Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Vui lòng nhập Họ & Tên.
Tiếng ve râm ran khắp các ngõ báo hiệu một mùa hè nữa lại đến. Gió hiu hiu hòa cùng chút mát mẻ của bóng cây dần đưa tôi vào giấc ngủ trưa.
Bỗng, giọng thằng Tí từ đâu lanh lảnh vọng tới. Mỗi dịp hè khi tôi về chơi, ngày nào nó cũng sang luyên thuyên đủ thứ, và hôm nay cũng vậy. Hóa ra nó sang để khoe với tôi về cái hồ cá xi măng ba nó mới xây. Cái hồ cá to tổ chảng, nằm lù lù giữa khoảng sân trước nhà thằng Tí.
Bên trong hồ chỉ toàn cá bảy màu. Nhìn mấy con cá bảy màu sặc sỡ quẫy đuôi bơi lội trong nước, thấp thoáng sau bụi rong đuôi chó, bỗng chốc gợi tôi nhớ lại mảng ký ức rực rỡ nắng hè năm ấy. Nhớ lại mấy con cá bảy màu cùng bóng dáng cô bé nhỏ nhắn năm nào.
Năm ấy, tôi chỉ mới mười ba tuổi, mùa hè tôi về nội chơi. Đưa tôi về quê nội là cách mà ba tôi nghĩ ra để cách ly tôi khỏi mấy trò chơi điện tử, ti vi, điện thoại độc hại - ba tôi nghĩ vậy. Lúc đó thằng Tí còn bé xíu, nên đứa hay chơi cùng tôi là nhỏ Mi. Nhỏ Mi kém tôi một tuổi, xem như đồng trang lứa nên chúng tôi cũng khá hợp tần số.
Còn nhớ lần đầu gặp nó, cũng là vào một buổi trưa râm ran tiếng ve. Tôi đang bực bội vì bị ba cách ly khỏi mấy trò điện tử yêu thích, nằm vắt chéo chân trên võng mắc trước nhà, nhìn mấy con gà đi đi lại lại kiếm ăn trong sân. Bỗng một cô bé nhỏ nhắn với mái tóc đen cột đuôi ngựa gọn gàng lọt vào tầm mắt tôi.
Thấy tôi đang nằm võng, nó sựng lại một lúc rồi cất giọng gọi lớn:
- Bà Tám ơi, bà Tám! Có nhà không bà Tám ơi!
Nó nhỏ con mà giọng lớn sảng hồn. Nội tôi từ trong bếp, nghe giọng nó thì đi ra. Tôi cũng ngồi chồm dậy, ngóng theo. Hóa ra nó sang để biếu nội tôi mấy quả dưa leo ông nội nó mới hái ngoài ruộng.
Bà tôi đưa tay nhận lấy cái thúng, miệng liên hồi:
- Trời trưa nắng nôi hết sức mà bắt con nhỏ đội nắng đem qua. Thiệt tình cái ông này!
Cả hai nói chuyện một hồi, bà tôi bước vào nhà lấy nón lá đang móc trên vách xuống đưa cho nhỏ rồi nói:
- Con gái con đứa ra đường trưa nắng nhớ đội nón vô nha con. Để thôi đen hết.
- Dạ, cám ơn bà Tám. Thưa bà Tám con về - nhỏ nhoẻn miệng cười hi hi rồi đi ra phía cổng.
Bà tôi cũng quay người đi vào, nhưng nhìn sang tôi đang nằm võng lắc lư trước nhà, bà như chợt nhớ ra gì đó rồi vội đi ra, gọi nhỏ Mi lại. Bà nói:
- Chiều con rảnh qua dẫn cháu bà đi chơi nhe. Nó ở thành phố về chơi, cứ nằm ở nhà suốt thôi.
Minh họa: PHÚC GIANG
Nhỏ Mi tròn mắt liếc sang tôi. Bị nó nhìn chằm chằm, tôi cảm thấy ngại ngùng, định cất tiếng từ chối vì tôi chẳng hợp chơi cùng mấy đứa con gái thì giọng nhỏ Mi vang lên:
- Chiều anh đi câu cá với em không, ngoài con kênh ruộng nội em á, mát lắm.
Trước giờ tôi chưa từng câu cá, nên trước lời mời ấy, thú thật tôi cũng có chút hứng thú:
- Ờ... ờ... cũng được.
Vậy là lần đi chơi đầu tiên cùng nhau của tôi và nhỏ Mi đã được chốt. Chiều hôm đó, nhỏ Mi xách hai cần câu cùng cái xô sang nhà nội rủ tôi đi cùng. Nó dẫn tôi vào ruộng, đi trên con đường mòn nhỏ dọc theo kênh.
Phải công nhận nhỏ Mi tuy nhỏ con nhưng nhanh nhẹn, thoăn thoắt đến lạ. Đường ruộng lổm chổm nào là đất, nào là mấy trái dừa khô, mấy tàu lá dừa nằm ngổn ngang mà nó đi nhanh thoăn thoắt đến nỗi tôi đuổi theo cũng mệt.
Đến một mô đất cao nhưng khá bằng phẳng thì nhỏ Mi dừng lại, đặt hai cần câu và xô xuống. Tôi ở phía sau, vừa đi vừa thở.
Mô đất nhỏ Mi chọn đã có sẵn mấy tấm ván gỗ để lót ngồi, bao quanh bởi mấy hàng dừa ven ruộng nên mát lắm. Dù trời còn khá nắng nhưng chẳng hề nóng chút nào.
Chắc nó đã đi câu cá ở đây nhiều lần rồi nên rành quá. Nhỏ Mi ngồi phệt xuống mấy tấm ván gỗ, rồi lấy tay vỗ vỗ kế bên ra hiệu cho tôi ngồi xuống. Nó nhanh nhẹn lấy ra bịch ni lông để trong xô.
Chắc nhìn được ánh mắt sáng rực đầy tò mò của một đứa chưa từng đụng đến miếng mồi, cần câu, nhỏ Mi giơ cái bịch lên nhìn sang tôi:
- Cái này là mồi câu cá đó anh - nhỏ Mi vừa nói vừa mở bịch ni lông ra.
Tôi tò mò hết sức, ngóng nhìn vào bịch ni lông trên tay nhỏ. Thoáng, tôi nổi hết da gà da vịt khi thấy lúc nhúc những con giun trong ấy. Vậy mà nhỏ Mi nhanh tay bốc lấy một con giun đen ngòm, không to cũng chẳng nhỏ, rồi nhanh nhẹn móc con giun đang ngọ nguậy trên tay vào móc câu. Thao tác của nó nhanh nhẹn và không một động tác thừa nào.
Thả con giun xuống mặt nước, Mi ngoái sang nhìn tôi, nhưng có lẽ nhận ra điều gì đó, nó đưa cho tôi cái cần vừa móc mồi lúc nãy. Xong, nó lại nhanh nhẹn móc mồi vào cần còn lại rồi thả xuống nước.
Gió đồng buổi chiều không quá mạnh, hiu hiu nhưng đủ làm mặt nước gợn sóng lăn tăn. Những con sóng nhỏ khiến một đứa lần đầu đi câu cá như tôi chẳng biết khi nào nên giật câu nữa. Tôi thầm nghĩ nhỏ Mi thật khác so với mấy đứa con gái thành phố, chơi cùng nhỏ vui hơn nhiều.
Chợt nó hỏi tôi:
- Anh ở thành phố thường làm gì? Ở trên đó chắc vui lắm anh ha...
- Ờ thì... Anh đi học, về thì anh chơi game, thi thoảng lại đi chơi cùng tụi bạn.
- Vậy anh có hay đi câu cá không?
- Không có, trên đó đâu có sông hồ nhiều như ở đây.
Thấy nhỏ Mi vui vẻ, tôi cũng chủ động trò chuyện:
- Vậy ở đây thì Mi làm gì, có hay đi chơi ở đâu không?
Nó lấy tay chống cằm rồi nói:
- Em hay đi câu cá, cho gà ăn, rồi thi thoảng ra đồng phụ nội. Ờ... hay đem đồ qua biếu bà Tám, đem cái cuốc nội mượn sang trả chú Tư.
Nói đi nói lại một hồi, nhỏ toàn kể mấy công chuyện lặt vặt nó làm quanh xóm. Tôi tò mò hỏi tiếp:
- Mi không đi chơi với bạn hả, toàn ở loanh quanh trong xóm thôi sao...
- Em ở nhà phụ nội làm công chuyện, nội lớn tuổi rồi - nó trả lời, giọng hơi xịu xuống một tí nhưng cũng không khác bình thường là bao.
Thoáng chốc, tôi nhìn thấy một tia buồn bã trong ánh mắt của Mi. Nó cũng không hỏi gì tôi nữa, im lặng ngồi nhìn cái phao nhấp nhô trên mặt nước.
Tôi cảm thấy áy náy vì mấy câu hỏi vu vơ làm nó buồn. Nhưng chỉ một lát, nó lại liên tù tì hỏi tôi về mấy thứ ở thành phố. Vậy là suốt buổi chiều, tôi với nhỏ Mi ngồi nói đủ thứ trên đời mà chẳng câu được con cá nào. Thế nhưng đó là buổi chiều vui nhất của tôi từ lúc về quê nội.
Và thế là từ ngày hôm ấy, nhỏ Mi đã thành người bạn cùng tôi rong ruổi khắp xóm. Có hôm nó sang rủ tôi đi hái xoài, mận, ổi; có hôm rủ tôi đi xem con bò mới đẻ. Lại có hôm nhà nội nó tát mương vớt cá, nó lại nhanh nhảu chạy sang rủ tôi đi xem cùng.
Cứ có "sự kiện" gì trong xóm là nhỏ lại chạy sang kéo tôi đi cùng. Kể từ lúc có nhỏ Mi, mấy ngày hè của tôi trở nên vui đến lạ, tôi cũng chẳng còn nhớ nhung gì mấy trò điện tử tôi từng yêu thích đến điên đầu ấy nữa.
Nhưng có hai, ba hôm nọ, tôi đợi đến dài cả cổ mà chẳng thấy bóng dáng nhanh nhảu, thoăn thoắt của nhỏ Mi đâu. Hóa ra mấy hôm ấy, nội Mi bệnh nên nhỏ ở nhà chăm nội. Nội tôi cũng lo lắng lắm, nấu hẳn một tô cháo to rồi tôi cùng nội mang sang nhà nó.
Đang ngồi nhặt rau trước thềm nhà, thấy tôi và nội, nhỏ Mi nở nụ cười chạy ra dìu nội tôi vào. Vẫn là nụ cười để lộ hai lúm đồng tiền cùng đôi mắt chẳng thấy mặt trời đâu của nó, nhưng hôm nay sao trông nhỏ lại có vẻ khác khác. Trông nhỏ Mi cứ buồn buồn nhưng vẫn gắng cười ấy.
Bà tôi vào thăm nội Mi, còn tôi bước ra phía thềm nhà, ngồi phịch xuống giả bộ nhặt rau cùng. Tôi kể nó nghe những chuyện xảy ra quanh xóm mấy hôm nay. Tôi cố gắng kể sao cho hài hước nhất để chọc nó cười. Tự nhiên hôm ấy tôi thấy tiếng cười nhỏ Mi nghe êm tai đến lạ, nghe nó cười, tôi cũng vui vui.
Trở về nhà, tôi lấy hết can đảm hỏi bà về nhỏ Mi. Mới biết ra nhà Mi chỉ có nó và ông nội, ba mẹ nhỏ lên thành phố đi làm, song cũng không còn hòa thuận và đang sống ly thân.
Từ nhỏ Mi sống cùng ông nội, tuy thiếu thốn tình thương của ba mẹ nhưng nhỏ lúc nào cũng lễ phép, dễ thương nên nội tôi quý nó lắm. Trông Mi cứ nhỏ nhắn, lanh lảnh vậy mà không ngờ nó lại lạc quan, mạnh mẽ đến thế. Suốt tối hôm ấy, tôi mãi trầm ngâm nghĩ về Mi, trong đầu lại nảy ra một ý định.
* * *
Đợi mãi mấy hôm, nội Mi khỏe dần, tôi thuyết phục mãi nhỏ Mi mới chịu đi chơi với tôi. Lật đật chạy sang nhà bác Hai mượn chiếc xe đạp, tôi chở nó xuống huyện chơi. Dù ở đây từ nhỏ đến lớn, nhưng số lần nhỏ Mi xuống huyện chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Bởi vậy chuyến này nó háo hức lắm. Chở Mi phía sau, thi thoảng tôi còn nghe giọng nó thì thầm hát nữa. Tôi dẫn nó đi ăn mấy hàng đồ chiên, rồi ghé vào mấy tiệm sách ngồi đọc truyện. Tôi vắt óc suy nghĩ cũng chỉ biết đưa nó đi mấy chỗ này.
Vậy là hai đứa xách xe đi về trong sự nuối tiếc, vì còn sớm mà chúng tôi chẳng biết đi đâu nữa. Tôi cố gắng đạp xe thật chậm, vì sau chuyến này, khi tôi về lại thành phố chắc sẽ rất lâu nhỏ Mi mới được đi chơi như này lần nữa. Đang đạp xe trong suy tư, nhỏ Mi ngồi sau kéo áo tôi, nói:
- Anh Tuấn, tấp vô lề, tấp vô lề!
Tôi quay đầu lại thì thấy nó chỉ về phía xe bán cá cảnh bên kia đường với ánh mắt sáng rực. Vậy là hai đứa ghé lại xe bán cá trước khi về. Nhỏ đứng ngắm mấy con cá sặc sỡ trong bọc ni lông bóng loáng cả buổi. Tôi loay hoay móc trong túi ra, chỉ còn vài tờ tiền.
Tôi nhìn đi nhìn lại, bấy nhiêu thì chẳng đủ để mua mấy con cá lia thia với cái đuôi rực rỡ sắc màu ấy. Thành ra tôi chỉ có thể mua cho nhỏ Mi mấy con cá bảy màu nho nhỏ.
Trên đường về nhà, nhỏ Mi như được tiếp lại năng lượng. Miệng nhỏ nói liên tù tì, nào là sẽ làm cái hồ cho mấy con cá, rồi sẽ đi hái rong, hái bèo thả vào cho tụi nó. Có vẻ mấy con cá bảy màu nho nhỏ đã mang lại một niềm vui to lớn cho Mi.
* * *
Minh họa: PHÚC GIANG
Kỳ nghỉ hè kết thúc, tôi tạm biệt nội, tạm biệt nhỏ Mi cùng cái xóm thân thương này trở lại thành phố. Những ngày hè đầy ắp nắng rực rỡ ấy đã để lại nhiều xao xuyến trong lòng tôi, đến nỗi tôi còn mong sao thời gian trôi thật nhanh để có thể lại được về quê ở cùng với nội, chơi cùng nhỏ Mi.
Tôi còn nghĩ mình sẽ mua mấy con cá thật đẹp về làm quà cho nhỏ Mi nữa, chắc nó sẽ thích và vui lắm. Vậy là vài tháng sau kỳ nghỉ hè ấy, nhà tôi lại xuất hiện mấy con cá đầy màu sắc. Thế nhưng, những con cá ấy đã không thể về với chủ nhân thật sự của chúng, bởi nhỏ Mi không còn ở đó nữa.
Vài tháng sau khi tôi về, Mi cùng nội đã chuyển đi thành phố khác sống cùng ba nhỏ, trong khi tôi và Mi chẳng có gì liên lạc với nhau trừ vài lúc tôi gọi cho nội vô tình ngay lúc nhỏ sang chơi.
Những lúc ấy, cái miệng lanh lảnh của nhỏ lại không ngừng kể cho tôi nghe mọi thứ xảy ra trong xóm. Và thú thật tôi cũng mong lần nào gọi về cũng được nói chuyện với nhỏ.
Nhưng sau khi Mi rời đi thì những mùa hè sau đó dù tôi có trở về cũng chẳng được nghe cái giọng lanh lảnh ấy nữa.
* * *
Nhìn thằng Tí loay hoay thả mồi cho mấy con cá bảy màu, tôi thầm nghĩ khi nhỏ Mi cho cá ăn chắc nhỏ cũng sẽ đáng yêu như thế. Dù có buồn, có hụt hẫng khi đột ngột chia tay nhỏ Mi như vậy, nhưng sâu trong thâm tâm, tôi vẫn cảm thấy mừng cho nhỏ. Về sống với ba ở thành phố, chắc Mi sẽ được yêu thương nhiều hơn, không cần phải đầu trần dang nắng ngoài ruộng, được ba nhỏ chở đi chơi đây đó.
Tôi chỉ mong sao Mi luôn lạc quan, vui tươi, rực rỡ như những chú cá bảy màu yêu thích của nhỏ. Và tôi cũng thầm cảm ơn nhỏ Mi vì đã xuất hiện trong một phần tuổi thơ của tôi, để những ngày hè ấy thật đáng nhớ, lấp lánh trong veo và rộn vang tiếng cười.
Tuổi Trẻ Sao
Thông tin tài khoản ngày
Tài khoản được sử dụng đến ngày | Bạn đang có 0 trong tài khoản
1 sao = 1000đ. Mua thêm sao để tham gia hoạt động tương tác trên Tuổi Trẻ như: Đổi quà lưu niệm, Tặng sao cho tác giả, Shopping
Tổng số tiền thanh toán: 0đ
Thanh toánVui lòng nhập Tên hiển thị
Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Mật khẩu không đúng.
Thông tin đăng nhập không đúng.
Tài khoản bị khóa, vui lòng liên hệ quản trị viên.
Có lỗi phát sinh. Vui lòng thử lại sau.
Vui lòng nhập Tên của bạn.
Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Mật khẩu phải có ít nhất 6 kí tự.
Xác nhận mật khẩu không khớp.
Nhập mã xác nhận
Đóng lạiVui lòng nhập thông tin và ý kiến của bạn
XVui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Vui lòng nhập Họ & Tên.
Vui lòng nhập Ý kiến của bạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận