img

Bến phà Sầu Đâu qua cồn Cỏ vẫn nhộn nhịp mỗi ngày đưa rước khách sang sông. Chiếc phà sắt chậm rì è ạch chạy qua sông, mấy chục năm rồi, cầu chưa thấy xây nên bà con mình chỉ trông cậy vào nó mà thôi.

Dòng sông lớn, nước chảy coi bộ lờ lững nhưng ra giữa dòng thì chảy rất xiết, những người dân làm nghề hạ bạc nơi đây cũng ngán khi nhắc đến con sông này.

Nước ôm cồn Cỏ, chảy đảo một vòng rồi đi thẳng ra vàm và hòa mình với biển. Nước đục ngầu nên bồi đắp cho xứ này phù sa trù phú, cây trái tốt tươi.

Nhưng mấy năm nay, nắng thét lửa mỗi mùa khô, làm những mảnh vườn phía sâu trong nội đồng đang hấp hối vì thiếu nước.

Xóm Sầu Đâu này cũng vậy, mấy năm nay cây trái tới mùa khô là thất thu, chết trụi, bà con ngậm ngùi nhìn cây mà không còn nước mắt để khóc, để buồn.

Nhà thằng Lũ cũng chẳng riêng gì, sống nhờ cây, nhờ vườn mà mùa nắng kiểu này con người còn khó sống huống hồ gì là cây.

Nội nó hay trầm ngâm nhìn vườn mít tơ mới mùa mưa còn mơn mởn mà mùa nắng này lại trơ cây, chỉ cần tầm tháng nữa không mưa hoặc không nước tưới thì coi như mất trắng. "Nắng kiểu vậy thì mưa cái nỗi gì", nội càm ràm.

Trông cậy vào vườn không được nên má nó quyết định trông cậy vào bến phà, sáng quảy gánh hàng rong ra bến bán đến trưa lại về.

Chiều thằng Lũ đi học về thì bán tiếp cho má nó về nhà phụ nội dọn vườn. Mới mười bốn tuổi mà trông nó dạn dày và rắn rỏi hơn những đứa trẻ trong xóm, chắc cái nghèo làm nó mau lớn để kiếm tiền.

Bà con qua phà thấy vậy thì thương hay mua giúp cho nó hết sớm rồi về nhà. Nhưng có bữa cũng ế thấy bà chứ giỡn, rồi nó và má lại tự an ủi mình bằng câu: "Buôn bán mà, bữa này bữa nọ chớ".

Câu ấy làm nguôi ngoai cái buồn thoáng hiện lên khi phà dừng lại lúc chạy chuyến cuối cùng.

Mười bốn tuổi, cái tuổi đáng ra phải lo học hành để sau này còn sướng cái thân nhưng với thằng Lũ và nhà nó thì chỉ có bươn chải mới đi học được.

Nhà nghèo, ba bỏ đi hồi vừa lọt lòng mẹ, gia cảnh vậy thì ai cho nó sung sướng bây giờ. Nhớ cái hồi má mới bán ở bến phà, nó bắt đầu nhen nhóm ý nghĩ phụ má nhưng má và nội không cho, má nói:

- Má lo được cho bây, nhiệm vụ bây cứ học thôi, được rồi.

- Sáng con học, rồi chiều con phụ má, có sao đâu.

- Rồi thời giờ đâu mà học bài.

- Má khỏi lo, con tính được hết á.

- Nhưng mà bây...

- Thôi con đi câu cá với thằng Cột.

Cắt ngang lời má, nó bỏ đi như muốn khẳng định lại cái quyết định này, nội cũng chẳng nói được gì, chỉ quay sang bảo má:

- Thôi kệ nó đi bây, còn nhỏ mà biết nghĩ vậy cũng mừng, để nó phụ bây, chứ má già rồi, hổng phụ được gì cho bây.

- Má yên tâm, má cứ ở nhà nghỉ đi, con lo được mà.

Ánh chiều ngoài sân rơi nhè nhẹ, nắng thủng thẳng phơi mình trên sân, gió vẫn còn giỡn nước ở đâu đâu chưa về đây kịp nên dù trời chiều nhưng vẫn nóng.

Cái nóng khiến người ta khiếp sợ, cái nóng khiến những con người dày dạn của xứ này phải lắc đầu.

Mỗi ngày chờ những chiếc xà lan ngậm đầy nước ngọt giải khát cho xóm mình, bà con vui như Tết, niềm vui mà trước đây họ chưa từng nghĩ tới trong đầu.

Bởi cái xóm giáp hai mặt với sông thì chuyện hổng có nước xài như là chuyện cổ tích, nhưng mấy năm nay, chuyện tưởng như khó tin ấy đã xảy ra, nước mặn bò vào, đẩy lùi mớ nước ngọt ít ỏi làm điêu đứng dân mình mấy bận tháng ba, tháng tư trời nổi lửa.

Truyện ngắn Mực Tím: Bụi phù sa- Ảnh 1.

Minh họa: PHÚC GIANG

Trời bắt đầu ngả chiều, nắng đã nguội dần, mặt trời thất thế sau một ngày hầm hố, chín đỏ chờ lặn xuống phía chân trời.

Những đám mây trắng tươi là đà bay như giận hờn ai mà cứ rị mọ nơi đất trời giao nhau bởi một đường kẻ đen không nhìn rõ.

Thằng Lũ đi câu về, đưa cá cho má mần phía sau, rồi ra trước thẫn thờ nhìn mây chiều nơi cuối xóm.

Mới lớp tám, nhưng những nỗi lo đời của nó đã hiện rõ lên khuôn mặt sạm đen rám nắng.

Nhà nghèo nên phải bươn chải, cái nghèo cướp đi của nó tuổi thơ sung sướng nhưng trả lại sự mạnh mẽ đương đầu cùng khó khăn, tính ra cũng hổng lỗ lã gì mấy.

Ngó mặt trời núp mình sau một đám mây to tướng, lát sau nó quay sang hỏi nội:

- Ba đâu nội?

Nội quay sang nhìn nó với ánh mắt đầy sự cảm thương, nước mắt chực trào ra, chảy dài xuống áo bà ba đen của nội, câu hỏi bình thường thôi nhưng nội đau hết biết.

Chính câu hỏi ấy đã chứng minh nó thiếu thốn tình cảm của ba, mỗi lần như vậy nội lại thấy thương cháu mình nhiều hơn và thấy đau hơn cái nỗi đau gia đình không êm ấm.

Trong nghèn nghẹn nuốt sâu vào lòng, nội trả lời ngập ngừng như sợ trả lời nhanh quá làm cháu mình giật mình rồi nó lại đau nỗi đau thiếu thốn.

- Hỏi quài vậy bây, ba bây đi lâu lắm rồi mà.

- Đi đâu nội?

Dường như những câu hỏi của nó không phải để biết thêm thông tin mà là cố khơi lại chuyện cũ để nó tiện bề trách móc ba nó hơn.

- Đi theo người ta.

- Vợ bé chứ người ta gì, nội.

- Ờ thì... mà bây nhắc chi chuyện đó. Hổng phải nội với má bây vẫn nuôi bây được sao?

Thằng Lũ im lặng, thẫn thờ ngó mấy con dơi bay ăn muỗi ngang qua nhà, sự im lặng của nó làm nội thấy không an tâm, nó trách ba nó chăng? Hay là hận?

Ai mà biết được, nhưng ít ra sự giận hờn ấy chứng tỏ nó là một đứa trẻ sống có tình, có nghĩa. Nội băn khoăn nên nói tiếp:

- Mà dù gì đi nữa thì bây cũng hổng được giận ba bây?

- Tại sao người sai lại được bao dung vậy nội?

- Nhưng ba bây có sai với bây đâu con, sai với nội, với má bây. Có can hệ gì đến bây. Chuyện người lớn để người lớn tính con. Ai sai thì mặc họ chỉ cần chúng ta sống đúng là được rồi con.

Nó lại im lặng, kéo không gian buổi chập tối thấp xuống, nội chỉ mong là nó hiểu cái cơ sự này, người lớn còn khó giải quyết với nhau thì con nít vướng vào chỉ thêm tội.

Sau bếp khói ôm nếp lá lãng đãng bay, vòng lên trước sân làm nó thấy cay cay khóe mắt. Nội lấy tà áo lau đi đôi dòng nước mắt đang rơi xuống, chạy dài trên những nếp nhăn chứng minh thời gian in hằn lên thân thể nội.

Có đôi lần nó cũng hỏi má về ba nhưng chỉ nhận lại được vài câu trả lời nghe rời rã và chẳng dính líu gì nhau.

Chuyện buồn nên hễ mỗi lần nhắc tới là má và nội đều khóc, ban đầu thấy lạ nhưng riết rồi nó cũng quen. Hàng xóm khen má hiền, khen nội cũng hiền, bởi chồng đi mà vẫn lo cho bà già chồng, lo cho con.

Còn nội thì con mình đi mà vẫn thương con dâu như con ruột, ba người nương nhau mà sống. "Con mình sai thì phải thương nó nhiều hơn chứ, nó cũng nuôi cháu nội mình chớ ai". Nội hay trả lời vậy khi nghe người ta khen nội hiền.

Xóm Sầu Đâu vẫn đang khát nước, bến phà vẫn lại qua hối hả, hồi đó chở người giờ thêm chở nước về nữa, cũng tiện ghê.

Nhưng những thùng nước ấy chỉ đủ cho mấy nhà trong vài ngày, chứ mà giải khát cho cả xóm này thì chỉ có trời mưa. Nhưng mùa mưa thì chưa tới, mùa hạn thì chưa qua, người khổ là bà con vì đang đói nước.

Nghe đâu trên Sài Gòn hay miệt trên gì hổm nay người ta đang chở nước về xóm mình miết, họ thương bà con đang khát. Những xe nước nghĩa tình nhưng sao thấy mênh mông hết biết, chỉ khi thiếu thứ gì thì người ta mới thấy thứ ấy quý dù nhiều hay ít.

Nhà thằng Lũ cũng được cho hai can nước hai chục lít. Mỗi nhà được người ta cho năm can, nhưng má thấy cái giếng nước nhà vẫn còn bơm lên được chút đỉnh nên chỉ lấy hai can thôi, nhường lại cho người ta đang thiếu thốn.

Mấy tháng nay bến phà vắng khách buổi chiều, chỉ loe hoe mấy người qua lại. Nắng này thì người ta cũng chẳng muốn đi đâu, bến phà đìu hiu nên gánh hàng rong của má cũng đìu hiu theo.

Những người xóm Sầu Đâu bắt đầu nhen nhóm cái ý nghĩ rời quê, trong họ bắt đầu chập chờn mấy ảnh hình tươi đẹp của Sài Gòn.

Họ nghĩ ở trên đó chắc hổng thiếu nước như dưới này, ở trên đó chắc hổng đến nỗi khổ như cái miệt đồng bưng này.

Hàng ngày đều có người è ạch vác ba lô lên đường, có nhà chẳng còn ai, có nhà hai người thì đi một. Dù chưa biết phải làm sao với cuộc sống mới đầy hứa hẹn, nhưng họ vẫn quyết định rời bỏ những dòng phù sa từng nuôi họ lớn, hôm nay những dòng phù sa ấy đã hóa bụi bay đi.

Cánh đồng chiều chỉ còn vài ánh nắng đâm xuống đất, rạ còng khô nằm trơ mình trong nắng, những vết cháy đốt đồng loang lổ màu đen của tro than tạo nên một bức tranh đồng quê êm ả. Chiều nay thằng Lũ cùng thằng Cột thả diều.

Dù có lam lũ bao nhiêu thì tụi nó vẫn còn là những đứa trẻ, vẫn có trong suy nghĩ mình những cuộc chơi.

Tụi nó hay ra đây thả diều mỗi mùa gặt xong, hai thằng cứ lam lũ cùng nhau bắt ốc, thụt hang cá thòi lòi, bắt vọp, cắm câu...

Bởi nhà nghèo như nhau nên hiểu được cái khổ của nhau mà cố gắng. Trong đôi mắt trong veo của tụi nó chưa đọng nhiều những cơ cực của cuộc sống mưu sinh, nên tụi nó rất hồn nhiên và vô tư.

Chiều càng xuống thấp hơn, nắng dần tắt đi sau rặng dừa nước, mấy con cò trắng đi ăn về muộn kêu nghe buồn hết biết.

Những cánh diều vẫn còn bay rất cao mặc cho trời đã chạng vạng. Thằng Lũ ngồi trên bờ đất khô queo, nhìn thằng Cột đi sửa dây diều.

- Mày có muốn đi Sài Gòn hông Cột?

- Đi chi ba? Thằng Cột trả lời, tay vẫn sửa sợi dây diều.

- Xóm mình người ta đi gần hết, ở đây sao sống nổi.

- Nhưng mà chắc gì mẹ mày, nội mày với cha mẹ tao cho đi đâu.

- Thì tìm cách.

- Mà đi chi mày ơi, người ta nói lên đó còn cực hơn dưới mình. Ở đây bắt cá, lội sông sướng thấy mồ.

Truyện ngắn Mực Tím: Bụi phù sa- Ảnh 2.

Thằng Lũ im lặng, không gian chỉ còn tiếng muỗi bắt đầu vo ve, thằng Cột cũng ngồi nhìn hai con diều lờ mờ trong nền trời sắp tối.

Suy nghĩ về cuộc đi ấy làm tụi nó thấy mình khó chịu quá chừng. Bộ muốn đi là đi sao, ai cho mà đi? Đi với ai?

Những câu hỏi dập dồn hiện lên, nó cảm thấy cái miệt sông nước này đã không còn giữ chân được nó nữa.

Cái hồi má tập bơi cho nó, uống mấy ngụm nước phù sa mà sướng quá chừng, cái hồi đi bắt cua bị kẹp tứa máu tay vậy mà vui hết biết, nhưng bây giờ những thứ ấy không còn hấp dẫn nữa.

Sài Gòn là thứ được nhắc nhiều nhất mấy tháng nay, bởi người bỏ đi ngày một nhiều.

Họ không chấp nhận cái chuyện đến nước mà cũng phải xài nhín lại, nước là thứ chảy đầy đồng, óc ách sắp tràn khỏi giếng, nhưng đó là chuyện của mười mấy năm về trước còn mấy năm nay, nước là thứ xa xỉ vô cùng.

Con người khát còn biết la làng lên kêu người khác giúp chứ cây cối thì tụi nó la đường nào, chỉ có thể chờ chết thôi. Thằng Lũ cũng bắt đầu muốn rời quê, từ hôm thả diều với thằng Cột về nó luôn nuôi ý định ấy.

Nhưng nó chẳng biết phải nói với má và nội như thế nào, nó luôn tìm cách để rời đi, một là nuôi thân nó và hai là nuôi má và nội.

Mấy đêm nay trằn trọc, nằm suy nghĩ cho cuộc đi của mình, nhưng nó chắc một điều là má và nội sẽ không bao giờ cho nó đi.

Cũng phải thôi, nó còn quá nhỏ so với đất Sài thành, đâu ra cái chuyện thằng nhóc mười bốn tuổi đòi đi Sài Gòn mần. Đã có rất nhiều người rời đi, kẻ nên ở lại thì ở lại, với thằng Lũ, nó còn không biết mình nên ở hay đi.

Ở đây thì lấy gì sống, một mình má sao nuôi nổi ba người nhưng nói làm sao để đi bây giờ. Bà con ở đây bây giờ thứ họ cần nhất không phải là tiền mà là mưa, chỉ cần mưa thì họ sẽ trở lại như xưa, cây trái lại phủ xanh xóm Sầu Đâu này và họ sẽ lại sống khỏe re.

Tối hôm ấy, nó ra bến phà ngồi nhìn con nước bị bóng đêm nhuộm đen xì đang chảy nhẹ. Bến phà chìm vào giấc ngủ, nước đang lớn, nhưng cũng không nhiều gì mấy.

Dòng sông vẫn ở đó, nhưng con nước năm xưa nay đã không còn ngọt nữa, mặn đi rồi. Chưa bao giờ phù sa khô đến vậy, nứt ra, vỡ vụn rồi bay đi hòa vào trong nắng, hóa bụi đường, đau lòng phù sa hết sức.

Trăng đêm nay lặn đâu mất biệt, con cò lạc đàn kêu nghe xơ xác một nỗi buồn. Lát nữa đây nó sẽ mang ba lô lên và đi, bỏ lại nơi này với bao nhiêu là kỷ niệm hồn nhiên.

Nó quyết định rồi, phải đi, cứ ghi lại bức thư cho má và nội là được rồi. Nó thấy má đã rã rời lắm rồi, những đêm dường như má thức trắng vì cái lưng cứ nhức, cái tay cứ đau.

Má đấm lưng thình thịch, từng tiếng vang ra như vỗ vào tim nó, nó thương má hết biết nhưng chẳng biết phải làm sao.

Có thể lên trên Sài Gòn nó sẽ lo được cho bản thân nó, nếu còn dư thì gửi về cho má, cho nội xoay xở trong nhà. Má đã gồng gánh bao nhiêu năm nay, bây giờ chắc má đã gần kiệt sức.

Đi vào nhà, mang chiếc ba lô lên, đi ra sân, nó nhìn lần cuối cùng cái nhà mà nó gắn bó bao năm trời, cái vườn, cái sân, chậu cây...

Bỏ lại cái sự học ở nơi này, nó nghĩ ra đời rồi học, bây giờ sống còn chưa nổi thì học sao mà vô.

Bỏ nơi đã dưỡng nuôi ký ức ngọt ngào của nó, có thể lâu lắm nó mới gặp lại nữa, có thể lần quay về gần nhất sẽ không bao giờ nhìn thấy những thứ ấy nữa. Suy nghĩ bâng quơ ấy làm nó chạnh lòng, hổng muốn đi.

Nửa đường ra bến xe, khi lòng còn đang lộn xộn, thằng Lũ nghe một tiếng nổ vang trời, mưa nặng hạt, mưa tầm tã, mưa vần vũ, mưa mịt mù phủ lấp lối đi vỗ lờ mờ do trời tối.

Cuối cùng trời đã mưa, đất căng mình uống nước. Thằng Lũ tắm mình trong làn nước mát của trời và vẫn đang rối bời tất dạ bởi ý nghĩ "ở và đi".

Hồi lâu, nó quay lưng trở về nhà. Bước chân nó ngày một nhanh.

NGUYỄN CHÍ THIỆN
PHÚC GIANG
NAM KHA


Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Nhìn lại những điều dễ thương trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024

    Nhìn lại những điều dễ thương trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024

    Cùng Mực Tím nhìn lại những khoảnh khắc đáng yêu trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 vừa qua nhé!

    1.001 kiểu ăn mừng sau kỳ thi tốt nghiệp THPT của teen

    1.001 kiểu ăn mừng sau kỳ thi tốt nghiệp THPT của teen

    Niềm vui của teen khi hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT chiều 28-6.

    Thi tốt nghiệp THPT: Đi thi căng thẳng nhưng ảnh đẹp không thiếu

    Thi tốt nghiệp THPT: Đi thi căng thẳng nhưng ảnh đẹp không thiếu

    Tổng hợp những hình ảnh đẹp của thí sinh trong hai ngày diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024.

    Truyện ngắn Mực Tím: Vầng trăng nhỏ nhắn

    Truyện ngắn Mực Tím: Vầng trăng nhỏ nhắn

    Dù vẫn gọi Hằng bằng tên như mọi người vẫn gọi, nhưng trong điện thoại, Phúc bí mật đặt biệt danh cho bạn là "vầng trăng nhỏ nhắn".

    Truyện ngắn Mực Tím: Túi thần kỳ

    Truyện ngắn Mực Tím: Túi thần kỳ

    Hơn cả những vật dụng bé nhỏ, điều Tân muốn gửi gắm trong chiếc túi ấy chính là sự quan tâm, chăm sóc và biết bao yêu thương dịu dàng. Cho Hân, cho những người thân yêu hay bất cứ ai cần được giúp đỡ.

    Truyện ngắn Mực Tím: Buồn một chút rồi thôi!

    Truyện ngắn Mực Tím: Buồn một chút rồi thôi!

    Nhưng bây giờ, sau cái chạm tay khi nãy, tôi nhận ra khoảng cách thật giữa biển và Mặt Trăng chưa khi nào quá xa, bởi ở giữa luôn có những ánh sáng lấp lánh nối kết lại với nhau. Để dù chuyện gì xảy đến, Mặt Trăng và biển vẫn sẽ ở thật gần.

    2k6 Trường THPT Bà Điểm đón tuổi 18 tại lễ tri ân và trưởng thành

    2k6 Trường THPT Bà Điểm đón tuổi 18 tại lễ tri ân và trưởng thành

    Sáng 23-6, Trường THPT Bà Điểm (huyện Hóc Môn) tổ chức lễ tri ân và trưởng thành cho học sinh khối 12 niên khóa 2021 - 2024.

    Hè đến, xách ba lô và đi Trà Vinh thôi bạn ơi!

    Hè đến, xách ba lô và đi Trà Vinh thôi bạn ơi!

    Trà Vinh là địa điểm lý tưởng để tận hướng không khí trong lành và nhìn ngắm cảnh đẹp.

    Teen Trường THPT Hồ Thị Bi tắm 'mưa thanh xuân' ngày chia tay

    Teen Trường THPT Hồ Thị Bi tắm 'mưa thanh xuân' ngày chia tay

    Dưới cơn mưa mùa hạ, teen Trường THPT Hồ Thị Bi đã có một buổi lễ tri ân và trưởng thành với nhiều nước mắt và giây phút lắng đọng.

    Truyện ngắn Mực Tím: Hải Long

    Truyện ngắn Mực Tím: Hải Long

    Chuyện tương lai, tạm tính sơ sơ vậy đã. Giờ tôi phải quay về thực tại với nhiệm vụ cấp bách hàng đầu: trang điểm thật xinh để lát cùng Long đi ăn mì cay, nhân tiện bàn về chuyến đi thực tập đây. Tạm biệt mọi người, hẹn gặp lại.