Sân chơi Ở đây có Tết: Vượt 200km, tôi về ăn Tết Đắk Nông

Thứ sáu, 16/02/2024 15:20 (GMT+7)

25 tháng Chạp, tôi và chị gái gấp rút sửa soạn, chở nhau trên chiếc xe gắn máy, gửi lời chào tạm biệt Sài Gòn để về Đắk Nông ăn Tết.

Tôi ngồi sau xe cất lên bài hát quen thuộc "Tết này con sẽ về" và thế là 200km bắt đầu.

Sân chơi Ở đây có Tết: Vượt 200km, tôi về ăn Tết Đắk Nông- Ảnh 1.

Ảnh: NGUYỄN THỊ CÚC

Nếu ai đó hỏi về quê hương? Tôi sẽ trả lời với họ rằng: "Quê của tôi ở Vĩnh Phúc, nhưng tôi sinh ra ở Đắk Lắk và gia đình tôi chọn sống tại Đắk Nông, và rồi bây giờ là tôi đây, một người con đang học tập tại Sài Gòn."

Tôi không cho rằng việc giới thiệu trên là dài dòng, thay vì đó tôi cảm thấy đó là lời giới thiệu khiến bản thân cảm thấy tự hào. Bởi lẽ, tôi may mắn được sống ở cả hai vùng miền Nam - Bắc của tổ quốc, tôi được thưởng thức ẩm thực, văn hóa Tết của cả hai vùng miền.

Chính vì vậy nhiều khi phát âm sai, hay bị ngọng tôi cũng hay lấy lí do tại sống tại hai vùng miền, để đùa và chữa cháy với đám bạn.

Thôi nào! Bây giờ hãy theo chân tôi đón Tết tại miền đất Tây Nguyên đầy nắng và gió nhé! Sở dĩ tôi đưa các bạn về với Đắk Nông, vì đây chính là mảnh đất chứng kiến hết tuổi thơ tươi đẹp của tôi, là nơi tôi đúng nghĩa với câu nói "năm nay tôi đã được hai mươi nồi bánh chưng rồi".

Sân chơi Ở đây có Tết: Vượt 200km, tôi về ăn Tết Đắk Nông- Ảnh 2.

Hình ảnh phong cảnh Đắk Nông (Tà Đùng) - Ảnh: NGUYỄN THỊ CÚC.

Đường về nhà tràn ngập không khí Tết, tôi bắt gặp những người con xa quê như mình, trên xe họ cũng là một đống hành lý và chất thêm đầy những túi quà.

Giờ phút này, tôi mới nhận ra đúng nghĩa nhất cái cảm giác những người con xa quê lập nghiệp là như thế nào.

Chắc hẳn rằng, dịp lễ Tết sẽ là khoảnh khắc nhớ nhà nhất của chúng tôi. Tết là khoảnh khắc bất kỳ gia đình nào cũng mong chờ những người con, những người cháu của họ được đoàn viên, sum vầy và trong đó có gia đình tôi.

Thời tiết Đắk Nông ngày Tết se lạnh, tôi phải khoác trên mình một chiếc áo len và công việc rửa lá dong gói bánh chính thức bắt đầu.

Với gia đình tôi, việc gói bánh là một phong tục không thể thiếu trong dịp lễ Tết, đó là khoảnh khắc rất thiêng liêng và tuyệt vời.

Gia đình tôi năm nào cũng phân công việc rất rõ ràng. Bố tôi sẽ là người chẻ lạt, mẹ và chị gái sẽ đảm nhận việc gói bánh. Còn tôi và em gái thực hiện nhiệm vụ lau lá và sáng tạo ra những chiếc bánh tí hon nhỏ nhắn.

Sân chơi Ở đây có Tết: Vượt 200km, tôi về ăn Tết Đắk Nông- Ảnh 3.

Những chiếc bánh chưng do các thành viên trong gia đình tôi gói - Ảnh: NGUYỄN THỊ CÚC

Tối đến là lúc thời tiết Đắk Nông trở lạnh hơn, cả nhà quây quần bên nồi bánh chưng thật ấm áp và vui vẻ.

Vừa ngồi trông bánh, gia đình tôi vừa hỏi han nói chuyện, một chút lại mở vung nồi, xem thử nếu cạn nước thì lại lấy ngay ấm nước kế bên chắt vào nồi bánh, sao cho đầy mặt bánh, để đảm bảo rằng tất cả bánh được chín đều.

Mẹ tôi bảo "khi bánh chín phải gắp bánh ra nhúng vào nước lạnh thì bánh mới dễ bóc vỏ và dẻo ngon". Nhà tôi tiến hành vớt bánh vào khoảng tối khuya, đặt bánh nên tấm phản rồi lấy cái thớt nặng đè nên để bánh chắc chắn và thế là một mẻ bánh chưng đón năm mới đã sẵn sàng.

Sân chơi Ở đây có Tết: Vượt 200km, tôi về ăn Tết Đắk Nông- Ảnh 4.

Ành: NGUYỄN THỊ CÚC

30 Tết, tôi nhận lì xì từ bố mẹ và nội đầu tiên, họ cũng là những người gửi lời chúc Tết đầu tiên đến tôi. Hàng xóm nhà tôi năm nào cũng bắn pháo hoa và nhà tôi cũng được hưởng trọn, mỗi lần nghe tiếng pháo chị em tôi lại háo hức chạy ra xem và tận hưởng khoảnh khắc đó.

Người ta bảo, người lớn không thích Tết vì họ phải lo toan nhiều thứ. Nhưng tôi lại thấy khác, nhìn trong ánh mắt của bà nội cũng như bố mẹ tôi, tôi nhận ra họ thích và rất tận hưởng Tết đấy chứ.

Trong khoảnh khắc đón chào năm mới ai cũng hân hoan và phấn khởi, họ nhủ lòng gạt bỏ đi hết lo toan, muộn phiền năm cũ và cười thật tươi chào đón những điều tốt đẹp của năm mới.

Đúng vậy, nếu không có Tết liệu rằng chúng ta có thu nạp được những khoảnh khắc đó không nhỉ? Nếu không có Tết, bao giờ chúng ta mới có thể tự nhìn và ngẫm lại hành trình mình đã đi qua.

Nhờ có Tết chúng ta càng trân trọng hơn những khoảnh khắc hiện tại, trân trọng hơn những phút giây được bên những người thân thương.

Mỗi người có một cách nghĩ riêng về Tết, với tôi Tết là để trân trọng, Tết là để lưu giữ và Tết là để sum vầy.

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Đáp án: