem có dấu rùa lên bãi không.

Tụi mình đi chăm rùa biển ở Côn Đảo- Ảnh 2.

Những tình nguyện viên bảo tồn rùa ở Vườn quốc gia Côn Đảo - Ảnh: NHI NHI

Rùa biển đặc biệt nhạy cảm với âm thanh và ánh sáng nên khi đi trực, tụi mình không được sử dụng đèn hay nói chuyện lớn. Khi cần thiết có thể sử dụng ánh sáng đỏ nhưng rất hạn chế, không được chiếu thẳng vào mắt rùa. Phải sau vài ngày, tụi mình mới quen với bóng đêm, nhận biết được hướng di chuyển của rùa.

Tụi mình đi chăm rùa biển ở Côn Đảo- Ảnh 3.

Dấu rùa đi chuyển để lại trên bãi cát - Ảnh: NHI NHI

Khi phát hiện có dấu rùa, cả nhóm sẽ lần theo dấu vết. Lúc đó có cảm giác như đang tìm kho báu bởi đường đi của các “chị bầu” rất phức tạp. Có chị lao vào hốc cây, có chị luồn qua những cây dại mọc um tùm.

Quá trình lên bãi sinh nở của rùa biển thường diễn ra 2 - 3 tiếng. Rùa biển thường chọn chỗ cát mịn để đào, sau đó dùng vây sau đào sâu xuống 60cm làm tổ. Hai khâu này chiếm nhiều thời gian nhất, còn đẻ trứng chỉ khoảng 15 - 20 phút. Các anh kiểm lâm dặn tụi mình chỉ quan sát vị trí, tiến trình đẻ trứng và đánh dấu tổ, không được làm kinh động đến rùa.

Sau khi đẻ trứng, rùa biển mất khoảng 45 - 60 phút lấp tổ lại. Sau đó chúng di chuyển đi nơi khác, tạo thêm một chiếc tổ giả để đánh lạc hướng rồi mới về biển.

Tụi mình đi chăm rùa biển ở Côn Đảo- Ảnh 5.

Sau khi quạt cát, rùa mẹ linh hoạt dùng vây sau đào sâu xuống 60cm làm tổ sau đó đẻ trứng - Ảnh: NHI NHI

Mỗi rùa biển có thể đẻ từ 50 - 200 trứng tùy vào khả năng sinh sản, tuổi đời. Mỗi mùa sinh sản, một chị rùa có thể đẻ 4 - 5 tổ, để lại hàng trăm trứng.

Rùa là loài động vật đặc biệt, chúng có khả năng xác định nơi mình sinh ra. Các cá thể rùa cái khi trưởng thành sẽ quay về đúng bãi mình được thả để đẻ trứng dù có thể tận 30 năm sau. Đây là tập tính bất di bất dịch được mặc định trong gen DNA của loài sinh vật này.

Thế nhưng không phải lần lên bãi nào rùa biển cũng đẻ. Nếu không ưng ý với cái tổ đầu tiên mình đào, rùa biển sẽ đào đến cái thứ 4, 5 mới chịu đẻ trứng. Chưa kể, nếu nghe thấy tiếng động, nhìn thấy ánh sáng, rùa sẽ bỏ về biển, tạm “nghỉ đẻ”.

Tụi mình đi chăm rùa biển ở Côn Đảo- Ảnh 6.

Các tình nguyện viên moi trứng rùa biển mang về khu bảo tồn - Ảnh: NHI NHI

Bảo tồn rùa biển ở Côn Đảo

Công việc bảo tồn bắt đầu khi rùa biển đẻ trứng. Đầu tiên, tụi mình sẽ đánh dấu tổ bằng cành cây hoặc vật tương tự. Sau đó, tụi mình kiểm tra thẻ số của rùa, ghi chép để phục vụ công tác nghiên cứu. Nếu rùa biển chưa có thẻ sẽ được các anh kiểm lâm đo đạc chiều dài, chiều ngang rồi gắn thẻ, ghi chú cẩn thận.

Trứng rùa vừa đẻ có độ đàn hồi nhất định, sau 3 - 6 tiếng vỏ trứng sẽ cứng dần. Tụi mình không được di chuyển trứng trong thời gian đó. Sau khi rùa về biển, đợi đủ thời gian, cả nhóm sẽ bắt đầu công việc thú vị nhất nhưng cũng đòi hỏi nhiều kỹ năng nhất, đó là đào tổ, móc trứng. Tụi mình bắt đầu đào xuống 60 - 80cm, nhẹ nhàng đem từng trứng lên. Bạn không được sợ dơ bởi khi đào, bạn buộc phải nằm lăn trên cát, có khi phải chui cả đầu vào hố để lấy trứng.

Tụi mình đi chăm rùa biển ở Côn Đảo- Ảnh 7.

Kiểm tra các sọt đựng rùa - Ảnh: NHI NHI

Sau đó, nhóm sẽ kiểm tra, ghi chép số lượng trứng và di chuyển về hồ ấp trứng tại các trạm. Mục tiêu của tụi mình là bảo tồn trứng ở tỉ lệ cao nhất có thể so với trứng để lại tổ tự nhiên. Những tổ trứng tự nhiên thường bị tấn công bởi rắn, tắc kè, chim hoặc bị rễ cây mọc đâm qua, bị con người lấy trộm...

Có một điều đặc biệt là sau khi đẻ trứng, rùa mẹ sẽ không quay lại thăm tổ. Do đó, việc di dời trứng về hồ ấp tập trung sẽ đảm bảo tỉ lệ trứng được bảo vệ cao hơn, giúp tỉ lệ nở và sống sót của rùa con tăng lên. Trứng được mang về hồ ấp sẽ được chôn vào các tổ có điều kiện tương đồng với tổ trong tự nhiên (chiều rộng, chiều sâu)...

Trời sáng rồi, thả rùa con thôi

Thủy triều xuống hoặc mặt trời dần lên là lúc ca trực đêm kết thúc. Nhóm trực đêm trở về trạm nghỉ ngơi, nhóm trực sáng bắt đầu làm nhiệm vụ. Công việc của ca sáng là kiểm tra hồ ấp trứng, tổ rùa nở, vệ sinh hồ ấp, chuẩn bị thả rùa về biển, hướng dẫn du khách thả rùa...

Một tổ rùa sau khi đẻ khoảng 45 - 60 ngày sau sẽ nở. Khi được 45 ngày, các tổ sẽ được “úp sọt” để đảm bảo sau khi nở các bé rùa không bò lung tung. Những tổ nở, nhóm sẽ lấy rùa con, đồng thời hỗ trợ các bé rùa chưa ngoi lên.

Khi tiếp xúc với rùa, tụi mình đeo bao tay để tránh lây vi khuẩn, đồng thời cũng tránh tổn hại các bé rùa non nớt. Sau đó, tụi mình bế từng rùa con vào sọt đựng.

Hành trình thả rùa con về biển cũng vô cùng thú vị. Có em rất ngoan, có em thì tăng động vô cùng, chỉ cần nhấc sọt lên là chạy tứ tung. Rùa con sau khi nở đều được thả về biển ngay trong buổi sáng hôm đó. Phần hố rùa cũng sẽ được dọn sạch các vỏ trứng đã nở, các trứng không phôi, trứng nở không thành công hoặc các em rùa non kém may mắn... Số liệu từng loại cũng được ghi chú cẩn thận để tính toán tỉ lệ nở, phục vụ công tác theo dõi, nghiên cứu.

Tụi mình đi chăm rùa biển ở Côn Đảo- Ảnh 8.

Những chú rùa con tiến về phía biển - Ảnh: NHI NHI

Hoạt động thả rùa sẽ được thực hiện trước 8h sáng. Đây là lúc các loài động vật săn mồi (chim, cá lớn, cua...) chưa thức dậy, khả năng sống sót của rùa con sẽ cao hơn.

Trên thực tế, tỉ lệ sống sót đến tuổi trưởng thành của rùa biển cực kỳ thấp, chỉ 1/1.000 cá thể rùa con được thả về biển. Thế nên, công tác bảo tồn rùa biển rất cần thiết, nhất là khi số lượng rùa ngày càng giảm sút như hiện tại.

Những chú rùa con được thả về biển - Clip: NHI NHI

Hình ảnh hàng trăm cá thể rùa tí hon “lạch bạch” bò về biển trông vô cùng đáng yêu. Các em rùa chỉ bé bằng lòng bàn tay, nhưng ra đến bãi cát lại cực kỳ nhanh nhẹn. Chúng nhận biết tiếng sóng và sẽ đi theo âm thanh tự nhiên này để về biển. Khi đến mép nước, chúng tự động trở thành những vận động viên bơi lội cừ khôi.

Còn tụi mình, khi nhìn những chú rùa con về biển, trong lòng tụi mình dấy lên niềm vui khôn tả.

Fun Fact về rùa con

* Giới tính của rùa con không được quyết định ở trong bụng mẹ, trứng rùa khi sinh ra là trứng vô tính. Chính nhiệt độ cát trong 45 ngày ấp sẽ quyết định giới tính của rùa.

* Nếu nhiệt độ trung bình > 31 độ, phần lớn tổ sẽ nở ra rùa cái. Nhiệt độ < 29 độ, phần lớn tổ sẽ nở ra rùa đực. Nói một cách dễ nhớ thì cát nóng sẽ cho các em bé gái rùa, cát mát thì chúng ta có biệt đội các bé trai.

Viết về Chuyến đi thanh xuân, nhận nhuận bút hấp dẫn

Mời bạn chia sẻ về Chuyến đi thanh xuân của mình cùng Mực Tím và nhận nhuận bút hấp dẫn. Bài viết review, những trải nghiệm ấn tượng, những cảm xúc của bạn về vùng đất, con người hay bất cứ điều gì bạn tâm đắc về chuyến đi. Bài viết dài tối đa 1.000 chữ, kèm ảnh và clip (nếu có).

Ảnh và clip vui lòng không chèn chữ hoặc logo của bên thứ ba. Bài viết được sử dụng sẽ được nhận nhuận bút theo quy định của Mực Tím Online.

Bạn có thể gửi bài kèm thông tin cá nhân, số điện thoại liên lạc, email gửi kèm link ảnh/hoặc clip đã set quyền truy cập có thể chỉnh sửa qua email muctim@tuoitre.com.vn.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: