Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Vui lòng nhập Họ & Tên.
Tôi ghét nhất cái thời tiết nóng hừng hực và cái nắng vàng ruộm oi ả như chỉ chờ hun sấy khô con người ta sắt se lại này.
Tôi cũng ghét luôn cả những chiếc vỉa hè bé xíu chỉ đủ một người đi bộ với lổm nhổm hố to hố bé như cạm bẫy, chưa kể là những vệt trầu đỏ chót người ta nhổ toẹt ra tùy hứng. Tôi ghét cả tiếng quạ kêu thê lương khắp mọi nơi.
Từng đàn quạ đen đúa với đôi mắt sắc lẻm đậu chi chít trên những dây điện giăng ngang đường, chí chóe kiếm ăn khắp mọi bãi rác hay đất trống. Và điều tôi ghét nhất là những cơn mưa bất chợt đổ ào xuống mà chẳng hề báo trước.
Đúng vậy, trời đang quang, mây đang tạnh, nắng đang gắt gay và cứ thế mưa ào ào trút xuống giống như trò giễu cợt của ông trời. Hẳn ông ta hả hê lắm khi thấy biết bao người không dưng ướt sũng như chuột lột và chẳng được phép có sự phòng bị nào.
Tóm lại, tôi ghét tất cả mọi thứ thuộc về thành phố Yangon này - nơi tôi đang bất đắc dĩ phải sinh sống và học tập trong 3 năm.
* * *
"3 năm? Myanmar? Không, con không đi theo đâu! Bố không thể tới đó và làm việc một mình được sao? Tại sao nhất quyết chúng ta phải đi cùng bố?".
"Hạ Di, mẹ thông báo chứ không hỏi ý kiến con. Con chưa đến 18 tuổi nên vẫn thuộc quyền quản lý của bố mẹ".
"Nhưng...".
"Chúng ta cần bên cạnh bố vì ta là một gia đình. Và gia đình thì phải luôn bên cạnh nhau". Mẹ nhún vai ra dấu kết thúc hội thoại.
Ok, chỉ vì một lý do gia đình của mẹ mà mọi quyền lựa chọn của tôi trở nên nhẹ bẫng. Hẳn rồi, tôi sẽ không thể tranh luận với một người mẹ là giám đốc marketing.
Mọi lý lẽ của tôi sẽ nhanh chóng bị bẻ gãy vụn chỉ bằng vài luận điểm của mẹ, giống như chiếc cốc thủy tinh mong manh dễ dàng tan chảy trong ngọn lửa đỏ hừng hực.
Tôi cũng không hiểu tại sao mẹ có thể từ bỏ sự nghiệp đang lên như diều gặp gió với mức lương hiện tại gấp 3 lần bố chỉ vì một câu nói nhẹ bẫng trong bữa cơm tối:
- Diệu này, có lẽ sang tháng anh phải đi làm việc tại Myanmar 3 năm theo điều động gấp của cơ quan. Đó là đất nước đang xảy ra giao tranh nên nếu không muốn, em và con sẽ không cần đi theo anh.
- Vùng nào vậy anh? Mẹ vẫn cắm cúi ăn, bình thản hỏi.
- Thành phố Yangon em à.
Tạch tạch tạch, những chiếc móng tay sơn màu nude bóng loáng của mẹ thoăn thoắt gõ lên bàn phím điện thoại.
Mẹ vẫn chuyên chú vào màn hình, âm điệu đều đều: "Em tìm kiếm thông tin rồi, đó là khu vực an toàn... Em nghĩ cũng đến lúc nên nghỉ ngơi một chút rồi. Em và con sẽ đi cùng anh".
Lúc này mẹ mới ngẩng lên nhìn vào mắt bố và hai người trao nhau ánh nhìn đầy tin cậy. Bộp, chiếc cánh gà rán trong tay tôi rơi xuống mặt đĩa.
Thế còn tôi? Cuộc sống của một cô bé vừa bước vào lớp 10, vừa gây dựng được một nhóm bạn thân có cùng sở thích đu idol BlackPink, vừa mới kịp gây chút ấn tượng với crush cùng lớp.
Không thể tin nổi họ vừa thống nhất một quyết định quan trọng đến vậy theo cách đơn giản như kiểu: "Tối nay ăn gì nhỉ?". Tôi ước bố đừng bao giờ là một cán bộ ngoại giao như hiện tại.
* * *
Khi tôi đang bực dọc ôm chiếc ba lô nặng trĩu của mình chắn trước ngực để tránh những hạt mưa sỗ sàng thì một cậu bé chừng 8 tuổi với chiếc áo cũ dính đầy nước mưa từ đâu đột ngột xuất hiện.
Cậu nhóc chìa những dây hoa lan dí sát vào mặt để mời mọc tôi mua. Nép sát thêm vào hàng hiên để khỏi ướt, tôi lắc đầu nguầy nguậy từ chối.
Cậu bé tiếp tục lân la nài nỉ, tôi gần như kiềm chế để khỏi phát cáu. "Toa!" (có nghĩa là đi đi). Một giọng trầm ấm vang lên và cậu bé chạy tót sang hàng hiên bên cạnh.
Theo phản xạ, tôi lập tức ngoảnh lại, trước mắt tôi là một chàng trai cao lớn có đôi vai siêu rộng và nước da ngăm đen đang nhìn tôi bằng đôi mắt thăm dò. "Thanks!". Tôi lí nhí.
Đã sang Myamar được nửa năm nhưng tôi nhất quyết không học nửa chữ Myanmar nào, trong khi mẹ tôi thì vô cùng hăng hái đăng ký "7749" lớp học giao tiếp.
Tôi cực lực phản kháng: "Con đang học trường quốc tế và chỉ cần sử dụng tiếng Anh là đủ. Dẫu sao, sau 3 năm bố cũng không còn làm việc ở đây nữa".
Mẹ tôi vẫn chưa bỏ cuộc: "Nhưng ở đây không phải ai cũng giao tiếp được bằng tiếng Anh, con sẽ không thể hiểu...". "Con chẳng cần hiểu họ nghĩ và nói gì!". Sẽ chẳng có nhượng bộ nào nữa. Có gì hay ho khi phải cố hòa nhập với một nơi có nhịp sống như phim tua chậm?
Mỗi khi tôi chứng kiến cảnh đồ ăn được shipper giao trên những chiếc xe đạp cũ kỹ, tôi khẳng định chắc nịch mình sẽ không bao giờ nuốt nổi những món ăn nguội ngắt đó. Cũng như việc tôi sẽ không bao giờ thuộc về nơi này.
- Cậu uống nước dừa không?
Thật bất ngờ khi một quả dừa xiêm đầy hấp dẫn chìa ra trước mặt tôi cùng lời mời bằng tiếng Anh với ngữ điệu siêu chuẩn. Tôi vội vàng đỡ lấy quả dừa từ tay cậu ta và nhanh chóng hút một ngụm thật lớn:
- Ngon quá, cậu thật tốt bụng! Tôi nhoẻn cười, cố tỏ ra duyên dáng.
- 2 nghìn kyat. Cậu ta chìa tay ra trước mặt tôi, hóa ra cậu ta là người bán hàng!
Miếng nước dừa bỗng trở nên đắng nghét trong miệng. Với gương mặt sa sầm, tôi cố móc tiền lẻ trong mọi ngăn ba lô. Tôi bối rối khi nhận ra mình vẫn thiếu 200 kyat nữa mới đủ. Tôi tự lẩm bẩm bằng tiếng Việt: "Ai kêu không báo giá trước khi bán".
Dường như có thể đoán được tôi đang nói gì, cậu ta nhận nắm tiền lẻ trong tay tôi, xua tay: "Được rồi, mai qua trả nốt cho tôi!".
Nói rồi cậu ta nhanh chóng kéo chiếc xe đẩy mini chất đầy dừa toan bỏ đi. Ý nghĩ bị bỏ rơi lại một mình dưới hiên nhà xa lạ khiến tôi thoáng lo lắng. Thôi thì có người đợi tạnh mưa cùng vẫn hơn là không.
Tôi vớt vát níu kéo: "Cậu không ở lại à, cậu đã bán hết dừa đâu?".
Cậu ta gạt vài lọn tóc lòa xòa trên trán rồi ụp chiếc mũ lưỡi trai lên đầu, phóng xe đi: "Mỗi ngày tôi chỉ cần bán được 20 quả dừa là đủ. Cậu là khách hàng cuối cùng rồi".
Tôi hét to để át tiếng mưa: "Nhưng trời đang mưa to mà!". Kíttt. Chiếc xe phanh lại đột ngột.
Cậu ta cười và hất hàm sang hàng hiên đối diện, tôi nhìn thấy chiếc lúm đồng tiền lấp ló: "À uống nước xong đừng vứt quả dừa đi. Hãy đưa cho thằng bé Pyin bán hoa lan, nó mê ăn cùi dừa lắm. Thế nhé!". Bóng lưng rộng dần biến mất trong màn mưa trắng xóa.
Và đó là cách Lwin xuất hiện.
Tôi chẳng thể ngờ Lwin bằng cách nào đó đã chiếm gần hết thời gian rảnh sau giờ học của tôi. Kể từ ngày tôi quay lại trả tiền nợ thì bằng một thế lực nào đó, hôm sau tôi lại tới đó uống nước dừa và trở thành khách quen.
Theo dõi cách Lwin bán hàng cho dân địa phương cũng là một trò giết thời gian khá vui. Với mỗi người Lwin lại có một cách giao tiếp khác nhau, lúc bỗ bã, lúc hời hợt. Dù sao, nhìn cái cách người ta quay lại mua dừa mỗi ngày chứng tỏ mọi việc cũng ổn thỏa.
Cậu ta cũng chẳng buồn quan tâm cách tôi cố nhâm nhi quả dừa lâu nhất có thể để kiếm cớ ở lại quan sát. Bố tôi quá bận rộn với công việc, mẹ tôi thì lại luôn huyên náo khi chia sẻ các khám phá mới về phong tục nơi đây.
Ở quầy dừa này, không hiểu sao tôi lại thấy yên bình lạ kỳ. Một lần, khi nhìn Lwin lục tục dọn hàng khi bán hết quả dừa thứ 20, tôi buột miệng: "Tại sao cậu không cố ở lại bán tiếp, người ta vẫn còn đến mua nữa mà?".
Lwin chậm rãi trả lời trong khi thu dọn đám vỏ dừa rỗng: "Tôi chỉ cần kiếm đủ 2 bữa ăn thôi. Sau đó tôi về giúp mẹ nấu bữa tối".
Tôi cứng đầu: "Tôi nghĩ mẹ cậu sẽ thích cậu kiếm thêm hơn là quanh quẩn bên bếp đấy!". Lwin khó hiểu nhìn tôi: "Sao cậu biết? Cậu có phải mẹ tôi đâu. Cậu cũng nên về sớm đi kẻo bố mẹ lo".
Tôi tái mặt muốn cãi lại nhưng ánh mắt cương nghị của Lwin nhanh chóng làm tôi xì như quả bóng. Dần dà tôi hiểu tính cách của người Myanmar nhiều hơn qua những mẩu chuyện vụn từ Lwin.
Khi là câu chuyện bố cậu được cơ quan thưởng một chiếc điều hòa nhưng ông lại bán đi để mua một chiếc quạt chung cho cả nhà, số tiền còn lại dành cúng dường lên chùa.
Chuyện Lwin chọn học việc để trở thành huấn luyện viên gym thay vì theo học trường ngoại ngữ Yangon chỉ vì: "Ai biết sẽ phải nghỉ học để đi nghĩa vụ quân sự khi nào".
Hoặc là câu chuyện cả gia đình 8 người Lwin cùng chia sẻ một căn hộ 60m2 ở một khu tập thể cũ.
Đổi lại tôi cũng kể cho Lwin nghe những phiền toái của tôi khi bỗng dưng phải chuyển đến một nơi xa lạ, về việc bố mẹ không lắng nghe, về tình bạn hời hợt với nhóm bạn có những quốc tịch khác nhau ở trường.
Một buổi chiều mưa đến 4 lần, quầy dừa vắng teo, tôi lại phàn nàn trong vô thức. Lwin nhìn vào mắt tôi thật sâu:
- Di này, cậu quá phức tạp. Tại sao cậu lại để quá nhiều thứ bên ngoài chi phối đến hạnh phúc bên trong cậu? Hạnh phúc đơn giản nằm ở cách cậu đối xử với chính mình thôi. Thật không công bằng khi cậu luôn muốn bản thân mình phải buồn bực vì những thứ vốn dĩ chẳng liên quan mấy đến mình.
Trong tiếng quạ kêu khắc khoải xen lẫn tiếng mưa rơi, câu nói của Lwin bất giác trở nên thật rõ ràng. Tôi và Lwin không ai nói thêm gì nữa, chỉ đơn giản là ngồi im lìm nhìn mưa. Mọi thứ rối rắm trong đầu tôi dường như đã được cuốn trôi sạch theo trận mưa.
"Thật đáng ghét khi phải thừa nhận cậu ta đã đúng!" - phiên bản một tôi-đơn-giản thầm lẩm bẩm. Đã đến lúc, tôi nên hạnh phúc rồi.
Tuổi Trẻ Sao
Thông tin tài khoản ngày
Tài khoản được sử dụng đến ngày | Bạn đang có 0 trong tài khoản
1 sao = 1000đ. Mua thêm sao để tham gia hoạt động tương tác trên Tuổi Trẻ như: Đổi quà lưu niệm, Tặng sao cho tác giả, Shopping
Tổng số tiền thanh toán: 0đ
Thanh toánVui lòng nhập Tên hiển thị
Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Vui lòng nhập mã xác nhận.
Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Mật khẩu không đúng.
Thông tin đăng nhập không đúng.
Tài khoản bị khóa, vui lòng liên hệ quản trị viên.
Có lỗi phát sinh. Vui lòng thử lại sau.
Vui lòng nhập Tên của bạn.
Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Mật khẩu phải có ít nhất 6 kí tự.
Xác nhận mật khẩu không khớp.
Nhập mã xác nhận
Đóng lạiVui lòng nhập thông tin và ý kiến của bạn
XVui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Vui lòng nhập Họ & Tên.
Vui lòng nhập Ý kiến của bạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận