Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Vui lòng nhập Họ & Tên.
Mấy ngày nay, nàng buồn như mưa ngâu đem vắt nước mùa thu vẽ bầu trời bao la hòa làm một màu. Đôi mắt chẳng còn cong lên tinh nghịch mỗi khi thấy tôi chạy xe đạp điện rè rè đi chở hàng cho mẹ. Con đường làng ẩm mùi hoa chiều tím rụng từ hôm trước, đám cỏ bò cả xuống hai bên lề hằn vệt bánh xe qua.
Nàng cặm cụi học ngày học đêm để thi tiếng Anh vào trường chuyên mà "tạch", đồng nghĩa với việc nàng sẽ học lớp 10 với tôi ở trường huyện, chưa biết có cùng lớp hay không, kệ, cùng lối đi về mới có nhiều chuyện để kể. Đáng lý, tôi mừng ra mặt mới phải nhưng cứ nhìn dáng người nhỏ bé, lặng lẽ của nàng theo bà ra đồng hái chè thấy thương thương làm sao.
Nhà nàng cách nhà tôi gần hơn đường truyền trên Facebook, Zalo nên chuyện của hai đứa thường được người lớn đem lên bàn cân để so sánh, từ nết ăn, cách nằm ngủ đến tật xấu hay câu nói bộp chộp của tuổi mới lớn. Mẹ tôi, chầu bánh đúc cũng sẻ san cho bà nội của nàng để đổi lấy nắm lá chè xanh chiêu nước sôi mỗi sáng.
Cả làng này ai cũng làm chè nhưng có lẽ chất đất của vườn chè nhà nàng đã cho từng cốc nước xanh nhẹ nhàng như đánh bay sạm nám còn lại làn da của mẹ khiến nhiều cô bạn đồng trang lứa ao ước. Tôi tự hào vì mình cũng thừa hưởng gen trội đó, nhưng chẳng bao giờ chịu nhấp môi thứ nước chát xít để ôn thi tốt nghiệp dù mẹ có vỗ về, động viên. Tôi tỉnh táo học vì thường nhìn sang cửa sổ nhà nàng.
Ở đó, chú mèo mun tự rửa mặt mình rồi khoanh tròn trên chiếc bàn học màu hồng, thỉnh thoảng thấy nàng khe khẽ hát với chiếc chuông gió lay leng keng. Tụi con gái thật nhiều thứ để bày trò trong cái ô chật hẹp ấy. Hôm thì một lọ hoa dâm bụt, hôm thì cành quả thị mới ngả vàng, hôm thì vài cọng dương xỉ cũng rất này nọ, nàng thích ngắm nghía chúng và nghe nhạc tiếng Anh.
Cha mẹ nàng có gia đình riêng nên nàng thường gửi mình vào những bài hát xa lạ ấy như gửi ước mơ đến nơi xa xôi, cơ hội bước chân ra khỏi làng chè quanh quẩn này.
Bà nội của nàng yêu công việc, thỉnh thoảng chỉ nhắc cháu: "Học hát mà giỏi ngoại ngữ thì cứ học, cháu à. Bà chẳng dạy được đâu, chịu thôi".
Tôi còn chịu ấy. Học theo chương trình trong sách giáo khoa đã cố gắng lắm rồi. Thế mà nàng trượt khoa tiếng Anh trường chuyên của tỉnh.
Mười năm học sinh giỏi toàn diện, lần này là cú sốc đầu tiên đến với nàng trên con đường học hành. Con đường về nhà hôm ấy mưa tầm tã. Nàng chạy xe trước tôi, im lặng như hàng cây cúi mình đón mây xám.
Nàng ngắm mưa bên cửa sổ tận khuya mới kéo rèm, dù điện đã tắt từ lâu. Tôi mạnh dạn nhắn tin nhưng không dám chạm vào nỗi đau ấy.
- Đi ngủ đi, bà hàng xóm. Sáng mai, có người ngủ gật ở gốc chè.
Nàng đã xem nhưng không nhắn lại. Chà, có lẽ nàng cần một góc cho riêng mình. Tôi thấy mưa giấu đi những giọt nước mắt của nàng.
Điều chân thật duy nhất có lẽ đến vào giờ phút nàng không thể nào chợp mắt để sáng sớm hôm sau, tôi thức dậy, thấy tin nhắn của nàng hiện lên màn hình:
- Tớ không sao. Đi học ở trường huyện càng được ở gần bà, có gì đâu phải buồn?
Tôi bật dậy, vớ lấy cái kính dày cộp nhìn lại mấy lần nữa cho rõ. Chà, người đâu mạnh mẽ dễ sợ.
Nhớ những ngày còn bé, nàng đứng chắn tụi con trai làng Đầm bắt nạt tôi lấy mấy viên kẹo đã giấu trong túi.
Nàng khoanh tay đứng trước bọn chúng trong khi tôi run rẩy vịn vào xe đạp và nhìn nàng như một nữ siêu nhân.
Khi bọn chúng nói nàng không có anh trai đến bảo vệ thì nàng hất hàm nói: "Tớ lớn nhất rồi, anh trai hay chị gái cũng không giải quyết chuyện trẻ con chuyên bắt nạt bạn đâu".
Bọn chúng chắc cũng nể phần nàng xinh xắn như búp bê nên tản dần để lại nàng ném cái nhìn về phía tôi rồi ngúng nguẩy chạy theo bà cho kịp về giữa trưa nắng.
Tôi gửi cho nàng đường link bài báo viết về một chị nhà ở thành phố vừa có suất học bổng du học bên Trung Quốc khi trượt lớp chuyên Văn vào trường chuyên của tỉnh. Hy vọng, nàng nhận thấy mình chỉ là kém may mắn nên chưa thể thực hiện ước mơ bằng con đường ngắn nhất.
Những người hàng xóm là chiếc camera thông minh và di động. Kể cả khi mất điện hay ở bán kính cách xa chục ki lô mét, khi hóng được chuyện gì, họ còn kèm thêm khuyến mại bình phẩm rộn ràng. Cái Tâm béo đã biết chuyện nàng thi trượt, nó vênh mặt lên hỏi tôi dù đang bận thưởng thức quả na đầu mùa:
- Nó không còn ríu rít chào mọi người nữa, cậu ạ. Mẹ tớ đoán nó bị bà mắng. Nhưng tớ biết, người học giỏi bị điểm kém đã thấy trời đất đổ sụp dưới chân rồi, đằng này, trượt lớp chuyên Anh, thật là một chuyện kinh động top đầu của trường chúng ta.
Tôi nổi cáu:
- Chuyện đó có ảnh hưởng đến kinh tế nhà bà không?
Cái Tâm béo tròn xoe đôi mắt nhìn tôi dò xét:
- Ơ, cậu thích nó à? Học hành như cậu, nó cũng chơi cùng sao?
Tôi vênh mặt:
- Chuyện trẻ con, bà đi buôn dưa lê hết cái làng này thì biết tay nhau đấy.
Tôi không thể cấm cái Tâm béo hay bất kỳ ai bàn về chuyện buồn của nàng, ngay cả mẹ tôi, thường ngày hay so sánh chuyện học tập của hai đứa cũng thỉnh thoảng gợi đến trong bữa ăn.
Hy vọng của tôi chỉ đơn giản là có người chung lối đến trường cấp ba vì cách làng những chục cây số. Mấy hôm rằm, tôi theo mẹ lên chùa dự lễ Vu lan báo hiếu. Qua cổng nhà nàng gửi lộc chuối, oản cho bà nội của nàng nhưng không thấy bóng dáng quen thuộc đâu.
Nàng về thành phố chơi với mẹ. Khung cửa sổ chỉ còn chiếc chuông gió yên lặng sau tấm kính đã cũ khép im lìm. Trưa hửng nắng, cái nắng hiếm hoi của tháng Ngâu khiến cây cối cũng bừng lên sức sống.
Tôi thấy tiếc cơn mưa mỗi đêm có nàng ngồi bên ô cửa, cất tiếng hát theo bản nhạc tiếng Anh. Lâu rồi, nàng không còn hát nữa. Tôi gần như quên lời. Tôi thấy ngày trôi qua vô nghĩa, thấy thu buồn xao xác lá tre nghiêng.
Nàng đang làm gì? Bước chân chầm chậm trên con đường đầy cúc họa mi nở trên xe của các cô bán hàng rong hay ngồi ngắm hồ Tây với cốc trà sữa vân vê trên tay đến bao giờ tan đá? Tôi nhớ nàng thường quanh quẩn nhìn sang nhà nàng, thấy bà nội nàng ngồi ăn cơm một mình.
Những ngày cuối cùng của kỳ nghỉ hè cũng trôi qua. Nắng rót mật lên từng búp chè đợi tay người đến hái. Trong chiếc rổ tre của bà nội nàng có chùm nhãn, ổi chín, thanh long,...
Bà gọi tôi sang nhà chơi và tiết lộ nàng vừa xuống xe khách, đang trên đường về nhà. Tôi nhảy cẫng lên như vừa bắt được món quà. Bà cũng vui lây.
Không biết nàng có đem hương phố về quê cho tôi không? Nàng có còn buồn chuyện không được vào học ở ngôi trường mình ao ước? Ông bà nội của tôi mất sớm, tôi thèm có bà như nàng. Bà thương cô cháu gái lắm.
Nàng lớn rồi vẫn được bà chải tóc, tết thành bím dài thắt chiếc nơ ren. Hai bà cháu quấn quýt với nhau, tuyệt nhiên tôi chưa nghe to tiếng trong căn nhà nhỏ này.
Nàng xuất hiện với chiếc vali màu vàng chanh ở cổng. Nắng nhảy trên sợi tóc nàng làm bừng sáng khuôn mặt lém lỉnh. Đôi chân nhanh nhảu chạy về ôm bà thật lâu. Mãi sau, nàng mới quay ra nói với tôi:
- Cậu sang lâu chưa? Tớ có món quà cho cậu đấy.
Tôi gãi đầu ấp úng, má nóng bừng bừng, lắp bắp mãi mới được một câu không đầu không cuối:
- ...Bày đặt quá... về vui thế này cần gì quà cáp đâu!
Nàng ríu rít kể chuyện thành phố. Chuyện của mẹ nàng với nhà hàng các món ăn Hàn Quốc bận rộn:
- Tớ sẽ học thêm tiếng Hàn, cậu à. Có thể, tiếng Anh của tớ không xuất sắc nhưng ở trường huyện, tớ nghĩ sẽ có thời gian đến Trung tâm ngoại ngữ hơn. Cảm ơn cậu đã động viên tớ vượt qua những ngày chông chênh nhất. Sau này, nếu tớ không thi vào đại học, cậu còn chơi với tớ không?
Tôi lại gãi đầu chẳng biết nói gì, đành gật lia lịa. Chị gái tôi cũng không đi học đại học dù thành tích đứng đầu khối.
Chị học nghề chăm sóc sắc đẹp và mở trung tâm ở ngoài thị xã. Tay nghề vững, có tiếng tăm đồn xa, chị bận rộn tối ngày và có thu nhập cao.
Nàng nói có nghề trong tay không bao giờ lo thất nghiệp, còn giúp nhiều bạn có việc làm. Cho nên, thất bại đầu tiên của nàng chỉ như cơn mưa ngâu ngang qua tuổi trăng rằm.
Con đường nào cũng có hoa nếu kiên trì đi mãi. Nàng tiễn tôi ra cổng, xuống con đường đầy hoa chiều tím xen lẫn khóm cúc vàng. Mùa thu thật dịu dàng!
Bên cửa sổ tối nay có một điệu múa và giọng hát quen thuộc cất lên ca bài tiếng Anh đã từ lâu tôi chưa được nghe. Giấc mơ của tôi đầy chuông gió.
Tuổi Trẻ Sao
Thông tin tài khoản ngày
Tài khoản được sử dụng đến ngày | Bạn đang có 0 trong tài khoản
1 sao = 1000đ. Mua thêm sao để tham gia hoạt động tương tác trên Tuổi Trẻ như: Đổi quà lưu niệm, Tặng sao cho tác giả, Shopping
Tổng số tiền thanh toán: 0đ
Thanh toánVui lòng nhập Tên hiển thị
Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Vui lòng nhập mã xác nhận.
Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Mật khẩu không đúng.
Thông tin đăng nhập không đúng.
Tài khoản bị khóa, vui lòng liên hệ quản trị viên.
Có lỗi phát sinh. Vui lòng thử lại sau.
Vui lòng nhập Tên của bạn.
Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Mật khẩu phải có ít nhất 6 kí tự.
Xác nhận mật khẩu không khớp.
Nhập mã xác nhận
Đóng lạiVui lòng nhập thông tin và ý kiến của bạn
XVui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Vui lòng nhập Họ & Tên.
Vui lòng nhập Ý kiến của bạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận