Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Vui lòng nhập Họ & Tên.
Trời mùa hạ giống như tính cách của nhỏ bạn thân tôi vậy, bất chợt lúc này lúc kia, không thể hiểu nổi. Lúc mưa hạt to, hạt nhỏ, rả rích, lộp độp, sấm sét uỳnh uỳnh, chớp làm lóe sáng cả bầu trời đêm khiến mấy bé nhỏ sợ khóc oe oe.
Mưa suốt mấy ngày làm thối đất thối cát, mẹ tôi than vì tiếc mấy luống rau mới trồng mà mưa nhiều, ngập úng chết. Ngược lại, có những ngày nắng đổ lửa làm nghiêng vành nón mẹ đi cày đồng trưa về.
Nắng đến nỗi người ta cảm giác chạm vào cái gì cũng giòn tan, không muốn cử động, ngồi im mồ hôi mồ kê cũng đổ ra từng giọt, da tay da chân dính nham nháp tạo nên cảm giác rất bức bối.
Ai ai cũng mong trời đến chiều để ngả dịu đi cái oi ả, nhưng mặt trời thì lại không chiều lòng người, cứ như ông cụ tuổi bảy mươi đạp xe chầm chậm đi từ Đông sang Tây vậy.
Ngày hôm qua, mưa một trận lớn mà hôm nay sáu giờ sáng mặt trời đã lên cao qua cả hàng cau nội trồng ở vườn trước nhà làm ánh lên cả một vùng xanh biếc cây trong vườn.
Ở giữa sân, mẹ và nội đã phơi lúa từ độ nào không hay. Tôi ngẩng đầu nhìn bầu trời xanh trong, nghe thấy tiếng chim hót ở đâu xa xăm. Mọi thứ cứ yên bình đến lạ lẫm.
Trong căn nhà, chỉ còn mỗi mình tôi, lọ mọ xuống dưới bếp tìm gì đó để ăn cho qua cơn đói. Tôi mở hết vung mấy cái nồi ra nhưng chẳng thể tìm được thứ gì để lót vào dạ dày. Lại phải lật đật chạy qua nhà dì Sáu mua gói mì, quả trứng về đun nước nấu.
Dì Sáu, một người phụ nữ có dáng hình nhỏ bé, đôi mắt rầu rĩ. Người ta cứ hay gọi dì Sáu bằng bà vì những nếp nhăn ở khóe mắt dì, ở cách dì cẩn trọng đếm từng đồng tiền để trả lại tiền thừa cho khách, hay những bước chân chậm chạp của dì.
Dì mới ngoài bốn mươi, nhưng có lẽ thời trẻ với những mưu sinh nặng nhọc nuôi hai đứa con nhỏ, một người phụ nữ góa chồng, dì đã phải chịu nhiều mất mát. Dì nói:
- Hai gói mì Hảo Hảo và một quả trứng... 10 nghìn.
- Dạ!
Tôi sững sờ khi nghe dì nói giá vì quá rẻ. Dì mỉm cười khi thấy gương mặt ngơ ngác của tôi.
- Sao, đắt quá hả Thắm?
- Dạ không, cháu hơi bất ngờ vì rẻ quá. Trên thành phố, cháu mua như này cũng cỡ mười lăm nghìn.
Tôi lại thấy dì cười và không nói gì. Những con người như dì, những con người chân chất, thật thà, không tham vọng, không ganh đua hay ích kỷ cho chính mình.
Lấp đầy cái bụng rỗng, tôi đạp xe tới nhà thím Út. Đi dọc theo con đường nhỏ mọc đầy hoa. Gió thổi vù vù qua áo tôi. Một buổi sáng thật trong veo.
Tôi mải mê ngắm những chùm xoài trĩu nặng trên cây, hai ba con chào mào tíu tít trên cây trứng cá; tôi ngẩng lên nhìn thấy một đàn chim đang bay qua đầu mình, sung sướng liền đạp xe chạy theo coi chúng sẽ bay tới đâu.
Bỗng một con sông cắt qua đường tôi chạy theo đàn chim, giờ đây trước tầm mắt tôi đàn chim hóa thành một chấm đen chạm đến chân trời xa tít tắp.
Tôi vòng xe trở lại đường lớn, tiếp tục đến nhà thím Út. Đi qua một con chợ nhỏ, vòng sâu vào khu vườn cọ xanh bạt ngàn, nhà thím Út có cái ao nhỏ phía trước.
Tôi thoáng nhìn qua hàng rào thì thấy thằng Tũn đang đứng trên đống rơm mặc chiếc áo ba lỗ cộc, cái áo ngắn cũn để lộ ra cái bụng to, tay nó cầm kiếm được làm bằng tấm bìa cũ, choàng một chiếc khăn hoa màu đỏ nhìn y như tấm khăn trải bàn.
Còn Cúc Hương, chị thằng Tũn thì đang đứng ở dưới hét ầm ĩ kêu nó xuống vì đống rơm cao nên chẳng may ngã thì lại khổ. Thằng Tũn toang thấy bóng xe đạp của tôi liền từ từ tụt trên đống rơm xuống. Nhìn thấy tôi, nó nói với gương mặt phụng phịu:
- Trời! Chị Thắm sang mà em cứ tưởng mẹ về.
Con Cúc Hương nghe thấy thì phì cười khoái chí. Tôi dựng chân chống xe và lấy quả mít buộc ở yên sau đưa cho Cúc Hương.
- Thím Út có ở nhà không Cúc Hương?
- Mẹ em mới đi sang nhà Bác Tám có chút việc gì đó rồi ạ. Chị vào ngồi chơi một lát mẹ em về.
- Chị có mang quả mít sang cho thím, em cất đi hộ nhé!
Trong lúc hỏi Cúc Hương thì thằng Tũn đã lẻn vào nhà từ lúc nào không hay. Lúc ra, nó mang thêm một thanh kiếm khác cũng được làm bằng tấm bìa cũ. Thằng Tũn hớn hở chạy về phía tôi rủ chơi cùng. Nó hớn hở:
- Chị Thắm chơi cùng em. Em chơi một mình chán quá.
Trước nhà, Cúc Hương lại ngồi tỉ mỉ khâu những chiếc lá đã phơi khô lại với nhau trên khung nón đã được làm từ trước.
Nó mới chừng mười năm tuổi mà tay thoăn thoắt, nhìn trông điệu nghệ lắm, như là nghệ nhân làng nghề lâu đời vậy.
Thằng Tũn gọi réo tôi chơi rượt đuổi. Chúng tôi đùa cợt nhau trong khu vườn. Nhà thím Út xung quanh toàn vườn tược.
Thím trồng được nhiều sắn, hoa với vài luống rau theo mùa. Thỉnh thoảng, có cây sắn mọc xiên khiến tôi phải cẩn trọng đi qua không kẻo vấp.
Cuối khu vườn là hàng cây ăn quả, cây mít trông bé tẹo, cao hơn tôi một cái đầu, thân bằng bắp chân mà tôi đoán chừng cỡ mười quả mít non, bên cạnh là cây sấu ra hoa tựa như trùm một tấm voan làm cô dâu trong ngày cưới, mấy bông dâm bụt thì như lồng đèn trang trí cho ngày vui của “cô dâu sấu”...
Chúng tôi đuổi nhau ra đến gần cổng thì thấy bóng người phụ nữ. Tũn nhanh nhẹn la lên: “A... mẹ về”. Thím Út nhìn tôi nói:
- Thắm mới sang chơi hả?
- Dạ cháu mới qua.
Rồi thím lấy từ giỏ làn một ít bánh rán kêu chị em tôi đi rửa tay rồi vào nhà ăn. Thằng Tũn thấy thế cười tít mắt, lon ton chạy về phía giếng múc nước rửa tay thật nhanh. Tôi rửa tay xong vào nhà thì thấy Cúc Hương mặc áo dài trắng trông rất đẹp.
Nó còn lấy chiếc nón lá đã hoàn thành xong đội lên đầu, tay để ở trước bụng rồi đi đi lại lại. Tôi đoán nó bắt chước mấy cô thí sinh trong chương trình “Hoa hậu Việt Nam” mà mẹ với nội mới xem hôm qua. Nó trông thấy tôi liền hớn hở khoe:
- Mẹ mới mua cho em bộ áo dài mới để hết hè mặc đi khai giảng, đẹp không chị?
Tôi cười nói: “Ừm... đẹp lắm”. Rồi quay sang phía thím, băn khoăn hỏi:
- Ơ mà sao thím Út mua áo dài mới sớm thế ạ? Hình như còn hơn một tháng nữa mới vào năm học chính thì phải.
Thím Út đáp:
- Nay tháo đầm (1) cũng được khá, thím bấm bụng (2) cắt cho nó bộ áo dài vì đến lúc vào năm học lại phải đóng tiền này nọ thím sợ không đủ tiền mua.
Câu nói ấy cất lên trên gương mặt đang mỉm cười đầy lạc quan của thím Út nhưng nó lại khiến tôi lặng một lúc lâu nghĩ ngợi, bâng khuâng.
Tôi chợt nghĩ đến câu nói của nhân vật Lương trong truyện ngắn Bến đò xóm Miễu của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư: “Nghèo, cực nhưng mà vui lắm...”.
Dường như người dân nơi đây họ quen sống với việc dậy sớm lúc gà gáy, thổi một nồi cơm trắng ăn cho chắc bụng (3) rồi ra đồng, đôi chân lúc nào cũng lấm lem bùn đất, khô và nứt nẻ mỗi khi đông về.
Họ chẳng coi nghèo là cực, là khổ như những người khác nghĩ, mà đối với họ, đó là một niềm vui.
Tôi ngẩng đầu lên nhìn Cúc Hương trong tà áo dài trắng đang tạo dáng cầm tà trước, tà sau rồi còn lấy tay nghiêng nón, bất chợt nhớ tới câu hát của đứa bạn thích nhạc Phạm Duy.
Nó ngân nga hát cho tôi nghe mỗi khi chúng tôi hẹn nhau đi trà sữa cuối tuần, dù nó không thể hát đúng nhịp nhưng thú vui ca hát chắc sẽ không bao giờ bỏ được.
“Em ước mơ mơ gì, tuổi mười tư, tuổi mười lăm?
Em ước mơ em đẹp như trăng rằm tươi tắn
Thoa phấn son em mang chiếc áo dài khăn hồng
Em sẽ thi đua cùng với hoa khôi khắp vùng
Thật đẹp thay! Thật đẹp thay! Giấc mơ xinh
Thật đẹp thay! Thật đẹp thay! Giấc mơ xinh”.
(Tuổi mộng mơ - Phạm Duy)
Hồi tôi bằng tuổi nó cũng thích áo dài lắm. Được mẹ mua cho áo dài từ sớm nên ngày nào tôi cũng mở tủ quần áo ra ngắm đi ngắm lại, rồi mặc thử, bị mẹ mắng quá trời nhưng lâu lâu vẫn lén mẹ mở ra coi một chút xíu rồi đóng vào. Tôi bâng khuâng nhớ về những kỷ niệm thời học sinh của mình.
Do lên thành phố làm việc nên thím Út kể cho tôi nghe bao nhiêu là chuyện ở dưới quê. Ngồi nghe thím Út kể chuyện mà mãi không chán.
Đến khi đang mải nói chuyện, tôi bắt gặp ánh mắt mở to long lanh của thằng Tũn. Nó xoa bụng sà vào lòng mẹ nói:
- Mẹ ơi con đói bụng quá.
Tôi ngạc nhiên:
- Trời ơi, nãy em mới ăn năm cái bánh rán mà.
Tũn không nói gì mà cười khì khì, hai mắt tít cả lên. Thím Út ngoái lại nhìn đồng hồ treo trên bức tường phía sau lưng: “Thôi chết, đã hơn mười một giờ trưa rồi”. Thím lấy tay khều khều Cúc Hương ra hiệu xuống bếp phụ nấu cơm rồi quay sang phía tôi nói:
- Thắm nay ở lại ăn cơm với thím một bữa. Nay thím nấu canh tập tàng (4) cùng với tôm đồng ngon lắm.
Tôi cũng vừa kịp nhìn đồng hồ, nói với thím:
- Dạ cháu xin về nấu cơm hộ mẹ vì sợ mẹ ở ngoài đồng chưa kịp về.
- Vậy chiều rảnh thì sang chơi nhé!
Tôi nói lớn: “Dạ...”.
Chú thích:
1. Tháo đầm: rút cạn nước để bắt tôm cá.
2. Bấm bụng: trích một khoản tiền của mình để mua đồ cho ai đó.
3. Chắc bụng: no lâu.
4. Canh tập tàng: canh được nấu nhiều loại rau.
Tuổi Trẻ Sao
Thông tin tài khoản ngày
Tài khoản được sử dụng đến ngày | Bạn đang có 0 trong tài khoản
1 sao = 1000đ. Mua thêm sao để tham gia hoạt động tương tác trên Tuổi Trẻ như: Đổi quà lưu niệm, Tặng sao cho tác giả, Shopping
Tổng số tiền thanh toán: 0đ
Thanh toánVui lòng nhập Tên hiển thị
Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Vui lòng nhập mã xác nhận.
Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Mật khẩu không đúng.
Thông tin đăng nhập không đúng.
Tài khoản bị khóa, vui lòng liên hệ quản trị viên.
Có lỗi phát sinh. Vui lòng thử lại sau.
Vui lòng nhập Tên của bạn.
Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Mật khẩu phải có ít nhất 6 kí tự.
Xác nhận mật khẩu không khớp.
Nhập mã xác nhận
Đóng lạiVui lòng nhập thông tin và ý kiến của bạn
XVui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Vui lòng nhập Họ & Tên.
Vui lòng nhập Ý kiến của bạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận