Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Vui lòng nhập Họ & Tên.
Anh Trung, anh của Quỳnh, sang Hàn đã bốn tháng. Anh học thạc sĩ Công nghệ sinh học ở đấy.
Những ngày đầu anh Trung sang Hàn, họ hàng dường như ai cũng bảo hay là Quỳnh cũng sang Hàn học đại học đi, anh Trung đi Hàn được thì Quỳnh cũng đi được. Quỳnh nghe vậy chỉ cười.
Ngay từ lớp mười, Quỳnh đã bắt đầu nghĩ về cuộc sống sinh viên. Quỳnh nghĩ đơn giản lắm: nó sẽ học đại học ở TP.HCM, sẽ có một đứa bạn cùng phòng dễ thương, rồi sẽ đi làm thêm, và sẽ có thật nhiều trải nghiệm vui vẻ. Suy nghĩ đó làm Quỳnh hạnh phúc vô cùng, và nó chẳng muốn đi xa nữa.
Quỳnh đương nhiên không thích việc các cô, các chú bắt mình phải giống anh Trung.
* * *
Anh Trung nhắn tin cho Quỳnh, bảo anh đang rất cần một ngày để nghỉ ngơi. Anh cần một ngày mà anh không phải lo âu gì, không phải đi học, không phải đi làm, thích ngủ lúc nào thì ngủ, thích ăn món gì thì ăn.
Nhưng anh Trung làm gì có cơ hội tận hưởng một ngày như vậy. Anh vẫn phải đi học, đi làm, vì nỗi lo chưa bao giờ rời khỏi anh một giây nào.
Gia đình Quỳnh không khá giả, nhưng ba mẹ lúc nào cũng cố gắng để anh Trung và Quỳnh không thua thiệt so với đám bạn. Quỳnh vẫn nhớ hồi còn nhỏ, ba có lần mang về cho anh em nó một thùng các tông to đùng toàn truyện thiếu nhi. Quỳnh đã cười thật nhiều khi lấy truyện ra khỏi thùng.
Minh họa: PHÚC GIANG
Chiếc thùng các tông đó bây giờ vẫn được bảo quản cẩn thận trong phòng của Quỳnh.
Có mấy lần mẹ bảo, hay là bán thùng truyện đó cho mấy cô thu mua phế liệu, để trong phòng chẳng phải là rất chật chội sao, nhưng Quỳnh vẫn muốn giữ thùng truyện lại.
Quỳnh đã lớn lên cùng thùng truyện này, nên không muốn bán đi. Anh Trung có lẽ cũng mang suy nghĩ đó, nên anh cũng không đồng ý bán thùng truyện.
Ba mẹ Quỳnh hay bảo, ba mẹ không cần hai đứa lo cho ba mẹ, chỉ cần hai đứa biết tự lo cho bản thân. Hồi Quỳnh còn nhỏ, nó chỉ nghe ba mẹ nói vậy thôi, đến khi lớn lên nó mới thấm thía.
Năm anh Trung vào đại học là năm Quỳnh vào lớp sáu. Hồi cấp ba, anh Trung học rất tốt, nhưng lên đại học anh bắt đầu ham chơi, bỏ bê việc học nên anh trượt hai môn. Đến Tết, anh về nhà, mẹ đã hỏi về việc học của anh. Anh do dự, và cuối cùng đã chọn nói thật.
Khi nghe anh Trung nói trượt môn, mẹ không nổi giận, trách cứ hay mắng nhiếc gì anh. Quỳnh chỉ nghe mẹ nói với anh Trung: "Con học là cho bản thân con, không học cho ba mẹ. Ba mẹ có bắt con học để nuôi ba mẹ đâu. Con lớn rồi, con cũng biết con nên làm gì rồi".
Quỳnh biết mẹ thất vọng về anh Trung lắm. Chính nó cũng thấy buồn cho mẹ khi nghe mẹ nói vậy.
Bước sang học kỳ tiếp theo, anh Trung tập trung học hành, không còn chơi bời nữa. Ba mẹ yên tâm hơn nhiều về anh.
Rồi anh Trung cũng tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại giỏi, sau đó sang Hàn Quốc học tiếp bậc thạc sĩ.
Anh Trung hay bảo thời gian trôi nhanh thật. Ký ức ngày anh Trung vào đại học vẫn mới tinh như vừa hôm qua. Anh hay bảo Quỳnh trân trọng những ngày tháng còn đi học đi, bởi sau này chẳng còn cơ hội vô tư nữa đâu. Giá mà có cơ hội quay lại thời cấp ba, sáng đi học, chiều được thảnh thơi nằm nghỉ thì tốt biết bao nhiêu.
* * *
Trước nhà Quỳnh có một cây xà cừ lớn. Tháng tư là thời gian rụng lá của cây, nên chiều nào đi học về Quỳnh cũng thấy ba cầm chổi quét sân.
Quỳnh thấy cây xà cừ lên lá mới màu xanh non cũng đẹp, nên chụp ảnh gửi cho anh Trung.
Vừa lúc đó, cô của Quỳnh mang xoài đến tặng ba. Cô lại nhắc đến chuyện du học Hàn.
Cô nói, sắp tới thi đại học, chọn ngành Ngôn ngữ Hàn đi, sau đó du học Hàn giống anh Trung. Anh Trung có học bổng mà, nó cố gắng thì cũng giành được học bổng thôi.
Sau này có thể làm phiên dịch viên tiếng Hàn, hướng dẫn viên du lịch cho các đoàn khách Hàn Quốc, hoặc đi dạy tiếng Hàn. Cơ hội việc làm rộng mở thế kia.
Nhưng Quỳnh chẳng muốn vậy. Quỳnh chỉ muốn học Thiết kế thời trang tại một trường đại học ở TP.HCM.
Quỳnh đã có lựa chọn của riêng bản thân rồi. Quỳnh biết mình thích gì, và Quỳnh cũng tự biết bản thân làm được những gì. Quỳnh đâu phải anh Trung. Anh Trung làm được, đâu có nghĩa là Quỳnh cũng làm được. Quỳnh chẳng thấy dễ chịu gì khi họ hàng cứ bắt mình phải giống anh.
Quỳnh cũng không muốn xa ba mẹ. Nếu học ở TP.HCM, nó có thể thường xuyên về nhà.
Ba mẹ Quỳnh nói rồi, Quỳnh học là cho bản thân Quỳnh. Quỳnh không muốn học vì một ai khác nữa.
Cô về rồi, ba Quỳnh mang xoài vào bếp, gọt xoài rồi cắt bày lên dĩa. Quỳnh đã không ăn một miếng nào.
* * *
Hôm sau có bài kiểm tra địa lý, nhưng buổi chiều đi học về, Quỳnh chẳng chịu học bài ngay mà nghịch điện thoại mãi, nên đến tối chẳng học bài kịp. Bài thì nhiều, mà thời gian để học thì ít.
Hai mươi ba giờ, Quỳnh vẫn còn mấy bài chưa đọc qua, nên nó lén vào bếp pha hai gói cà phê uống. Ba mẹ Quỳnh ngủ rồi, nếu ba mẹ thấy nó uống cà phê khuya như vậy thì kiểu gì cũng sẽ mắng cho một trận.
Gần nửa đêm thì Quỳnh chẳng học bài nổi nữa vì đau đầu và buồn nôn, chắc là do cà phê. Quỳnh nằm xuống giường cố ngủ, nhưng tim đập nhanh kinh khủng, nó không tài nào ngủ nổi.
Cuối cùng Quỳnh phải gọi mẹ dậy, và mẹ nó chở đi bệnh viện. Bác sĩ kê thuốc cho Quỳnh. Quỳnh uống rồi ngủ một mạch đến mười giờ sáng.
Mẹ đã xin cho Quỳnh nghỉ học buổi sáng hôm đó.
Quỳnh đánh răng, rửa mặt rồi lại ngồi bên giường. Quỳnh nghĩ đến cảnh đêm qua ở trong bếp lén lút đun nước pha cà phê, rồi cầm cốc lên uống một mạch. Quỳnh thấy buồn cười trước sự ngốc nghếch đó. Chẳng biết sau này khi phải sống một mình, nó có tự lo cho bản thân nổi không nữa.
Quỳnh đã khỏe trở lại nên được xuất viện trong buổi chiều. Mẹ chở Quỳnh về, dọc đường đùa rằng chắc phải giấu hết cà phê đi.
Lúc về nhà, nó thấy lá xà cừ rụng đầy trước cửa. Quỳnh lấy chổi quét sạch lá.
Ở Hàn Quốc làm gì có cây xà cừ.
* * *
Minh họa: PHÚC GIANG
Quỳnh làm lại bài kiểm tra Địa lý vào sáng thứ bảy. Quỳnh học bài hết rồi, nên không gặp vấn đề gì.
Buổi chiều, Quỳnh cho bản thân nghỉ ngơi, mọi bài tập được đẩy sang chủ nhật. Quỳnh ngủ gần hết buổi chiều, và chỉ thức giấc khi nghe tiếng trò chuyện ở phòng khách.
Tò mò, Quỳnh bước ra xem thì thấy dì đang trò chuyện với mẹ. Quỳnh chào dì một tiếng, định bước vào trong, nhưng dì gọi lại, hỏi nó dạo này học hành thế nào. Quỳnh đành đứng lại trả lời lấy lệ.
Con dì đi Nhật du học rồi, dì vui vẻ kể. Con dì học Công nghệ chế tạo máy.
Con cũng mừng ạ, Quỳnh đáp, rồi nghĩ thầm, nhưng cũng có liên quan đến nó đâu.
Dì lại hỏi về dự định của Quỳnh. Dì hỏi sau này Quỳnh muốn làm gì.
Quỳnh biết nếu Quỳnh nói muốn làm nhà thiết kế thời trang, thể nào dì cũng sẽ nói chuyện đó là không thực tế. Dì lúc nào cũng bảo Quỳnh đi học mấy ngành khoa học - công nghệ giống anh Trung, vì dì cho rằng những ngành ấy thực tế hơn.
Quỳnh không thể không trả lời dì, nhưng nó cũng không muốn nói dối.
Con á…
Quỳnh thoáng nghĩ đến anh Trung. Ngày anh đăng ký nguyện vọng đại học, Quỳnh đã hỏi anh tại sao chọn Công nghệ sinh học. Anh Trung đã trả lời rằng anh chọn vì thích, có vậy mà cũng hỏi. Ngay từ lớp sáu, anh đã thích Sinh học rồi. Nếu bắt anh chọn Sư phạm Ngữ văn hay Văn học, anh thà không thi đại học còn hơn.
Giờ đây anh Trung học thạc sĩ ngành mà anh thích rồi, có mệt đấy, có áp lực đấy nhưng cũng rất xứng đáng, phải không?
Quỳnh mỉm cười khi nghĩ đến đó.
Con làm gì cũng được, miễn con hạnh phúc là được rồi.
Đây không phải là câu trả lời mà dì Quỳnh mong đợi, nhưng là điều mà Quỳnh muốn thể hiện từ lâu.
Trước nhà, lá xà cừ vẫn xanh mướt, lấp lánh trong ánh nắng chiều.
Tuổi Trẻ Sao
Thông tin tài khoản ngày
Tài khoản được sử dụng đến ngày | Bạn đang có 0 trong tài khoản
1 sao = 1000đ. Mua thêm sao để tham gia hoạt động tương tác trên Tuổi Trẻ như: Đổi quà lưu niệm, Tặng sao cho tác giả, Shopping
Tổng số tiền thanh toán: 0đ
Thanh toánVui lòng nhập Tên hiển thị
Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Mật khẩu không đúng.
Thông tin đăng nhập không đúng.
Tài khoản bị khóa, vui lòng liên hệ quản trị viên.
Có lỗi phát sinh. Vui lòng thử lại sau.
Vui lòng nhập Tên của bạn.
Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Mật khẩu phải có ít nhất 6 kí tự.
Xác nhận mật khẩu không khớp.
Nhập mã xác nhận
Đóng lạiVui lòng nhập thông tin và ý kiến của bạn
XVui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Vui lòng nhập Họ & Tên.
Vui lòng nhập Ý kiến của bạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận