Hành trình nỗ lực của những trụ cột gia đình tuổi học trò

Thứ tư, 25/09/2024 14:25 (GMT+7)

Bạn Phạm Trí Hiếu (An Giang) và Đoàn Huỳnh Bích Tuyền (Kiên Giang) - hai gương mặt nhận học bổng Vì tương lai Việt Nam - gánh vác gia đình từ sớm.

Gương mặt nhận học bổng Vì tương lai Việt Nam Phạm Trí Hiếu và mẹ - Ảnh: NGUYỄN KHẢI

Gương mặt nhận học bổng Vì tương lai Việt Nam Phạm Trí Hiếu và mẹ - Ảnh: NGUYỄN KHẢI

“Nhà mình khổ quá, phải ráng làm!”

Nhà bạn Phạm Trí Hiếu (lớp 12, Trường THCS-THPT Bình Long) - gương mặt nhận học bổng Vì tương lai Việt Nam vừa qua - nằm sâu trong con hẻm nhỏ ở xã Bình Long, huyện Châu Phú (An Giang). Hôm chúng tôi ghé thăm, mẹ Hiếu đi bán vé số chưa về, cậu bạn thì đang mơ ngủ, đôi mắt sưng húp do tối qua phải làm ca đêm.

Hiếu làm thêm từ năm lớp 6. Công việc đầu tiên của bạn là chạy việc vặt trong chợ, từ sáng đến trưa kiếm được 30.000 đồng. Thời khắc cầm trong tay số tiền nhỏ ấy, Hiếu thấm thía sự cơ cực của mẹ: “Đi làm và kiếm được 30.000 đồng thật sự không dễ chút nào!”.

Hỏi Hiếu sao đi làm sớm vậy, bạn cho biết cha mình bỏ đi, để lại 4 mẹ con. Nhìn mẹ tần tảo nuôi 3 chị em ăn học, bạn không nỡ. Chưa kể, mẹ Hiếu còn bị suy giãn tĩnh mạch, rồi thiếu máu não nhưng mỗi ngày phải đi bán vé số từ 4h sáng đến 2h chiều.

Hành trình nỗ lực của những trụ cột gia đình tuổi học trò- Ảnh 2.

Bên cạnh việc đi làm, Hiếu còn đỡ đần việc nhà cho mẹ - Ảnh: NGUYỄN KHẢI

Những mùa hè sau đó, Hiếu lên Châu Đốc phục vụ quán ăn. Vào năm học, cậu bạn quay về Châu Phú, ngày đến trường, chiều tối đi phục vụ quán cà phê. Với giá thuê 10.000 đồng/tiếng, mỗi tháng Hiếu kiếm được tầm 2 triệu.

Gần 12h đêm Hiếu mới xong ca. Bạn xin chủ ngủ lại quán, rồi 4h sáng lọ mọ dậy, đạp xe về nhà, chuẩn bị sách vở đến trường.

Cứ thế, mọi chuyện diễn ra như một vòng quay cố định. Thấm thoát đã 6 năm Hiếu đi làm, san sẻ gánh nặng với mẹ mình. Vậy mà vẫn có những tháng cả nhà hụt tiền sinh hoạt.

6 năm, Hiếu có rất nhiều kỷ niệm, nhớ nhất là những lần bị khách phàn nàn, rồi bị chủ la rầy. “Gặp những tình huống đó mình chỉ cười cho qua. Nhà mình khổ quá, phải ráng làm, làm để sau này không bị chữ nghèo bao vây cuộc sống nữa”- bạn chia sẻ.

Hiếu thường tranh thủ giờ ra chơi ở trường hoặc giờ vắng khách ở quán để học bài, làm bài tập. Năm cuối cấp, bạn vẫn vừa học vừa làm, lại còn tham gia đội tuyển học sinh giỏi Toán.

Hầu như Hiếu không có thời gian rảnh, cũng không có bạn bè.

“Nhiều khi thấy thiệt thòi, nhưng nghĩ lại thấy bản thân vẫn quá may mắn vì mình còn nhà để ở, có sức khỏe để đi làm” - Hiếu tươi cười.

“Con thay mẹ lo cho gia đình”

Đó là câu nói mà Đoàn Huỳnh Bích Tuyền (lớp 12, Trường THPT Phó Cơ Điều, TP. Rạch Giá, Kiên Giang) nói với cha khi mẹ bỏ nhà đi. Năm ấy, Tuyền đang học lớp 9.

5 cha con quây quần trong căn phòng trọ nhỏ xíu ở đường Thiên Hộ Dương. Lương tài xế không nuôi nổi 4 đứa con đang tuổi ăn tuổi học, cha Tuyền đành bấm bụng đem đứa con út đi gửi.

Hành trình nỗ lực của những trụ cột gia đình tuổi học trò- Ảnh 4.

Bữa cơm đơn sơ của 4 cha con trong phòng trọ - Ảnh: NVCC

Nhà mình lúc đó khó khăn quá, tụi mình thường xuyên phải nhịn ăn nhịn uống. May mắn là em út được cậu mợ hai của mình nhận làm con nuôi” - Tuyền nhớ lại.

Nợ nần chồng chất, Tuyền quyết tâm phụ cha gánh vác. Hè lớp 10, lớp 11, cô bạn lên bến xe miền Tây làm phụ quán ca đêm, từ 7h tối đến 7h sáng. Cha Tuyền quen mấy cô chú trong bến xe nên cũng an tâm phần nào.

Cách đây 1 năm, gia đình Tuyền được địa phương hỗ trợ, xây cho căn nhà tươm tất. Nhà đã có, nhưng nợ vẫn còn. Tới kỳ đóng tiền lãi ngân hàng, chị em Tuyền chỉ ăn mì gói cầm cự qua ngày. Thế là Tuyền lại tranh thủ đi làm ở quán cà phê, quán ăn, shop thú cưng ngoài giờ học.

Ba vắng nhà thường xuyên, Tuyền đảm đương trách nhiệm chăm sóc đứa em trai giữa. “Lúc mẹ mới bỏ đi, em còn nhỏ, nghịch ngợm lắm. Nhiều lúc mình vừa la em vừa khóc vì bất lực” - Tuyền kể.

Hành trình nỗ lực của những trụ cột gia đình tuổi học trò- Ảnh 5.

Hôm chúng tôi ghé thăm, bữa tối của Tuyền chỉ là tô mì gói - Ảnh:NGUYỄN KHẢI.

Thầy cô thương Tuyền vì lúc nào bạn cũng tươi cười, hoạt bát, lại tích cực tham gia hoạt động trường lớp. Bạn chia sẻ với chúng tôi: “Buồn cũng không giải quyết được gì. Mình cũng đã hứa với cha sẽ thay mẹ lo cho gia đình để cha bớt buồn lo”.

Nỗ lực vươn lên của gương mặt từng nhận học bổng Vì tương lai Việt Nam

Tháng 3-2023, học bổng Vì tương lai Việt Nam đến với An Giang. Phạm Vĩ Khang khi ấy đang học lớp 12 Trường THPT Trần Văn Thành (huyện Châu Phú), là 1 trong 40 học trò được nhận học bổng. Sau cuộc chuyện trò, chúng tôi viết bài giới thiệu Khang trên Mực Tím số 14 năm 2023, tựa đề Cậu bạn nhặt chữ từ đống ve chai.

Và từ những con chữ “nhặt” trong đống ve chai ấy, Khang đã bước chân vào Học viện Hàng không Việt Nam, đúng như ước mơ bạn chia sẻ trên sân khấu lễ trao học bổng.

Cách đây một tuần, chúng tôi ghé trường thăm Khang. Bạn đang là sinh viên năm hai, và là gương mặt quen thuộc trong các hoạt động của trường.

Hành trình nỗ lực của những trụ cột gia đình tuổi học trò- Ảnh 6.

Vĩ Khang phụ cha mẹ phân loại ve chai buổi tối - Ảnh: CHÂU HÀ

Với Khang, thời khắc được đứng trên sân khấu lễ trao học bổng có ý nghĩa rất lớn. Bạn cảm nhận được sự quan tâm, thấu hiểu mà mọi người dành cho mình, từ đó có thêm động lực để vượt qua khó khăn, thử thách.

Ngoài Vĩ Khang, còn có rất nhiều thành viên của gia đình học bổng Vì tương lai Việt Nam đã bước chân vào giảng đường đại học, cao đẳng. Các bạn đang tiến gần đến ước mơ của mình, trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình mỗi ngày

Năm 2024, quỹ học bổng Vì tương lai Việt Nam trao tặng 200 suất cho học trò vượt khó học tốt ở 5 tỉnh: Thanh Hóa, Gia Lai, Bình Phước, Kiên Giang và An Giang, mỗi suất trị giá 5 triệu đồng do Công ty Cổ phần phân bón Bình Điền tài trợ. Chương trình trao học bổng dành tặng học sinh An Giang và Kiên Giang đã diễn ra vào ngày 20 - 21/9/2024. Đợt này, Mực Tím trao tổng cộng 80 suất (mỗi tỉnh 40 suất).

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: