img

1.

Khoảng một năm trở lại đây, mẹ nó thay đổi nhiều đến chóng mặt. Tất cả đều là những thay đổi tích cực, song nó nhất thời chưa thể làm quen với hình ảnh khác xa mẹ-của-ngày-xưa. 

Dù chưa lý giải được cảm giác kỳ lạ len lỏi trong lòng mình dạo này, nó thừa nhận bản thân vui lây khi vô tình trông thấy nụ cười lấp lánh trên khóe môi mẹ vì mua được thỏi son đã thích từ lâu.

Mẹ cũng bắt đầu biết chăm chút vẻ ngoài bằng cách sắm sửa quần áo, sử dụng mỹ phẩm dưỡng da và không ngại đổi kiểu tóc vào mỗi dịp đặc biệt trong năm. 

Khuôn mặt mẹ vốn trẻ hơn tuổi thật, cộng thêm khoản đầu tư cho ngoại hình như vậy khiến mẹ đẹp lên trông thấy (dù mẹ trong mắt nó lúc nào cũng là người phụ nữ đẹp nhất trần đời).

Ngược lại, mẹ của ngày xưa luôn cảm thấy việc ăn diện hay trang điểm là không cần thiết. Mẹ đề cao sự giản dị đến nỗi chẳng buồn đánh chút son môi khi ra ngoài, càng không dám khoác lên mình bộ váy hay đi đôi giày trông có vẻ "xịn xịn".

Sau này, nó hiểu rằng sự giản dị của mẹ một phần đến từ đức tính chắt chiu như bao bà mẹ Việt Nam - không dám tiêu pha cho bản thân mà luôn đặt gia đình lên hàng đầu. 

Phần khác, nỗi tự ti sâu thẳm liên quan đến nghề nghiệp đã khiến mẹ đóng khung ý nghĩ: ngoại hình giản dị mới phù hợp với công việc lao động chân tay vất vả.

Thế là suốt bao năm, nó và em gái đã quá quen với hình ảnh mẹ đi đâu, làm gì cũng ăn mặc xuề xòa. 

Chị em nó không có vấn đề gì với điều này, chỉ thỉnh thoảng gợi ý vui là mẹ hãy thử thay đổi phong cách ăn mặc để làm mới bản thân, hoặc ít nhất là mua cho mình đôi giày hay chiếc áo trông kiểu cách một chút để diện vào những dịp lễ Tết hàng năm.

Lần nào nghe thấy vậy, mẹ cũng chỉ tặc lưỡi, bảo "ôi giời!". Hai chị em nó dở khóc dở cười, biết chẳng dễ gì thay đổi một người phụ nữ kiên định như mẹ nên đành thôi.

Ấy thế mà, một cuộc chuyển biến đã diễn ra trong mẹ từ lúc nào không hay. Kết quả là mẹ nó đã "lột xác" như hình ảnh bây giờ. 

Mẹ biết yêu bản thân hơn bằng việc tự thưởng cho mình những món quà xứng đáng với công sức lao động bấy lâu và sự hy sinh dành cho gia đình.

Hiện tại, mẹ đã san đều sự chú ý cho chính mẹ, thay vì chỉ tập trung vào gia đình và công việc như dạo trước. Nói cách khác, thế giới của mẹ từ nay sẽ có thêm một chỗ trống vừa đủ dành cho cả mẹ - vì mẹ xứng đáng được yêu thương.

2.

Trở lại với "cảm xúc kỳ lạ" mà nó đề cập ở đầu câu chuyện, nó đang trong quá trình diễn giải cảm xúc ấy thành lời để tỏ rõ lòng mình.

Ban đầu, nó tự vấn bản thân liệu cảm xúc ấy có xuất phát từ việc nó không muốn mẹ trở nên lạ lẫm như bây giờ không? 

Rồi nó phủ nhận điều này, bởi như vậy sẽ thật mâu thuẫn với niềm vui sướng khi trông thấy mẹ ngắm nhìn thỏi son mới mua trên tay, thậm chí mâu thuẫn với mong ước năm xưa của nó - muốn mẹ thử làm mới phong cách ăn mặc của mình.

Thế chẳng lẽ, cảm xúc ấy đến từ sự ích kỷ của nó, khi biết rằng tình yêu của mẹ đã san sẻ cho một bên thứ ba - lại chính là bản thân mẹ? 

Ý nghĩ khôi hài ấy đã bị nó gạt phắt ra khỏi đầu khi chỉ vừa thoáng xuất hiện trong tâm trí. Nó làm vậy không phải do nó thấy quá vô lý, mà vì nó tự sợ hãi ý nghĩ xấu xa đó lại chính là câu trả lời cho câu hỏi của mình.

Chẳng phải việc lo lắng mẹ yêu bản thân mà bớt để tâm đến sự tồn tại của con cái là điều nghe thật nực cười sao? Nó hẳn sẽ là đứa con không ra gì nếu lo lắng điều không đâu như thế. 

Nhưng khi một đứa con từ bé đến lớn luôn cảm giác mình là Mặt Trời được Trái Đất - ví như mẹ - xoay quanh, nỗi lo bị san sẻ tình thương cũng không phải không có lý...

Nghĩ đến đây, nó ôm đầu mình lắc mạnh. Có lẽ, nó không ích kỷ đến mức đấy đâu. Nó đã chứng kiến bao nhiêu nỗi khổ nghẹn ứ nơi khóe mắt mẹ, hằn thành vết đồi mồi trên tay và điểm bạc chân tóc đỉnh đầu. 

Nó thừa biết mẹ mình vất vả thế nào và việc bà có yêu bản thân quá mức cũng là điều hoàn toàn hợp tình hợp lý.

Nó cảm giác mình sắp khóc chẳng rõ lý do gì. Ngay lúc này, nó cần xin ý kiến của một người bạn để tâm trạng đỡ rối bời.

- Lần đầu tiên trong đời, chị nghe mẹ gọi điện và... xin tiền mình. Chị đã sốc rất lâu trước khi chấp nhận sự thật rằng có một số điều trong cuộc sống đã đến lúc thay đổi. 

Trước kia, mẹ đa phần lo ngược lại cho chị. Còn bây giờ, công việc bấp bênh vì suy thoái kinh tế không cho phép mẹ làm điều ấy nữa - Một người chị rất thân với nó đã nói ra câu chuyện này sau khi nghe nó giãi bày khúc mắc trong lòng mình.

- Vậy là chị cũng có "cảm xúc kỳ lạ" giống em? - Nó tròn xoe mắt, hỏi.

- Ừ, chị cũng thấy hơi khó chịu. Chị tạm gọi tên cảm xúc ấy như thế. Không phải vì chị không thể lo hay không muốn lo cho mẹ. 

Nhưng sự thay đổi đến từ những điều đã tồn tại quá lâu trước đó khiến con người ta nhất thời chưa thể thích ứng.

Nó hoàn toàn hiểu những điều chị nói với mình trong buổi trò chuyện hôm đó. Chị tài giỏi và hiếu thảo nên không có chuyện ngại chu cấp tài chính cho mẹ. 

Hơn thế nữa, đây còn là lẽ hiển nhiên khi con cái trưởng thành, đi làm và báo đáp cha mẹ. Vậy mà chị vẫn có thứ cảm xúc giống hệt nó. 

Dù cả hai chị em đều chưa chắc chắn lắm về tên gọi của cảm xúc này, nó cảm nhận rằng tâm trạng của chị và tâm trạng của nó đồng điệu ở góc độ nào đó.

Và rồi, nó quyết định thôi không truy tìm một danh xưng chính xác cho "cảm xúc kỳ lạ". Nó chỉ gán một lý do cho cảm xúc này đó là mình cần thời gian để làm quen với sự thay đổi.

Tản văn Mực Tím: Khi mẹ thay đổi- Ảnh 1.

Minh họa: PHÚC GIANG

3.

Sau hôm đó, nó còn nghĩ mãi về chuyện chấp nhận sự thay đổi. Mọi thứ nói đơn giản thì cũng chẳng đơn giản, mà phức tạp thì cũng không hẳn. 

Hiểu nôm na thì giống như việc chuyển nhà, chuyển trường, chuyển việc,... mỗi người đều cần thời gian làm quen với sự đổi mới và không tránh được cảm xúc nhớ nhung những gì thân thuộc ban đầu. 

Tuy nhiên, đó là những sự thay đổi bình thường trong cuộc sống mà ai cũng trải qua ít nhất một lần.

Nó từng nghe đâu đó nói rằng con cái không thuộc quyền sở hữu của cha mẹ, tức con cái được cha mẹ sinh thành và nuôi dưỡng nhưng chúng là cá thể độc lập có cuộc sống của riêng mình. 

Điều đó nghĩa là cha mẹ có thể ở bên khuyên răn, dạy dỗ con cái nên người nhưng nhất quyết không thể sống thay cuộc đời chúng.

Ví như một việc rất đơn giản là con cái nghịch ngợm dao nhọn và không may bị chảy máu tay, cha mẹ đâu thể nào chịu nỗi đau ấy thay chúng? 

Hay đến việc to lớn hơn là đưa ra các quyết định quan trọng trong cuộc sống, cha mẹ cũng không thể nào cất lên tiếng nói thay con mãi được - chúng sẽ phải trưởng thành và đứng trên đôi chân của mình, cầm lấy vô lăng mà chủ động lèo lái con thuyền cuộc đời.

Nhưng trước sự thay đổi đến ngỡ ngàng của mẹ, nó bắt đầu nhìn nhận vấn đề theo chiều ngược lại, rằng cha mẹ thật ra cũng không thuộc quyền sở hữu của con cái. 

Cha mẹ và con cái ở bên nhau kiếp này có lẽ là duyên từ kiếp trước, nhưng dù sống chung dưới một mái nhà, hai bên vẫn là những cá thể độc lập. 

Nói cuộc sống của cha mẹ và con cái tách biệt hoàn toàn khỏi nhau thì không đúng, nhưng rõ ràng là chẳng ai có thể sống thay ai và ai cũng có cho mình một khoảng trời riêng ngoài những lúc sinh hoạt chung.

Không biết mẹ có suy nghĩ gì về điều đó không, chứ thật tình nó chẳng có ý gì xấu. Có lẽ là nó đang mải ngỡ ngàng trước hình ảnh khác lạ của mẹ, hơn thế nữa là trước một người mà nó tưởng rằng thuộc về nó, mãi mãi chạy theo nó mà không để tâm đến bản thân mình.

Nhưng nay, mẹ nó đã sống vì mình nhiều hơn.

4.

Kết hợp với cuộc trò chuyện hôm trước cùng người chị nó quý mến, nó khẽ "à!" một tiếng vì đã hiểu ra nhiều điều.

Sự thay đổi của mẹ là quá trình chuyển hóa từ điều tiêu cực sang tích cực, trong khi những gì cần cố định thì vẫn vẹn nguyên như ban đầu. 

Bằng chứng là mẹ chăm chút cho bản thân nhưng chưa một giây nào để con cái phải chịu đói đấy thôi.

Vớ lấy chiếc điện thoại nằm cách đó không xa, nó truy cập ứng dụng của một sàn thương mại điện tử và quyết định đặt gì đó cho mẹ vui. 

Nó đắn đo hồi lâu rồi "chốt đơn" một đôi giày bệt có kiểu dáng trang nhã, rất thích hợp với lứa tuổi của mẹ để đi dạo phố hoặc tham gia những sự kiện quan trọng.

Xong xuôi, nó lao như bay xuống nhà và nói vọng vào trong bếp để mẹ nghe thấy: "Mẹ ơi, con mua tặng mẹ đôi giày. Shipper đến thì mẹ nhận hàng và đi thử xem có vừa không nhé!".

Dứt lời, nó lại chạy tót lên phòng chỉ vì ngại ngùng (một cách dở hơi) mà không biết rằng mẹ nó đang nấu canh đã đứng hình vài giây trước món quà bất ngờ của cô con gái nhỏ, rồi lại lặng lẽ mỉm cười lộ vết chân chim nơi khóe mắt.

Nồi canh chua cá lóc lúc này đã nghi ngút khói, thơm lừng hương dứa chuẩn công thức mẹ nấu.

Đấy, rõ ràng là tình yêu của mẹ dành cho con cái đâu có vơi đi mà đứa con ngốc nghếch của bà cứ phải lo sợ điều viển vông? Nó thậm chí còn được nhân đôi, nhân ba để vừa đủ san sẻ thêm cho một người không kém phần quan trọng khác.

Chính là mẹ.

MAI
PHÚC GIANG
NAM KHA


Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Truyện ngắn Mực Tím: Ngày thôi rực rỡ

    Truyện ngắn Mực Tím: Ngày thôi rực rỡ

    Chi về phòng trọ, đóng cửa lại, một mình trong không gian cô đơn ấy, ướt sũng nước mưa, nước mắt, bùn lầy và sự chán nản tận cùng. Chi gọi về cho mẹ, òa khóc như đứa trẻ.

    Truyện ngắn Mực Tím: Mùa xao xuyến

    Truyện ngắn Mực Tím: Mùa xao xuyến

    "... Những gì em cần làm là hãy cứ để yên, đừng động vào, đừng lật lại, qua năm tháng tự khắc sẽ có người thay thế vị trí ấy thôi. Tuổi trẻ bắt đầu bằng những khoảnh khắc nhỏ và kết thúc bằng những lời hứa. Này, Nguyên, sao em không lập ra cho mình một lời hứa rằng..."

    Truyện ngắn Mực Tím: Điều ước của Nữ Cường

    Truyện ngắn Mực Tím: Điều ước của Nữ Cường

    Nhớ đến mẩu giấy bao năm qua tôi vẫn cất trong một chiếc hộp nhỏ, giờ màu trắng của giấy đã ngả vàng, trong đó là những hàng chữ nguệch ngoạc.

    Những điểm đến không thể bỏ lỡ trong mùa thu Hà Nội

    Những điểm đến không thể bỏ lỡ trong mùa thu Hà Nội

    Hà Nội vào thu như một bức tranh sống động, đan xen giữa nét cổ kính và hiện đại, mang đến cho du khách những trải nghiệm khó quên.

    Truyện ngắn Mực Tím: Bài tập làm văn của em gái tôi

    Truyện ngắn Mực Tím: Bài tập làm văn của em gái tôi

    Tối hôm đó, khi cả hai nằm trên giường để ánh trăng rọi vào, tôi hỏi nó vì sao không viết về bố mẹ. Nó nói, em đã bày tỏ với bố mẹ nhiều rồi. Quan trọng là, em biết chị Nhi vẫn còn giận vì vụ cuốn sách, thế nên là he he he...

    Truyện ngắn Mực Tím: Bố và con gái

    Truyện ngắn Mực Tím: Bố và con gái

    Từ sâu thẳm trái tim mình, tôi muốn nói thật to, để cả thế giới nghe thấy rằng: "Cảm ơn bố đã sinh ra con, cho con một cuộc đời vẹn tròn, ý nghĩa".

    Truyện ngắn Mực Tím: Mắt Híp

    Truyện ngắn Mực Tím: Mắt Híp

    Màn đêm lặng lẽ đến. Tôi thậm thụt gói những tơ tưởng sượng sùng của mình gửi nhờ ánh trăng non. Mong sao mảnh tình si được hòa vào gió, vào trăng, lặng lẽ bầu bạn cùng nhỏ trong những đêm tối chơi vơi.

    Truyện ngắn Mực Tím: Dạo đêm cùng những đám mây

    Truyện ngắn Mực Tím: Dạo đêm cùng những đám mây

    Dường như vị ngọt đã tan vào đêm và lẫn vào giấc mơ ngọt ngào của ai đó để rồi lưu dấu trong trang nhật ký thân thương thầm kín.

    Truyện ngắn Mực Tím: Hoàng Hôn và Bình Minh

    Truyện ngắn Mực Tím: Hoàng Hôn và Bình Minh

    Sau này, việc "chậm lại một chút" của chúng tôi còn được áp dụng mở rộng đối với nhiều sự vật khác.

    Truyện ngắn Mực Tím: Hôm nay, một lần nữa

    Truyện ngắn Mực Tím: Hôm nay, một lần nữa

    Lâm đau khổ nghĩ tới khoảnh khắc cuối cùng hai người còn bên nhau như thể mới đây, nhớ những giọt nước mắt của Quyên rơi trên đôi má gầy. Cậu nhìn con búp bê rách, và thở ra thật dài...