Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Vui lòng nhập Họ & Tên.
Cuối tuần, tôi về với biển, ở hẳn một tháng cho thỏa nỗi nhớ mong. Ở xóm chài này tôi chơi thân với Nhi và Bình nhất.
Hồi đó tôi sống với mẹ, lúc Nhi chưa dọn đến làng chài này thì Bình là người bạn thân duy nhất của tôi. Nhà Bình ở đầu ngõ, nhà tôi trong ngõ, cuối ngõ là biển. Tôi và Bình cùng lớn lên. Tuổi thơ đơn giản và làng chài nghèo làm nên những kỷ niệm khó quên giữa chúng tôi.
Mỗi chiều đi học về tôi hay ra gốc cây khế trước nhà Bình để cùng chơi thả diều với cậu. Biết tôi thích trò này nên Bình đã làm hẳn một con diều rất to tặng tôi. Cho đến hôm nay tôi vẫn còn giữ nó, dù bạc màu nhưng nó luôn làm tôi thấy vui mỗi khi nghĩ về Bình, về quãng thời gian đẹp đẽ với cậu.
Một lần, chúng tôi đang thả diều thì con diều bất ngờ dính lên cây khế. Tôi bảo Bình lấy xuống nhưng cậu vờ giận dỗi. "Tại cậu nên nó mới bị mắc kẹt trên đó, cậu tự nghĩ cách đi".
Minh họa: PHÚC GIANG
Cây khế hồi đó cũng chỉ cao có một mét rưỡi nhưng so với tôi là cả một khoảng cách dài, làm tôi cứ nhảy lên kéo xuống, rồi lại nhảy lên kéo xuống, mãi vẫn không tới được. Còn Bình ngồi trên bậc thềm chun mũi cười. Nhìn cậu ta mà phát ghét, nhưng tôi quyết không đầu hàng.
Tôi quyết định trèo lên cây khế lấy nó xuống. Và kết quả là... con diều tất nhiên đã được kéo xuống nhưng tôi thì trượt chân ngã nhào làm đầu gối chảy máu.
Đó cũng là lần đầu tiên tôi bị mẹ la, còn những lần sau này như cơm bữa. Tôi vốn là một đứa chuyên nghịch ngợm, Bình lại hiền lành ngoan ngoãn.
Thế mới có hai hình ảnh trái ngược nhau, một đứa con gái cứ thích trèo cây khế té trầy chân trầy tay, còn một đứa con trai ở dưới cầm rổ hứng khế rồi giấu tịt bố mẹ trốn ra sau tảng đá ngoài biển xức thuốc cho cái đầu gối bị trầy của đứa kia. Vừa xức, Bình vừa lo lắng: "Lỡ mẹ cậu đánh đòn cậu thì sao?".
Tôi lắc đầu an ủi cậu ấy: "Không có chuyện đó đâu, mẹ mình chỉ mắng vài câu thôi, qua ngày hôm sau là mẹ quên hết à".
Hồi đó tôi hay bắt nạt Bình, như một thú vui. Lần nào ra trước cổng trường tôi cũng than mệt bảo cậu xách cặp giùm, tất nhiên Bình biết tôi nói dối mà vẫn răm rắp làm theo. Vì cậu rất sợ tôi giận, tôi giận rồi thì không còn ai chơi với cậu nữa.
Tôi nhớ có lần mẹ tôi nấu bánh canh giò heo cho hai đứa ăn. Chúng tôi vừa ăn vừa xem tivi, tôi ăn rất nhanh, chỉ trong chớp mắt phần giò heo của tôi đã biến mất, nhìn sang Bình, tô của cậu vẫn còn nguyên. Thế là tôi đề nghị Bình nhường phần giò heo ấy cho tôi, thoạt đầu cậu nhìn tôi, kiểu "sao có thể như thế chứ, phần của mình mà".
Tôi nhìn lại Bình bằng đôi mắt sắc lạnh và tất nhiên cậu ngoan ngoãn làm theo. Mẹ từ dưới nhà đi lên trông thấy đã mắng tôi một trận, nhưng tôi vẫn không từ bỏ việc bắt nạt Bình.
Rồi năm tháng cứ vùn vụt trôi. Cây khế trước ngõ nhà Bình vẫn cần mẫn rụng lá, ra hoa, cho chúng tôi những quả ngọt. Chẳng biết bao mùa mưa nắng đã đi qua, hai đứa trẻ ngày nào giờ đã lớn.
Tôi bớt nghịch hơn, cố gắng để trở nên dịu dàng, nhưng vẫn bị mẹ la vì hay trèo cây khế, chiên trứng cháy khét, nấu cơm nhão nhẹt và những chuyện linh tinh khác mà tôi không nhớ nổi.
Bình vẫn hiền lành cho tôi bắt nạt, nhưng cậu cũng có chút thay đổi. Bình cao hơn tôi một cái đầu, hay tham gia vào những chuyến đi biển với bác Mười và thường giành phần trèo cây hái khế. Cậu bảo: "Để mình hái cho, không thì mẹ cậu lại mắng cậu nữa đấy".
Tôi gật đầu. Dù sao cũng lớn rồi, tôi chẳng còn thích trèo lên cây khế nữa mà chuyển sang ngồi dưới gốc khế nhìn lên những tán lá xanh mướt.
Mùa hè tôi và Bình lên lớp 8 thì gia đình Nhi chuyển đến làng chài này. Nhi không có mẹ, ba Nhi là bác Bảy, Nhi cũng bằng tuổi chúng tôi nên hay rủ nhau đi học chung. Chúng tôi chung trường, chung lớp và tham gia chung vào những trận chiến trẻ con với mấy đám nhóc ở xóm khác.
Có những chiều mùa hè cùng nhau chạy dọc bờ biển lượm vỏ sò vỏ ốc bỏ đầy hai túi áo, lãng mạn hơn thì nằm dài trên cát, ngẩng đầu đếm mây trời và tưởng tượng mình được phiêu du theo những đám mây trắng xốp bồng bềnh kia để cùng gió trôi đi khắp nơi. Nhưng tôi thích nhất vẫn là được ngồi dưới gốc cây khế mỗi chiều hè để nhìn những bông hoa tím nhỏ xíu rụng đầy trước ngõ.
Chớp mắt một cái, chúng tôi đã vào cấp ba. Năm 12 đến cả bọn đều vùi đầu vào bài vở, học, thi, học, rồi lại thi, không còn thời gian nào cho rong chơi chạy nhảy nữa. Những mùa hè tuổi thơ vì thế đã bị bỏ quên trên bờ cát, nơi có những con sóng ngày đêm vẫn đập ầm ầm, ù ù.
Thỉnh thoảng tôi cũng ra biển, gió thổi vào mặt mặn chát, tôi ngẩn ngơ, nhớ lâu đài cát, nhớ vỏ sò vỏ ốc, nhớ nụ cười của Nhi, mái tóc rối xù của Bình. Những ngày tháng cũ sao thật bình yên.
* * *
Xóm chài bây giờ đã thay đổi rất nhiều, đông vui nhộn nhịp hơn. Nhà ba đứa tuy không khá giả nhưng đứa nào cũng ước mơ thật lớn. Đem chuyện này kể cho nhau nghe thì Bình có vẻ rất hứng thú.
"Nè, ước mơ của hai cậu là gì vậy, "bật mí" chút xíu được không?".
Bình hỏi chúng tôi trong một buổi chiều hè ngồi dưới gốc khế. Tôi hào hứng nói về ước mơ của mình.
"À, ước mơ của mình cũng đơn giản lắm. Hướng dẫn viên du lịch đấy, mình muốn trở thành một hướng dẫn viên du lịch để được đi khắp nơi".
"Ước mơ lớn vậy mà bảo là đơn giản", Bình nhìn tôi. "Được đi nhiều nơi như cậu chắc có ngày cậu quên biển mất thôi. Mình thì luôn muốn sống với biển nên mình ước được làm thủy thủ để ngày ngày ngắm biển và...".
Trong lúc Bình say sưa nói về giấc mơ màu biển của cậu, tôi quay sang Nhi thì thấy bạn ấy đang ngồi trầm ngâm, tôi thúc vào tay Nhi.
"Còn ước mơ của cậu là gì, kể mình nghe đi".
"Ước mơ của mình hả...", Nhi suy nghĩ lâu thật lâu mới nói, "...là trở thành cô giáo dạy chữ cho những đứa trẻ nghèo ở làng chài mình nè".
Tự dưng tôi thấy mắt mình cay xè, ước mơ của Nhi thật đẹp. Tôi sinh ra ở biển, lớn lên ở biển mà chưa khi nào nghĩ cho quê biển, còn chưa một lần nói yêu biển nữa. Đột nhiên Nhi cầm đuôi tóc tôi lắc lắc.
"Cậu nghĩ gì mà chăm chú dữ vậy".
"À, ừ...".
Bình chen vào: "Đừng nói với mình là ngày mai cậu bỏ xứ này đi đó nha".
Tôi ném cành khế về phía Bình. "Không có chuyện đó đâu. Mà dù sau này có đi đâu xa thật xa thì mình cũng sẽ quay về. Nhất định, vì đó là lời hứa của mình với biển".
"Nói thì phải giữ lời đó nha, biết đâu...", Bình cười toe, bỏ lửng câu nói. Nhưng tôi hiểu cậu muốn nói gì, chỉ là tôi không buồn phân bua với Bình thôi.
Tôi lại nhìn lên cây khế, Bình lại cốc đầu tôi. "Khế đã bị cậu ăn hết từ mùa trước rồi, còn đâu nữa mà ngó". Tôi liếm môi: "Mình ngó nắng đấy chứ".
"Ngó nắng mà liếm môi sao".
"Cho đỡ thèm".
Cả bọn cùng cười vang.
* * *
Minh họa: PHÚC GIANG
Mùa hè năm đó trôi qua thật nhanh và đầy bất ngờ, nhưng chỉ toàn chuyện buồn. Trong một chuyến ra khơi, chiếc thuyền có bác Bảy và hai người bạn của bác đã vĩnh viễn chìm vào lòng biển mặn. Nhi đón nhận tin này khi nước mắt bạn ấy không còn để khóc cho ba mình nữa.
Giờ thì tôi mới biết khi người ta còn khóc được nghĩa là nỗi đau chưa đủ lớn. Sau cái ngày định mệnh đó, Nhi quyết định không cùng tôi vào TP.HCM học, bạn ấy ở lại dành tình yêu cho biển nhiều hơn.
Gia đình bác Mười cũng có chuyện buồn, bác thiếu nợ ngân hàng một số tiền lớn giờ phải gồng mình lên làm mới đủ tiền xoay xở, Bình bỏ dở việc học, giấc mơ trở thành thủy thủ của cậu lơ lửng ở một nơi nào đó ngoài đại dương mà ngay cả sóng cũng không thể đánh dạt vào bờ được.
Buổi tối ở bãi biển Bình Thạnh, bầu trời đêm thật đẹp, chi chít sao, gió thổi xào xạc. Tôi, Nhi và Bình ngồi trên một chiếc thuyền cạnh tảng đá gần nhà, ngắm ánh trăng dát bạc lung linh và từng chiếc đèn biển dập dềnh rẽ sóng. Trên bãi cát này ngày xưa chúng tôi là những đứa trẻ vô tư vô lo, còn bây giờ, cũng trên bãi cát này, chúng tôi ngồi ôn lại chuyện cũ.
Hàng ngàn dấu chân dại khờ in trên cát và những lâu đài xây bằng tay, sóng đã âm thầm cuốn đi hết, nhưng chúng vĩnh viễn không tan đi trong ký ức mùa hè năm ấy. Tôi sẽ trở về, không cần điều gì nhắc nhở cả, chỉ cần một cái hẹn thôi.
Một ngày trước khi vào thành phố, tôi bật máy quay, cảnh đầu tiên là ngôi nhà, đến bãi cát, rồi xoay ra biển. Đoạn phim dài, không kịch bản, không có người lớn, chỉ có tôi, Nhi và Bình. Tôi để máy trên thuyền, ống kính hướng lên bầu trời lưu giữ màu xanh, lưu giữ những đám mây trắng xốp và cảm giác dập dềnh hư không.
Lúc mở ra xem thành quả, tự dưng tôi thấy mắt mình đỏ hoe rồi chẳng muốn đi chút nào. Nhi như hiểu được tâm trạng của tôi, bạn ấy khẽ khàng ôm vai tôi như lúc còn nhỏ, lúc Nhi muốn chia sẻ điều gì hoặc là bảo tôi cứ yên tâm.
"Mình biết cậu lo lắng điều gì rồi. Cậu đừng băn khoăn nữa, mình sẽ thường sang trò chuyện với mẹ cậu để bác đỡ buồn. Bác rất thương mình và mình cũng coi bác như người thân rồi".
"Cảm ơn cậu nhiều lắm".
"Ngốc à", Nhi cốc nhẹ đầu tôi một cái, "chúng ta là bạn thân mà".
Nhi nở nụ cười sáng trong như lần đầu tiên tôi nhìn thấy, nụ cười mùa hạ đẹp đến nao lòng. Tôi nhìn sang Bình, cậu cũng cười nhưng là cười khi nhìn thấy những bông hoa tím rụng đầy vai áo thoảng thơm mùi ký ức xa xăm.
Tuổi Trẻ Sao
Thông tin tài khoản ngày
Tài khoản được sử dụng đến ngày | Bạn đang có 0 trong tài khoản
1 sao = 1000đ. Mua thêm sao để tham gia hoạt động tương tác trên Tuổi Trẻ như: Đổi quà lưu niệm, Tặng sao cho tác giả, Shopping
Tổng số tiền thanh toán: 0đ
Thanh toánVui lòng nhập Tên hiển thị
Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Mật khẩu không đúng.
Thông tin đăng nhập không đúng.
Tài khoản bị khóa, vui lòng liên hệ quản trị viên.
Có lỗi phát sinh. Vui lòng thử lại sau.
Vui lòng nhập Tên của bạn.
Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Mật khẩu phải có ít nhất 6 kí tự.
Xác nhận mật khẩu không khớp.
Nhập mã xác nhận
Đóng lạiVui lòng nhập thông tin và ý kiến của bạn
XVui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Vui lòng nhập Họ & Tên.
Vui lòng nhập Ý kiến của bạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận