Thứ hai, 30/06/2025 08:38 (GMT+7)

Đó là lời khẳng định của cô học trò người Nùng - Hoàng Thị Hồng Vui (lớp 12, Trường phổ thông DTNT huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông), gương mặt nhận học bổng Vì tương lai Việt Nam năm 2025 của Mực Tím

Tri thức là vôn quý, khó mấy cũng phải tìm - Ảnh 1.

Vui có vẻ ngoài xinh xắn, năng lượng tích cực - Ảnh:THẢO NGỌC

Nhà Vui ở thôn Thanh Sơn, xã Nam Xuân, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông. Gia đình 5 người sống dựa vào rẫy cà phê. Mất mùa liên miên, giá cả bấp bênh, cái nghèo cứ đeo bám mãi. Bố mẹ Vui phải bán dần miếng rẫy để trang trải cuộc sống, cuối cùng chỉ còn lại 3 sào.

Sau đó, họ thử xen canh tiêu vào rẫy cà phê. Nhưng thổ nhưỡng không phù hợp, mọi hy vọng tắt dần theo những trụ tiêu khô héo. Để có tiền lo cho gia đình, mẹ Vui khăn gói đi Tân Uyên (Bình Dương) làm thuê. Rồi chị gái Uyên đi học đại học xa nhà, em trai theo mẹ, nhà chỉ còn Vui và bố.

Năm lớp 6, Vui vào trường nội trú, một mình bố xoay xở. Cuối tuần, cô bạn vượt đoạn đường gần 20km về phụ bố việc trong nhà, ngoài rẫy, quan trọng nhất là để bố đỡ cô đơn.

Từ bé Vui đã quen với việc bẻ chồi, bón phân, cào bồn, hái cà phê, kéo ống tưới nước. Càng làm, cô bạn càng thấm thía nỗi vất vả của người nông dân, và càng trân trọng công sức của bố mẹ mình.

Dịp hè, trong lúc bạn bè tranh thủ nghỉ ngơi sau một năm học hành chăm chỉ, Vui lặng lẽ đi tìm việc làm thêm. “Mình đi hái cà phê, nhặt điều, nói chung ai thuê gì làm nấy. Cảm giác lần đầu cầm được đồng tiền do chính mình làm ra thật sự rất tự hào” - Vui kể.

Số tiền kiếm được trong hè, Vui tích góp mua quần áo, sách vở và một chiếc điện thoại để tiện lên mạng tìm kiếm thông tin, phục vụ việc học. Những thứ này nghe có vẻ bình thường nhưng với Vui, đó là cả hành trình cố gắng.

Tri thức là vôn quý, khó mấy cũng phải tìm - Ảnh 2.

Xa mẹ, lại học nội trú, Vui học được cách sống tự lập, việc gì cũng biết làm - Ảnh: THẢO NGỌC

“Mình học với tất cả lòng biết ơn. Học không chỉ để thoát nghèo mà còn để sau này lo cho bố mẹ, để mẹ không phải xa nhà, để bố có thể sống an yên. Mình tin điều kỳ diệu luôn dành cho những người dám ước mơ và không ngừng cố gắng” - Vui tâm sự.

Trò chuyện với phóng viên Mực Tím trong lúc con gái đang nấu cơm dưới bếp, chú Hoàng Văn Giáp rưng rưng: “Hai vợ chồng nói với nhau cố gắng kiếm tiền nuôi con học, để sau này tụi nó không phải vất vả, nghèo khó như mình”.

Tri thức là vôn quý, khó mấy cũng phải tìm - Ảnh 3.

Ngày nhận học bổng Vì tương lai Việt Nam,Vui mang theo nước xả vải do chính tay mình làm gửi tặng các bạn như món quà làm quen - Ảnh: VŨ

Giữa những lúc bộn bề nhất, khó khăn nhất, Vui vẫn chọn đến trường, bố mẹ Vui vẫn chọn cho con đi học. Với họ, tri thức là vốn quý, khó mấy cũng phải tìm.

Làm trụ cột gia đình khi đang đi học, có khó không?

Đó là câu hỏi chúng tôi dành cho Lê Duy Đạt khi gặp cậu bạn ở Trường phổ thông DTNT huyện Đắk Glong. “Dạ em thấy bình thường” - Đạt vừa cười vừa đáp.

Thế nhưng, để có thể thốt ra hai chữ “bình thường” đó, cậu bạn đã phải trải qua chặng đường đầy thử thách. Bố mẹ Đạt ly hôn cách đây 1 năm, giờ ai cũng đã có gia đình riêng. Đạt và em gái đều đang học nội trú, thỉnh thoảng về ở nhà bố và dì.

Còn em út đi theo mẹ. Từ hè lớp 9, Đạt xin bố cho mình theo phụ hồ. Cậu bạn tích góp hơn 2 tháng, mua được chiếc xe máy 50 phân khối để tiện đi lại.

Tri thức là vôn quý, khó mấy cũng phải tìm - Ảnh 4.

Ở trường nội trú, Đạt (bên trái) được bạn bè nhận xét là người hiền lành, tích cực -Ảnh: VŨ

Lên cấp 3, cứ cuối tuần, lễ, Tết là Đạt đi bốc đồ (vận chuyển bàn ghế, khung rạp lên xe tải) cho nhà hàng. Cậu bạn làm từ 7 giờ sáng đến 2, 3 giờ sáng hôm sau. Ngủ được mấy tiếng lại dậy đi làm tiếp.

Số tiền kiếm được, Đạt để dành phòng thân. Năm nào cậu bạn cũng trích ra một khoản để tổ chức sinh nhật cho mẹ, cho bố, mua quà cho các em. Với Đạt, dù không được trọn vẹn, nhưng gia đình mãi mãi là gia đình.

“Bố mẹ chia tay khi mình đã đủ lớn, đủ nhận thức, đủ cảm thông. Dù không tránh khỏi cảm giác mất mát, nhưng mình có thể nhanh chóng vượt qua” - Đạt tâm sự.

Đạt quan niệm, trụ cột gia đình không chỉ là về kinh tế, mà còn cả tinh thần. Đạt luôn cố gắng thay bố mẹ trò chuyện, dạy dỗ em gái, để cô bé yên tâm học hành. Cậu bạn ước mơ đậu vào Trường đại học Cảnh sát nhân dân. Đạt hình dung 5 năm sau, khi trở lại quê hương, mình đã trở thành một phiên bản Lê Duy Đạt nâng cấp - chững chạc hơn, tự tin hơn.


Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: