img

Mười hai giờ trưa, tôi tan học tiết cuối. Không kịp chuẩn bị đồ ăn đem đi do lúc sáng dậy muộn, cũng không kịp trở về nấu món mì tôm trứng sở trường do buổi chiều có tiết học sớm từ một giờ, tôi đành ghé vào cửa hàng tiện lợi mua tạm ổ bánh mì.

Đang băn khoăn chưa biết chọn bánh nhân gì, tôi bỗng nghe tiếng người đàn ông nọ nói với bạn nhân viên:

- Cho chú mua ba chiếc bánh bao nhân xá xíu.

Theo phản xạ tự nhiên, tôi ngoái đầu lại nhìn thì thấy trước mắt mình là một chú trạc tuổi năm mươi, mặc bộ đồ công nhân màu xanh đang dùng khăn lau vội những giọt mồ hôi.

Hình ảnh quen thuộc ấy làm tôi nhớ bố da diết, cồn cào. Vài hôm nữa tới sinh nhật bố rồi, nay lại có thêm "sự kiện" đặc biệt này, tự dưng tôi muốn kể nhiều điều về bố quá.

* * *

Trước khi kể, để mọi người dễ hình dung, tôi xin phép giới thiệu đôi dòng "lý lịch trích ngang".

Tôi là chị lớn trong gia đình có ba "tiểu cô nương". Cộng thêm một "mệnh phụ phu nhân" nữa là mẹ, bố tôi nhiều năm liền giữ vững danh hiệu "người đàn ông đẹp trai nhất".

Bố mẹ tôi không phải giáo viên, bộ đội hay bác sĩ, kỹ sư mà là những người lao động phổ thông.

Cụ thể hơn, mẹ tôi làm công nhân xí nghiệp giày da còn bố làm thợ xây.

Tính đến nay, họ đã gắn bó với nghề nghiệp của mình hai mươi năm có lẻ. Không giống như mấy bạn, các thành viên gia đình tôi sở hữu những nét tính cách khác nhau.

Mẹ tôi là người vô cùng hiền dịu, chu đáo, tỉ mỉ, đảm đang. Bình thường tôi khá nhút nhát, rụt rè nhưng khi bị ai đó làm cho bực mình thì cũng không ngại ngần "combat".

Truyện ngắn Mực Tím: Bố và con gái- Ảnh 1.

Minh họa: PHÚC GIANG

Hai em gái tôi, một đứa trầm ổn, thích nghiềm ngẫm, suy tư; đứa kia tinh nghịch, thích bày trò, có thể tấu hài mọi nơi mọi lúc.

Riêng bố tôi thì... hơi khác biệt chút xíu. Từ lúc bắt đầu biết nhận thức, tôi đã thấy bố rất nghiêm khắc, khó tính, thậm chí khó gần. Tôi sợ bố - sự thật nói không ngoa là như vậy.

Nói về sự nghiêm khắc của bố, chẳng cần ai gợi mở, dẫn đường, tôi vẫn nhớ khá dai, đủ sức kể tường tận từ A đến Z.

Sự nghiêm khắc ấy được chứng minh bằng việc: bố đề ra không ít nguyên tắc buộc chị em tôi phải tuân theo.

Chẳng hạn như: không được nói chuyện trong bữa ăn; không được đi chơi tối; đi học phải trở về đúng giờ; lúc bố xem thời sự không được mè nheo đòi xem bất cứ chương trình gì; đồ đạc phải sắp xếp gọn gàng, không được bày bừa lộn xộn...

Bị bố "thiết quân luật", ba chị em - nhất là tôi - hậm hực lắm.

Hồi nhỏ, tôi thử chống đối vài lần, kết quả thu về là... mấy "con lươn" đỏ in hằn trên mông vài ngày mới biến mất. Lớn hơn, tôi dần học cách chấp nhận sống chung với tá nguyên tắc kia.

Cơ mà, chấp nhận là một chuyện, có thật sự muốn thế không lại là chuyện khác.

Dù không dám nói ra nhưng thực lòng tôi luôn thấy ghen tị với mấy đứa bạn cùng lớp, bởi đa số tụi nó đều được bố yêu thương, chiều chuộng, dỗ dành.

Theo thời gian, giữa tôi và bố dần tồn tại "bức tường" khoảng cách.

Biểu hiện rõ ràng nhất là: tôi hiếm khi trò chuyện cùng bố quá năm phút, tâm sự tỉ tê lại càng không.

Trừ chuyện gì đó quá quan trọng, nếu giấu diếm sẽ "long trời lở đất", tôi chưa bao giờ kể cho bố nghe những mẩu chuyện nhỏ nhặt liên quan đến mình.

Người tôi tìm đến giãi bày thường là mẹ, em gái hoặc hai nhỏ bạn thân Bảo Ngọc, Quỳnh Phương.

Lý do đơn giản vì tôi sợ bố. Tôi sợ nét mặt nghiêm nghị của bố; sợ bị bố la mắng, trách phạt; sợ bị bố bắt làm theo ý mình. Đôi khi, chỉ cần bố hắng giọng, tim tôi đã rung lên liên hồi từng nhịp.

* * *

Tôi vốn chẳng phải đứa học giỏi, thông minh, sáng dạ. Suốt nhiều năm cắp sách tới trường, thành tích cao nhất tôi đem về là tờ giấy khen "học sinh tiên tiến" không hơn.

Bố mẹ biết sức học của tôi nên chưa bao giờ đặt nặng thành tích, chỉ mong con mình cố gắng học đạt điểm số trên trung bình, đủ để bạn bè không cười nhạo, khinh thường. Không bị bố mẹ gây áp lực - điều đó thật tốt.

Tuy nhiên, có thi được vào trường cấp ba công lập không là câu chuyện gần như chẳng liên quan.

Nói ra chắc mọi người sẽ cảm thấy thật khó tin nhưng ở thành phố nơi tôi sống ngoài trường chuyên ra chỉ có ba trường công lập.

Số lượng học sinh ngày càng đông trong khi chỉ tiêu vào các trường khá ít nên hằng năm có nhiều bạn học khá vẫn thi "trượt vỏ chuối" đều đều.

Là một người sở hữu lực học trung bình, thi thử bốn lần chưa qua mốc sáu điểm/môn, tất cả những người xung quanh đều tin rằng tôi không thể "vượt vũ môn" thành công, thuận lợi.

Định kiến này làm tôi buồn vô cùng tận. Vì từ trước tới giờ, tôi chưa bao giờ lơ là việc học, cũng chưa giây phút nào ngừng phấn đấu vươn lên.

Có điều, dù tôi phấn đấu, nỗ lực đến 200% khả năng, kết quả thi lần thì "giậm chân tại chỗ"; lần thì chỉ nhích lên tí tẹo, ngang ngửa tốc độ rùa bò.

Chủ nhật ấy, tôi học bài xong sớm. Để thay đổi không khí, tôi tính lên sân thượng lấy quần áo tiện đứng hóng gió một lúc cho sảng khoái tinh thần. Ai ngờ, kế hoạch chưa kịp thực hiện đã... tan thành mây khói.

Nguyên nhân do vừa lên đến tầng hai, tôi vô tình nghe được cuộc nói chuyện giữa bố và mẹ. Họ đang bàn bạc về chuyện thi cử của tôi.

Mẹ bắt đầu tiết mục "tâm sự đêm khuya" bằng câu nói không thể "tích cực" hơn:

- Nếu con Hương nhà mình không thi đỗ cấp ba, chắc mình cho nó đi học nghề thôi anh ạ! Học trường tư tốn kém lắm, nhà mình còn hai đứa nhỏ nữa, em sợ không lo nổi.

- Em bị làm sao thế? Con chưa thi, em đã tính trước tình huống xấu nhất rồi. - Bố gắt lên.

- Nhưng sức học con bé chỉ đến vậy, muốn hơn có được đâu. Thi vào cấp ba ở đây đâu dễ như ở quê. Chưa kể, chỉ tiêu trường nghề cũng có hạn...

Đứng ở ngoài, nghe từng câu, từng từ mẹ nói, tay tôi bủn rủn làm rơi chậu quần áo lúc nào không hay. Chẳng cần biết những điều tiếp theo bố mẹ định nói là gì, tôi chạy vội về phòng đóng cửa lại òa khóc nức nở.

Khóc xong, lòng tôi vẫn nặng trĩu bao phiền muộn, ưu tư. Nhìn đống sách vở xếp cao như núi trên mặt bàn, sau đó quay sang nhìn bảng kết quả thi thử, tôi càng rối bời hơn.

Tôi tự trách: tại sao mình không sở hữu trí thông minh vượt trội như nhỏ lớp trưởng Hoài An?

Tại sao mình không thể biến thành con người đam mê học, có thể "cày" đề đến thâu đêm suốt sáng như nhỏ Thảo Linh hàng xóm?

Biết mình tiếp thu chậm, tại sao bố mẹ không cho mình đi học thêm từ sớm?

Tại sao hai người họ không bao giờ chịu nhìn nhận vấn đề bằng thái độ cảm thông? Vô số câu hỏi cứ thế cùng lúc hiện ra khiến đầu tôi muốn nổ tung.

Dù đã vò đầu bứt tai, xoay bên nọ, lật bên kia cả tiếng đồng hồ, tôi vẫn chẳng thể tìm cho mình câu trả lời thỏa đáng.

Mười một giờ đêm, tôi tắt điện. Cả căn phòng chìm trong bóng tối, thứ ánh sáng duy nhất còn tồn tại là ánh sáng đến từ những vì sao trên dải ngân hà.

Phóng tầm mắt ra ngoài nhìn, tôi ước giá mà sao băng xuất hiện ngay và luôn thì thật tốt. Lúc ấy, tôi sẽ lập tức chắp tay cầu nguyện mình thi đỗ cấp ba, vị trí áp chót thôi cũng được.

Thi đỗ rồi, tôi không còn phải chịu áp lực thi cử cực đại đang đè nặng mỗi ngày, bố mẹ tôi không cần tranh cãi xem nên để tôi học trường tư hay trường nghề nữa. Mà... điều ước đôi khi chỉ là điều ước.

Nếu mọi điều ước trên đời đều trở thành sự thật thì chắc chẳng có ai phải khổ tứ, lao tâm.

Truyện ngắn Mực Tím: Bố và con gái- Ảnh 2.

Minh họa: PHÚC GIANG

- Hương ơi! Con ngủ chưa? - Tiếng gọi bất thình lình của bố làm tôi giật mình.

- Con chưa ạ!

- Mở cửa cho bố được không?

- Vâng... - Tôi vừa đáp vừa chậm chạp đứng dậy bật đèn, mở cửa. Và... đập vào mắt tôi ngay sau khoảnh khắc đặc biệt đó là hình ảnh bố đứng đợi trước cửa với dáng vẻ tần ngần.

- Bố có chuyện muốn nói với con.

- Bố nói đi. - Tôi miễn cưỡng đáp lại.

- Trước tiên, bố thay mặt mẹ xin lỗi con. Xin lỗi vì để con nghe những điều không nên nghe vào thời điểm quan trọng này.

Xin lỗi vì chưa tin tưởng, ủng hộ con. Xin lỗi vì làm con phải buồn, phải khóc. Nhưng con yêu ạ! Bố mong con đừng giận mẹ quá lâu bởi mẹ không có chủ ý làm con tổn thương đâu.

Mấy lời mẹ nói hồi nãy đơn thuần vì lo lắng, hoang mang quá mức.

- Bố...

- Con gái! Giai đoạn chạy nước rút, con hãy cố gắng lên nhé! Cố gắng hết sức là được. Con không cần vượt qua ai cả. Chỉ cần con vượt qua, chiến thắng chính mình, bố đã thấy rất tự hào, hãnh diện rồi.

Nói đến đây, giọng bố lạc đi vì nghẹn ngào, bối rối. Còn tôi - cô con gái bé nhỏ ngồi đối diện bố thì xúc động đến lặng người.

Để nói ra mấy lời như thế, tôi hiểu, bố đã phải dồn hết mọi tâm tư, tình cảm, thậm chí cả vốn từ ngữ ít ỏi của một người lao động nghèo.

Ở cái tuổi "không lớn, không nhỏ" mười lăm, tôi trân trọng, biết ơn vô cùng điều đó.

Nhờ buổi trò chuyện đặc biệt cùng bố, tâm lý tôi dần ổn định trở lại. Gạt bỏ những suy nghĩ tiêu cực qua một bên, tôi dồn sức ôn thi, quyết tâm thi đỗ cấp ba.

Và rồi, bằng sự kiên trì, nỗ lực, cộng thêm chút may mắn, kỳ tích cuối cùng đã xuất hiện: tôi chính thức trúng tuyển vào ngôi trường mình mơ ước bấy lâu.

Ngày biết điểm, người đầu tiên tôi gọi điện báo tin là bố. Nghe con gái thông báo tin vui, bố vui sướng đến ngẩn ngơ, liên tục hỏi: vậy ư, vậy à... trong điện thoại.

* * *

Những năm tháng học cấp ba giúp tôi dần trưởng thành, khôn lớn. Càng đối diện trực tiếp với nhiều thử thách, khó khăn, tôi càng nhận ra: mình cần cảm thông cho bố nhiều hơn. Bởi mỗi ngày đi làm ở công trường, bố phải chịu rất nhiều áp lực.

Bởi trên vai bố là gánh nặng cơm áo gạo tiền, là đàn con thơ, là bao nhiêu thứ cần phải lo.

Dù bố hay gắt gỏng, la rầy lúc chị em tôi chưa ngoan; dù bố không biết nói mấy lời âu yếm, ngọt ngào, tôi vẫn cảm nhận được: bố thương các con mình theo cách riêng.

"Cách riêng" ấy thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau nhưng đọng lại sâu nhất trong ký ức của tôi có lẽ là hình ảnh chiều nào đi làm về, bố cũng để phần ba chị em gói bánh, quả cam, lon nước ngọt...

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, khi gõ những dòng này, tôi đã trở thành sinh viên năm thứ hai đại học.

Một năm - mười hai tháng - ba trăm bốn mươi mốt ngày sống xa nhà là cột mốc đáng nhớ giúp tôi thêm thấm thía tình cảm yêu thương chân thành, giản dị bố dành trọn cho mình.

Bố thường có mặt tại bến xe trước cả tiếng đồng hồ chờ đón tôi trở về.

Bố xin nghỉ làm, đảm nhận vai trò tài xế đưa tôi cùng yến đồ lỉnh kỉnh ra điểm trung chuyển ngày tôi trở lại Hà Nội.

Bố luôn đợi xe ô tô chở tôi lăn bánh mới rời "điểm hẹn". Bố hay dặn dò con gái cưng: "Lên đó thiếu tiền hay cần gửi đồ gì phải báo bố mẹ ngay". Mỗi lần tôi gọi điện, mẹ đều là người nghe máy.

Bố hiếm khi lên tiếng, chỉ ngồi cạnh nghe hai mẹ con thủ thỉ đủ thứ chuyện dưới đất, trên trời.

Ấy thế nhưng khi tôi nói mình bị ốm, khi tôi than thở, bật khóc vì áp lực thi cử, học hành, bố lập tức xen vào, hỏi tôi: "Con đang không ổn hả?", "Cuối tuần thu xếp về nhà chữa lành nha!".

Rồi bố vội gọi đứa em út vào làm trò chọc tôi cười mà đâu biết mấy lời mình vừa nói cách đó ít giây đã là quá nhiều, đủ khiến tâm hồn tôi lạc quan, phấn chấn.

Bố tôi không hoàn hảo. Bố cũng chẳng cao lớn, mang tầm vóc vĩ nhân.

Dẫu vậy, tôi chưa bao giờ hết yêu và tự hào về bố - người đàn ông tận tâm, tận tụy, hết lòng với vợ con.

Từ sâu thẳm trái tim mình, tôi muốn nói thật to, để cả thế giới nghe thấy rằng: "Cảm ơn bố đã sinh ra con, cho con một cuộc đời vẹn tròn, ý nghĩa".

MINH HUYỀN
PHÚC GIANG
NAM KHA
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Truyện ngắn Mực Tím: Minh và Nhi

    Truyện ngắn Mực Tím: Minh và Nhi

    Nhi chưa kịp đáp lời thì Minh đã chủ động nói trước để tránh cho Nhi ngại. Thế rồi Nhi gửi nhờ xe nhà gần đường để ngày mai bố ra lấy đi sửa và leo lên xe Minh ngồi. Minh cố đạp thật nhanh dưới ánh hoàng hôn vàng nhạt.

    Tái hiện lễ hội đua ghe ngo của người Khmer Nam Bộ giữa lòng thành phố

    Tái hiện lễ hội đua ghe ngo của người Khmer Nam Bộ giữa lòng thành phố

    Sáng 10-11, Lễ hội đua ghe ngo quận 3 mở rộng đã diễn ra tại kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (đoạn từ cầu Công Lý đến cầu Lê Văn Sỹ).

    Truyện ngắn Mực Tím: Một người hạnh phúc

    Truyện ngắn Mực Tím: Một người hạnh phúc

    Tôi cảm thấy trân trọng và biết ơn tất cả những điều đẹp đẽ đã đến trong đời. Như cách mà âm nhạc của Choi Yu-ree đã vỗ về giấc ngủ trằn trọc của tôi khi màn đêm buông xuống.

    Truyện ngắn Mực Tím: Trong xanh như nước

    Truyện ngắn Mực Tím: Trong xanh như nước

    Hồng nhìn sang Đăng, nhưng cậu bạn chỉ mỉm cười. Câu chuyện đáng yêu như vậy, thảo nào trông Hồng hôm nay tươi tắn hẳn. Lúc đấy Hồng đã nghĩ, kể ra thì có một người bạn đặc biệt cũng tuyệt đấy.

    Truyện ngắn Mực Tím: Hormone tình yêu

    Truyện ngắn Mực Tím: Hormone tình yêu

    Khi bạn được ai đó ôm, cơ thể sẽ tiết ra hormone oxytocin, chúng có tác dụng thúc đẩy cảm giác mãn nguyện, làm giảm sự lo lắng và căng thẳng, tức giận, cô đơn.

    Truyện ngắn Mực Tím: Ngôi sao sáng nhất

    Truyện ngắn Mực Tím: Ngôi sao sáng nhất

    "Nhiều khi chúng mình cứ mải mê tìm kiếm ánh sáng rực rỡ từ người khác mà quên mất rằng thứ ánh sáng đó có trong mỗi chúng ta. Chỉ là đôi khi, nó bị che lấp bởi những đám mây của sự tự ti và lo lắng".

    Truyện ngắn Mực Tím: Diên Vĩ Trắng

    Truyện ngắn Mực Tím: Diên Vĩ Trắng

    Cái móc điện thoại hình nốt nhạc ánh lên lấp lánh màu đỏ Nam tặng tôi hồi sinh nhật đung đưa trước mắt như trêu ngươi. Tôi khổ sở gỡ nó ra, ném vụt đi, và rồi, chẳng biết tại sao, bật khóc...

    'Sống lưng khủng long' đẹp lạ ở Mù Cang Chải thử thách du khách ưa khám phá

    'Sống lưng khủng long' đẹp lạ ở Mù Cang Chải thử thách du khách ưa khám phá

    Mới nổi lên trên bản đồ du lịch Mù Cang Chải, sống lưng khủng long tại xã Dế Xu Phình đang thu hút du khách bởi cung đường không dễ nhằn, cùng cảnh sắc hùng vĩ.

    Truyện ngắn Mực Tím: Ngày thôi rực rỡ

    Truyện ngắn Mực Tím: Ngày thôi rực rỡ

    Chi về phòng trọ, đóng cửa lại, một mình trong không gian cô đơn ấy, ướt sũng nước mưa, nước mắt, bùn lầy và sự chán nản tận cùng. Chi gọi về cho mẹ, òa khóc như đứa trẻ.

    Truyện ngắn Mực Tím: Mùa xao xuyến

    Truyện ngắn Mực Tím: Mùa xao xuyến

    "... Những gì em cần làm là hãy cứ để yên, đừng động vào, đừng lật lại, qua năm tháng tự khắc sẽ có người thay thế vị trí ấy thôi. Tuổi trẻ bắt đầu bằng những khoảnh khắc nhỏ và kết thúc bằng những lời hứa. Này, Nguyên, sao em không lập ra cho mình một lời hứa rằng..."