Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Vui lòng nhập Họ & Tên.
1. Chật vật mãi tôi mới về được đến nhà. "Combo" mưa cộng kẹt xe đã phá hủy một ngày yên ổn của tôi.
Quăng mình xuống ghế sofa, tôi khép hờ đôi mắt cho đỡ mỏi. Điện thoại bỗng vang lên tiếng thông báo tin nhắn. Là của Nhi.
"Cậu về đến nhà chưa? Có bị ướt mưa nhiều không?".
Sự quan tâm của Nhi khiến lòng tôi trở nên ấm áp, mặc cho cả cơ thể đang hơi run lên vì lạnh.
Nhi là cô gái tôi quen biết qua mạng xã hội. Cách đây một tháng, chúng tôi đã có dịp gặp mặt trực tiếp lần đầu tiên.
Sau lần đó, cả hai vẫn muốn duy trì kết nối thường xuyên nên tôi nghĩ đây là tín hiệu đáng mừng cho một mối quan hệ xa hơn nữa. Nhưng cụ thể là bao xa thì tôi không dám ba hoa quá nhiều.
Chỉ biết là chúng tôi có cùng tần số với nhau ở nhiều mặt, việc còn lại là để mọi thứ diễn ra thật tự nhiên mà không cần cố gắng gượng ép.
Trong lúc đợi Nhi nhắn gì đó tiếp sau tin nhắn hồi âm của mình, tôi lướt Facebook xem có bỏ lỡ tin tức nóng hổi nào không. Toàn là ảnh bạn bè chụp cùng ba của họ hoặc cả gia đình. Lạ thật.
Lướt thêm một vài bài đăng nữa, tôi mới hiểu ra hôm nay là Ngày của Cha, một dịp để mọi người bày tỏ tình cảm với ba mình.
Gương mặt tôi không biểu lộ cảm xúc gì nhiều.
2. Mối quan hệ của tôi và ba đã chẳng mấy tốt đẹp từ lâu. Chúng tôi khắc khẩu từ các vấn đề vụn vặt nhất trong cuộc sống cho đến những trận cãi nhau "long trời lở đất".
Đỉnh điểm là sự kiện ba mẹ ly hôn đã khiến mối quan hệ ấy dường như đi vào ngõ cụt mà không ai có thể cứu vãn được nữa.
Còn bây giờ, tôi và ba đã chuyển sang một giai đoạn mới: tách thành hai thế giới riêng biệt. Nó không phải kiểu chiến tranh lạnh thường thấy, bởi nếu như thế thì còn... cứu vãn được.
Tôi đoán vậy. Hai thế giới của chúng tôi tựa như hai bờ vực với đầy vết nứt trên bề mặt. Và ranh giới giữa chúng ngày một bị đẩy ra xa.
Nói cách khác, chúng tôi vốn không có tiếng nói chung và cũng không muốn cố gắng tìm kiếm sự đồng điệu nào từ những lần ngồi lại và chia sẻ vài điều giản đơn với nhau - việc mà những ông bố và cậu con trai khác thường làm.
Điều đáng sợ hơn cả là mọi thứ dần trở thành thói quen. Tôi cảm thấy ổn khi ba không quan tâm đến mình. Mẹ nghiễm nhiên trở thành bờ vai vững chãi cho đến khi tôi tròn 18 tuổi - cột mốc đánh dấu sự trưởng thành về cả mặt pháp lý lẫn tâm hồn của một chàng trai trẻ.
Chỉ đợi đến ngay sau hôm sinh nhật lần thứ 18, tôi tuyên bố với mẹ rằng tôi sẽ đi làm thêm và phụ giúp mẹ trang trải cuộc sống mà không cần đến ba.
"Hôm nay là Ngày của Cha đó Nhi".
Miên man trong dòng suy tư thế nào lại khiến tôi vô thức gửi đi một tin nhắn như thế cho Nhi. Không phải một thông báo, cũng không có ý định tâm sự quá nhiều.
Dẫu sao thì Nhi cũng đã biết mọi chuyện về gia đình tôi. Là một người không tùy tiện thể hiện những phút yếu lòng của bản thân cho một ai, song thật lạ là tôi đã nói ra hết cùng cậu ấy.
Cũng may là Nhi tinh tế và ấm áp, nói một cách khoa học hình như là người sở hữu trí thông minh cảm xúc.
Trong những trường hợp như hôm nay, Nhi đa phần chỉ yên lặng lắng nghe và tuyệt nhiên không đề cập gì ở những cuộc hội thoại sau. Nhi sợ vết thương trong tôi tấy đi tấy lại.
Quả nhiên, Nhi "seen" rất lâu sau dòng tin nhắn của tôi. Chắc có thể cậu ấy đang phải lựa chọn từ ngữ thật cẩn thận trước khi nhấn nút "gửi đi".
Tôi phì cười. Nhi thật dễ thương.
3. Mới 7 giờ sáng.
Tôi còn bận "nướng" thêm vài tiếng nữa trên chiếc giường thân yêu thì điện thoại bỗng reo inh ỏi. Mắt nhắm mắt mở đưa tay ra quờ quạng, tôi lập tức giật mình khi danh bạ hiển thị hai chữ "bà nội".
- Thái à, nội nè. Sáng nay con có bận việc gì không?
- Dạ dạ con chào nội. Sáng nay con không bận việc gì ạ.
Tôi cố nói chuyện bằng tông giọng tỉnh táo nhất có thể, cũng kịp quét qua thời gian biểu ngày hôm nay trong đầu trước khi trả lời câu hỏi của nội.
- Vậy nội nhờ con sang chăm ba con được không? Ba con hôm qua về trễ, bị ngấm nước mưa nên sinh bệnh. Nội bận lên chùa sáng nay, mà để ba con một mình vậy nội không yên tâm.
Tôi đã kịp thu nhận hết thông tin từ đầu dây bên kia, nhưng trong lòng dâng lên nỗi bâng khuâng khó tả. Và như để dằn bớt sự bâng khuâng ấy trong tôi, bà nội tiếp lời:
- Nội biết mối quan hệ của hai ba con không tốt. Bất đắc dĩ nội mới phải gọi cho con...
Xem ra tôi không thể từ chối nội trong hoàn cảnh "bất đắc dĩ" này. Hơn nữa, quan hệ của hai ba con tôi chẳng liên quan gì đến tình cảm tôi dành cho nội. Dẫu sao thì chúng tôi vẫn là người nhà mà nhỉ?
Thế rồi, tôi cố nén tiếng thở dài và đáp lại để nội thôi lo lắng từ nãy đến giờ: "Dạ, 15 phút nữa con qua xem ba thế nào".
Bây giờ thì tôi đang có mặt trước cửa nhà ba. Hít vào thở ra ba, bốn lần rồi mà tôi vẫn chưa thấy... "chỉ số" can đảm trong mình tăng lên là bao để đẩy cửa bước vào.
Nếu là giai đoạn còn xảy ra tranh cãi với ba, chắc tôi sẽ thấy rất giận dữ khi đối diện với ông. Còn đã "tách thành hai thế giới riêng biệt" như hiện tại, cảm xúc trong tôi theo đó mà bị thay thế hoàn toàn bằng sự ngại ngùng.
"Tới rồi sao không vô nhà?".
Khi còn đang mải... hít vào thở ra thêm vài lần nữa, giọng nói ồm ồm quen thuộc từ trong nhà vọng ra khiến tôi giật nảy người. Tôi nhận ra là ba đã gầy đi nhiều. Khuôn mặt hơi hốc hác, còn mái tóc điểm bạc cũng chẳng thèm nhuộm đen lại như dạo trước.
Ba đang cầm trên tay một cốc nước lọc, thứ nước mà trước giờ tôi thấy ba rất ít khi uống. Chủ yếu là trà và cà phê. May là ba vẫn nhận thức được nước lọc sẽ giúp ích cho mình trong những ngày cơ thể không khỏe.
"Tính đợi tao ra mở cửa, trải thảm mời vào hả?".
Tôi biết ba cố tình nói móc tôi, bởi ban nãy tôi đã qua nhà bà nội lấy chìa khóa sơ cua để chủ động vào nhà ba, đồng thời tránh cho ông không phải mệt mỏi từ trên tầng xuống để mở cửa.
4. Đây là lần đầu tiên tôi đặt chân vào nhà của ba, dù trước đó đã đi ngang qua đây không biết bao nhiêu lần. Nội thất ngôi nhà khá đơn giản và gọn gàng. Gọn gàng theo kiểu ba ít khi đụng vào. Cũng phải, vì ba tôi sống một mình lại hay đi sớm về khuya mà.
Duy chỉ có một điều khiến tôi không thể nào ưa nổi, đó là mùi thuốc lá như bấu víu vào tất cả ngóc ngách trong nhà. Có chỗ nặng mùi, có chỗ chỉ thoảng qua. Chắc là tùy vào việc di chuyển của ba.
"Bệnh mà vẫn không bỏ được thuốc" - Tôi nghĩ thầm.
Đợi cho ba lên lầu, tôi đi thẳng vào bếp và làm một số việc nên làm: rửa mấy chiếc bát từ hôm qua, xếp ít trái cây nội mua sẵn vào tủ lạnh rồi chuẩn bị thuốc cho ba uống.
Tôi cũng thử mày mò cách nấu cháo trắng đơn giản với thịt và lá tía tô, nhưng xem ra còn vụng về lắm. Chật vật mãi tôi mới cho ra được thành phẩm trông cũng... chấp nhận được.
Đoán ba giờ này chắc đã chợp mắt, tôi đành bưng cháo, nước lọc và thuốc lên tận phòng cho ba. Càng tiến gần đến phòng ông, mùi thuốc lá càng nồng nặc hơn.
"Ba bệnh mà còn hút thuốc nhiều vậy, cơ thể chịu sao nổi?" - Chẳng biết cơ thể ba có chịu nổi không, nhưng tôi là người không chịu nổi trước.
"Quen rồi, khó bỏ" - Ba đáp gọn lỏn, trong khi đôi mắt dán chặt vào khay đồ ăn trên tay tôi.
Bỏ qua vụ thuốc lá, tôi nói tiếp:
- Ba đói chưa, con vừa nấu xong ít cháo cho ba nè. Ba ăn cho ấm bụng rồi uống thuốc.
- Sao hôm nay tử tế vậy?
- Bà nội nhờ nên con phải làm đàng hoàng chớ.
- Thì ra là nể mặt bà nội nên mới đích thân tới đây.
- Sao cũng được mà ba.
Ba không nói gì, tôi cũng chẳng buồn đôi co thêm. Rồi ba cũng chịu cầm muỗng xúc vài thìa cháo.
- Cũng được đó.
- Gì ba?
Ba không trả lời. Nhưng tôi đoán là hương vị món cháo không đến nỗi nào. Tự nhiên thấy vui lạ.
Đợi cho ba uống thuốc xong xuôi, tôi mới thu dọn tàn thuốc lá vương vãi khắp sàn, để lại một tờ ghi chú dặn dò cho ba rồi toan xếp đồ đi về. Ngay lúc chuẩn bị đóng cửa phòng, tôi thấy ba cứ nhìn theo tôi và khuôn miệng hơi mấp máy.
Ba định nói gì với tôi chăng? Nhưng tôi đã không xác nhận bằng cách mở cửa ra và hỏi lại cho chắc.
Có vẻ như ba cũng không cần tôi làm điều đó. Bởi ngay sau khi quay lưng đi, tôi đã vừa kịp nghe thấy lời ba nói.
"Cảm ơn nghen mày".
5. Hôm sau. Mới 7 giờ sáng.
Tôi còn bận "nướng" thêm vài tiếng nữa trên chiếc giường thân yêu thì điện thoại bỗng reo inh ỏi. Mắt nhắm mắt mở đưa tay ra quờ quạng, tôi lập tức giật mình khi danh bạ hiển thị một chữ duy nhất: "ba".
- Sáng nay bận gì không mày?
- Dạ dạ ba hả? À sáng nay con không bận gì. Sao vậy ba?
Tôi cố nói chuyện bằng tông giọng tỉnh táo nhất có thể, cũng kịp quét qua thời gian biểu ngày hôm nay trong đầu trước khi trả lời câu hỏi của ba.
- Ờ thì... tính rủ mày đi ăn sáng á.
- Gì ba?
Dứt lời, tôi nhận ra bản thân đã khiến cuộc trò chuyện trở nên sượng sùng quá đỗi. Rất may là ba không tức giận mà chỉ nhắc lại lời vừa nói, xem như tôi chưa tỉnh ngủ nên nghe không rõ.
- Ăn sáng cùng ba không?
- Dạ dạ đi, ba.
Tôi cuống cuồng đáp, cứ như sợ bản thân chỉ cần chậm chạp một giây là ba sẽ đổi ý ngay lập tức. Hóa ra, bên trong tôi vẫn luôn tồn tại một đứa trẻ khát khao tình yêu thương của ba đến thế.
Ngồi bật dậy và vươn vai vài cái cho tỉnh hẳn, tôi không quên báo tin vui cho một người đặc biệt:
- Nhi ơi, ba mới rủ tớ đi ăn sáng sau rất nhiều năm!
- Tuyệt vời! Chúc hai ba con một ngày vui vẻ nha.
Lần này Nhi trả lời tin nhắn nhanh thật.
Tuổi Trẻ Sao
Thông tin tài khoản ngày
Tài khoản được sử dụng đến ngày | Bạn đang có 0 trong tài khoản
1 sao = 1000đ. Mua thêm sao để tham gia hoạt động tương tác trên Tuổi Trẻ như: Đổi quà lưu niệm, Tặng sao cho tác giả, Shopping
Tổng số tiền thanh toán: 0đ
Thanh toánVui lòng nhập Tên hiển thị
Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Vui lòng nhập mã xác nhận.
Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Mật khẩu không đúng.
Thông tin đăng nhập không đúng.
Tài khoản bị khóa, vui lòng liên hệ quản trị viên.
Có lỗi phát sinh. Vui lòng thử lại sau.
Vui lòng nhập Tên của bạn.
Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Mật khẩu phải có ít nhất 6 kí tự.
Xác nhận mật khẩu không khớp.
Nhập mã xác nhận
Đóng lạiVui lòng nhập thông tin và ý kiến của bạn
XVui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Vui lòng nhập Họ & Tên.
Vui lòng nhập Ý kiến của bạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận