Ngỡ ngàng với mâm cơm Tết Bắc bằng bánh ngọt y như thật của 9X Hà Nội

Thứ sáu, 03/01/2025 08:00 (GMT+7)

Chị Nguyễn Thị Thùy Dương khiến cộng đồng mạng trầm trồ thán phục khi tái hiện mâm cơm Tết Bắc chuẩn vị xưa từ bánh ngọt, kẹo đường.

Mâm cơm Tết Bắc của chị Thùy Dương: ngoại trừ chiếc mâm lớn là thật, toàn bộ mâm cơm được làm bằng bánh ngọt và kẹo đường - Ảnh: NVCC

Mâm cơm Tết Bắc của chị Thùy Dương: ngoại trừ chiếc mâm lớn là thật, toàn bộ mâm cơm được làm bằng bánh ngọt và kẹo đường - Ảnh: NVCC

Vừa qua, bài chia sẻ về mâm cơm Tết Bắc "Vị xưa" được làm từ bánh ngọt và kẹo đường của chị Nguyễn Thị Thùy Dương (Hà Nội) trong một hội nhóm đam mê nấu ăn và sáng tạo nghệ thuật đã nhanh chóng gây sốt mạng xã hội.

Chỉ chưa đầy 1 ngày đăng tải, bài viết thu hút hơn 6.600 lượt thích và gần 1.000 bình luận. Tác phẩm không chỉ khiến người xem trầm trồ bởi sự sinh động, chân thực mà còn gợi lên những ký ức đẹp về ngày Tết truyền thống.

Nhưng ít ai biết, mâm cơm đặc biệt ấy chỉ là một phần nhỏ trong hành trình sáng tạo nghệ thuật bánh ngọt đầy đam mê của chị Thùy Dương.

Bỏ công việc gắn bó 3 năm để theo đuổi đam mê

Chị Nguyễn Thị Thùy Dương (sinh năm 1995) hiện quản lý hai thương hiệu dạy làm bánh và kinh doanh bánh kem tại Hà Nội và TP.HCM.

Trước khi quyết định theo đuổi đam mê làm bánh, chị từng có 3 năm làm việc trong lĩnh vực ngân hàng.

"Niềm đam mê này đến với tôi từ thời sinh viên. Khi ấy, tôi thường tự học làm bánh qua các trang mạng. Sau này dù làm ngân hàng, tôi vẫn luôn nghĩ về bánh ngọt và những tác phẩm mình muốn thực hiện. Một ngày, tôi quyết định nghỉ việc để bắt đầu hành trình mới", chị chia sẻ.

Ngỡ ngàng với mâm cơm Tết Bắc bằng bánh ngọt y như thật của 9X Hà Nội- Ảnh 2.

Chân dung chị Thùy Dương - Ảnh: NVCC

Chị Thùy Dương bắt đầu sự nghiệp làm bánh từ những bước đơn giản nhất. Chị tự mày mò học hỏi, dần thử nghiệm các kỹ thuật phức tạp hơn, đặc biệt là phương pháp tạo hình nghệ thuật cho bánh.

Nói về mâm cơm Tết Bắc "Vị xưa" đang khuấy đảo mạng xã hội, chị cho biết bản thân đã ấp ủ ý tưởng từ rất lâu. 

"Ý tưởng này đã có từ cách đây 4 - 5 năm, tuy nhiên, tôi tự nhận thấy mình chưa đủ khả năng tái hiện mâm cơm một cách chân thực nhất.

Sau nhiều năm rèn luyện kỹ năng và có sự hỗ trợ từ các cộng sự, tôi quyết định thử lại. May mắn thành công biến ý tưởng thành sự thật và được mọi người đón nhận", chị Dương kể.

Khi bánh ngọt kể câu chuyện văn hóa cổ truyền

Điều làm nên sự khác biệt trong các tác phẩm của chị Thùy Dương là sự kết hợp giữa tính thẩm mỹ, thực tiễn (ăn được) và cảm xúc. Chị không chỉ tái hiện vẻ ngoài của các món ăn, vật dụng mà còn truyền tải những câu chuyện gắn liền với chúng.

Chẳng hạn, với mâm cơm Tết Bắc "Vị xưa", chị đã dành nhiều thời gian nghiên cứu và tái hiện chính xác từng chi tiết nhỏ như hoa văn trên bát, đĩa; màu sắc và vị trí bày trí của từng món ăn.

Ngỡ ngàng với mâm cơm Tết Bắc bằng bánh ngọt y như thật của 9X Hà Nội- Ảnh 3.
Ngỡ ngàng với mâm cơm Tết Bắc bằng bánh ngọt y như thật của 9X Hà Nội- Ảnh 4.
Ngỡ ngàng với mâm cơm Tết Bắc bằng bánh ngọt y như thật của 9X Hà Nội- Ảnh 5.
Ngỡ ngàng với mâm cơm Tết Bắc bằng bánh ngọt y như thật của 9X Hà Nội- Ảnh 6.
Ngỡ ngàng với mâm cơm Tết Bắc bằng bánh ngọt y như thật của 9X Hà Nội- Ảnh 7.
Ngỡ ngàng với mâm cơm Tết Bắc bằng bánh ngọt y như thật của 9X Hà Nội- Ảnh 8.
Ngỡ ngàng với mâm cơm Tết Bắc bằng bánh ngọt y như thật của 9X Hà Nội- Ảnh 9.
Ngỡ ngàng với mâm cơm Tết Bắc bằng bánh ngọt y như thật của 9X Hà Nội- Ảnh 10.

Các món ăn lẫn bát, đĩa đều được làm tỉ mỉ, chi tiết giống hệt như thật - Ảnh: NVCC

Ngỡ ngàng với mâm cơm Tết Bắc bằng bánh ngọt y như thật của 9X Hà Nội- Ảnh 11.

Miếng bánh chưng thực tế lại là... bánh kem - Ảnh: NVCC

Chị Dương tiết lộ có những chi tiết nhỏ như bát đĩa đặt thế nào, món ăn được sắp xếp ra sao,... chị không nhớ rõ vì đã quá lâu. Chị phải gọi điện về nhà để hỏi thêm. 

Mỗi người trong gia đình nhớ lại một chút, người nhớ hoa văn trên bát, người nhắc về cách bày món dưa hành, nem rán. Mỗi câu trả lời là một mảnh ghép giúp chị hoàn thiện mâm cơm.

"Các hoa văn trên bát, đĩa đều được tôi vẽ tay bằng màu thực phẩm an toàn. Những hoa văn quen mắt này khiến tôi cảm thấy như đang sống lại ký ức tuổi thơ", chị nói thêm.

Ngỡ ngàng với mâm cơm Tết Bắc bằng bánh ngọt y như thật của 9X Hà Nội- Ảnh 12.
Ngỡ ngàng với mâm cơm Tết Bắc bằng bánh ngọt y như thật của 9X Hà Nội- Ảnh 13.
Ngỡ ngàng với mâm cơm Tết Bắc bằng bánh ngọt y như thật của 9X Hà Nội- Ảnh 14.
Ngỡ ngàng với mâm cơm Tết Bắc bằng bánh ngọt y như thật của 9X Hà Nội- Ảnh 15.

Cà mèn, bát ăn và những đôi đũa gỗ đã cũ kỹ theo thời gian khiến nhiều người kinh ngạc, không tin đây là bánh, kẹo có thể ăn được - Ảnh: NVCC

Chị Dương cho biết phần lớn các sản phẩm do chính tay chị làm ra đều mang tính nghệ thuật, không phục vụ mục đích thương mại. Chúng là cách để chị thử thách và khám phá giới hạn sáng tạo của bản thân.

Mâm cơm Tết Bắc "Vị xưa" được chị Dương hoàn thiện trong 5 ngày với sự hỗ trợ từ 6 người khác. Theo chị, những thử thách trong quá trình thực hiện là "không thể kể hết".

"Làm sao để chiếc bánh chưng có những hạt gạo nổi trên mặt, hay miếng thịt quay có thớ thịt thật sinh động,… là những điều khiến mình suy nghĩ rất nhiều", chị Dương kể.

Dù vậy, chị nhận định những chi tiết nhỏ nhặt ấy chính là yếu tố quan trọng tạo nên sự chân thực cho tác phẩm.

Ngỡ ngàng với mâm cơm Tết Bắc bằng bánh ngọt y như thật của 9X Hà Nội- Ảnh 17.
Ngỡ ngàng với mâm cơm Tết Bắc bằng bánh ngọt y như thật của 9X Hà Nội- Ảnh 18.
Ngỡ ngàng với mâm cơm Tết Bắc bằng bánh ngọt y như thật của 9X Hà Nội- Ảnh 19.

Nhân nem rán là thịt băm, mộc nhĩ, cà rốt, hành hoa và nấm hương được làm từ... socola và kẹo đường - Ảnh: NVCC

Ngỡ ngàng với mâm cơm Tết Bắc bằng bánh ngọt y như thật của 9X Hà Nội- Ảnh 20.

Chị Dương làm gốm với nguyên liệu đặc biệt - Ảnh: NVCC

Đặc biệt, đây cũng là lần đầu tiên chị thử sức làm "gốm" bằng kẹo đường và vẽ tay hoa văn trên bát, đĩa - những việc không phải sở trường và trước đây chị cũng chưa từng làm qua.

Nhìn về tương lai, chị Thùy Dương mong muốn tiếp tục khai thác các giá trị văn hóa Việt Nam qua các dòng bánh cổ truyền. 

Chị cũng dự định tổ chức triển lãm "Vị xưa" tại Hà Nội nhằm giới thiệu mâm cơm Tết Bắc truyền thống đến với đông đảo công chúng hơn.

"Bánh ngọt với tôi không chỉ là món ăn mà còn là cách tôi kể những câu chuyện văn hóa, ký ức. Tương lai, tôi hy vọng sẽ làm thêm nhiều sản phẩm sáng tạo khác để mang nghệ thuật bánh ngọt đến gần hơn với mọi người", chị bộc bạch.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: